Gần 30 CBNV, giảng viên FSB đã có buổi nói chuyện Chủ tịch Trương Gia Bình sáng 2/6. |
Tại phòng làm việc của Chủ tịch Trương Gia Bình ở tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội), gần 30 giảng viên, CBNV Viện Quản trị Kinh doanh (FSB thuộc ĐH FPT) tham gia buổi trò chuyện về phương pháp đào tạo Constructivism. Đây là chủ đề anh dành rất nhiều tâm huyết và kỳ vọng có thể thay đổi nền giáo dục hiện tại và tạo ra lớp nhân lực thế hệ mới chất lượng cao.
Từ đầu năm, Chủ tịch FPT rất nhiều lần trực tiếp có buổi gặp gỡ, nói chuyện với lãnh đạo cấp cao, giảng viên, CBNV về chủ đề này. Nếu những buổi đầu tiên đi vào lý thuyết về phương pháp mới thì lần này anh áp dụng ngay nguyên tắc đào tạo của Constructivism để giảng dạy về nội dung kiến tạo này. Không còn là bài diễn thuyết dài và tự mình độc thoại, diễn giả và người nghe cùng nhau xây dựng lý thuyết và cách thực hiện Constructivism qua cách làm việc nhóm, trao đổi và thảo luận liên tục trong suốt 3 giờ.
Mở đầu bài học, anh Bình cho rằng, "lý thuyết màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi". Dù đánh giá rất cao phương pháp đào tạo Constructivism nhưng anh Bình muốn xây dựng kiến thức này cùng người FSB từ các ví dụ và câu chuyện thực tế.
Theo đó, các CBNV nhanh chóng chia thành ba nhóm nhỏ. Mọi người đứng để nghe giảng và thảo luận. Xung quanh là tấm bảng với giấy và bút để thảo luận và làm việc nhóm. Để tạo ra một cuộc đua, anh Bình đã tổ chức game nhỏ nhằm khơi nguồn hứng thú cho người học.
Người đứng đầu FPT thu hút mọi người vào buổi nói chuyện từ việc xác định mục tiêu "cháy bỏng" của ĐH FPT nói chung và FSB nói riêng. Theo đó, ĐH FPT sẽ tiên phong trong việc chấn hưng giáo dục, tạo ra lớp công dân số có thể đứng vững trong thời đại cách mạng số đang lên như vũ bão. Khi robot sẽ thay thế con người thì chính tri thức và nhân cách sẽ đóng vai trò quan trọng giúp con người có vị trí trong thế giới mới.
Anh Bình rất tâm đắc với Constructivism và có nhiều buổi nói chuyện với người Khối Giáo dục về chủ đề này. |
Anh cho rằng, công dân điện tử cần đáp ứng tiêu chí sau: Tự học, sáng tạo, đổi mới. Và để đạt được điều đó yêu cầu người học, người dạy và phương pháp cũng phải thay đổi theo. Anh Bình liên tục đưa ra câu hỏi để người học liên tục động não. Đồng thời, với những câu hỏi lớn mang tính chất nòng cốt để cấu thành nên Constructivism, anh để mọi người làm việc nhóm và tạo cuộc tranh luận tìm ra chân lý. Ngoài ra, những thành tố, cá nhân đóng góp vào sự thành công của Constructivism được anh cắt nghĩa rất rõ ràng. Buổi nói chuyện không dừng lại ở lý thuyết suông mà thực sự là "cầm tay chỉ việc".
Với việc xây dựng bài từ trí tuệ của tập thể, kiến thức khô khan từ phương pháp đào tạo tưởng chừng như hàn lâm trở nên dễ dàng nắm bắt và có thể áp dụng ngay vào thực tế đào tạo tại FSB. Mỗi đóng góp của các nhóm được anh tặng điểm và kèm theo lời khuyến khích động viên rất kịp thời. Người FSB có thể hát, đọc thơ, tranh luận... trong môi trường tôn trọng cá nhân tuyệt đối.
Trước hết, anh Bình nhắc đến người học - trung tâm của giáo trình đào tạo đầu tiên. Theo Chủ tịch FPT, học là bản năng của con người và đây cũng là điểm khác nhau giữa con người và con vật. Tuy nhiên, trong cuộc sống, bản năng này bị tàn phá bởi sự áp đặt, lớp học tẻ nhạt, sự khác biệt không được công nhận, không có sự mới lạ...
"Theo nghiên cứu của nhà khoa học, vùng não sáng tạo đặt cạnh khu vực đau đớn. Khi sáng tạo, lập tức vùng đau đớn được kích hoạt dẫn đến con người sợ đổi mới. Nhưng khi vùng não đó liên tục được kích hoạt thì con người trở nên nghiện sáng tạo", anh Bình cho biết.
Các kiến thức về Constructivism được đóng góp từ trí tuệ tập thể. |
Để "kích hoạt" được vùng não đó của người học cần giúp họ thấy lợi ích khi học, cá nhân hóa quá trình học và ghi nhận sự nỗ lực, tiến bộ của từng sinh viên. "Hãy khuyến khích để sinh viên có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày như bà mẹ Do Thái thường động viên con cái mỗi buổi sáng 'con trai vĩ đại của mẹ, dạy đi con để trở thành Einstein'", anh Bình mách nước. Khi Chủ tịch FPT nói đến đây, nhiều CBNV, giảng viên gật gù tâm đắc với chia sẻ rất hữu ích này.
Bên cạnh đó, người thầy trong Constructivism được ví như huấn luyện viên (coach) giúp sinh viên tìm ra con đường mình cần tới. Khi để sinh viên hứng thú tự học thì kiến thức đó mới trở thành của họ. Người thầy cũng cần tự học và sáng tạo để trở thành huấn luyện viên giỏi. Hệ thống đánh giá cũng đóng vai trò quan trọng trong đào tạo Constructivism. Một hệ thống tốt là đánh giá được sự tiến bộ từng ngày của mỗi cá nhân, giúp họ so sánh và thấy sự khác biệt sau quá trình nỗ lực tự học để có động lực bước tiếp.
Gần cuối buổi nói chuyện, những câu hỏi, băn khoăn trăn trở về nội dung, cách thức đánh giá, truyền cảm hứng cho người học... của giảng viên FSB được anh Bình "rút ruột" chia sẻ. Nhóm 1 hoạt động tích cực nhất nhận được phần thưởng từ các nhóm về đích sau.
Hoạt động năng nổ trong suốt 3 giờ học, chị Nguyễn Thanh Minh, cán bộ phòng Đào tạo FSB, nhìn nhận: "Đây là buổi nói chuyện thực sự hữu ích với tôi - người đang trực tiếp làm việc về đào tạo ở FSB. FSB là một đơn vị khá thuận lợi khi áp dụng Constructivism vào đào tạo bởi học viên của viện đã đi làm. Ở họ có bản năng học rất lớn. Điều quan trọng là tạo được hứng khởi và giúp họ phát huy được hết khả năng của mình. Và tôi thấy mong muốn này cũng trùng với tiêu chí đào tạo của Constructivism".
Cũng theo chị Minh, hiện FSB đào tạo một số môn theo phương pháp Constructivism như MBA, đào tạo doanh nghiệp... Sắp tới, FSB sẽ nghiên cứu đưa phương pháp này vào triển khai rộng rãi tại Viện, giúp đào tạo lớp công dân số, đáp ứng đòi hỏi của thế giới mới.
Lưu Vân
Ý kiến
()