Bình luận viên Trí Viễn gia nhập nhà F năm 2014, hiện anh quản lý mảng bản tin, sản xuất và bình luận của FPT Play. Là một trong hai bình luận viên miền Nam góp giọng xuyên suốt World Cup 2022 trên sóng VTV, Trí Viễn có nhiều trải nghiệm đáng giá chia sẻ cùng Chúng ta.
- Cơ duyên nào đưa anh đến với vai trò bình luận viên World Cup năm nay trên đài truyền hình quốc gia?
- Một tuần trước khi World Cup diễn ra, tôi nhận được tin nhắn của anh em bình luận viên VTV hỏi có rảnh thời gian này không để mời tham gia xuyên suốt mùa giải. Khi nhận thông tin, tôi hơi bất ngờ và cũng đắn đo bởi nếu nhận lời thì phải ra Hà Nội trong một tháng. Trong khi đó, vợ tôi mới sinh bé thứ ba được hai tháng và các đầu việc tôi đang quản lý tại FPT Play ở Sài Gòn cũng khá nhiều.
BLV Trí Viễn (phải) khi lên sóng cùng đồng nghiệp VTV. |
Sau một ngày suy nghĩ, tôi quyết định tham gia vì đây là sân chơi lớn, cũng là cơ hội để làm việc cùng đồng nghiệp giỏi trong ngành. Hơn nữa, giải đấu được phát trên sóng quốc gia nên mức độ phổ biến sẽ rộng rãi hơn. Tôi hỏi các sếp FPT Play để xin ý kiến thì nhận được sự ủng hộ lớn nên cũng an tâm gác lại các công việc để dành toàn lực cho World Cup.
- Sự khác nhau giữa các trải nghiệm công việc trước đây của anh với bình luận World Cup lần này là gì?
- Quá trình sản xuất chương trình của mỗi đơn vị là khác nhau. Tuy nhiên, tôi nhận thấy môi trường mình đang làm và tham gia lần này không có khác biệt quá lớn bởi các khâu chuẩn bị và sự tập trung cho công việc vẫn ở mức độ giống nhau. Chỉ có khác là giá trị của giải đấu và bản quyền cho từng trận đấu quá lớn nên mức độ an toàn của sóng quốc gia chắc chắn ở mức cẩn thận hơn. Khi ra Hà Nội công tác, ngoài phân chia nhân sự cho các đầu việc tại đơn vị ở Sài Gòn thì tôi được tạo điều kiện tập trung toàn lực cho giải đấu. Vì vậy, tôi có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thông tin và tìm những điểm nhấn riêng cho mình trong quá trình bình luận.
Một khác biệt khi lên sóng quốc gia là việc sử dụng câu từ phải cân đo đong đếm rất cẩn thận để tránh các vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến văn hóa đài và đội bóng mình đang bình luận. Các đại sứ quán luôn có người theo dõi các trận đấu nên khi dùng từ phải cân nhắc không gây hiểu nhầm hoặc ảnh hưởng quan hệ quốc tế.
- Một ngày của bình luận viên Trí Viễn trong mùa World Cup diễn ra như thế nào?
- World Cup lần này có khoảng 10 bình luận viên luân phiên thực hiện các trận đấu trên sóng VTV. Đài sắp xếp rất cẩn thận để mỗi người chỉ phải đảm nhiệm một trận mỗi ngày nhằm giữ sức cho xuyên suốt mùa giải. Chúng tôi không chỉ tham gia bình luận trong thời gian diễn ra mỗi trận đấu mà còn lên sóng trò chuyện trước, giữa và sau trận với tổng thời lượng làm việc hơn ba tiếng.
Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian theo dõi tất cả những trận còn lại để nắm thông tin cũng như học hỏi phần bình luận của các đồng nghiệp. Vì vậy, tại vòng bảng, cả đêm của tôi chỉ dành cho bóng đá và khi về đến khách sạn hầu như trời đã gần sáng. Tôi ngủ tầm vài tiếng rồi lại thức dậy nghiên cứu trận đấu mình tham gia bình luận trong ngày tiếp theo. Mỗi ngày dường như đều như vậy trong gần một tháng qua.
- Anh thường chuẩn bị ra sao trước một trận đấu?
- Trước khi bình luận, tôi đọc và nghiên cứu số liệu thống kê, lịch sử đối đầu, thông tin liên quan đến đội bóng, cầu thủ, phần phỏng vấn của huấn luyện viên và các đội trước trận đấu. Mỗi ngày tôi đọc khoảng 20 đầu báo trong và ngoài nước để đảm bảo nắm khoảng 90% thông tin cần thiết. Khi ngồi vào phòng bình luận, bên cạnh tôi luôn là một chiếc laptop và hai chiếc điện thoại chứa các nội dung đã chuẩn bị với khoảng 20 thư mục thông tin được đánh dấu riêng để tiện tra cứu khi đang làm việc.
"Chúng tôi không chỉ tham gia bình luận trong thời gian diễn ra mỗi trận đấu mà còn lên sóng trò chuyện trước, giữa và sau trận với tổng thời lượng làm việc hơn ba tiếng", BLV Trí Viễn bật mí. |
Cái khó của bình luận viên là có thể chuẩn bị thông tin nhưng những gì diễn ra trong trận bóng thì không ai có thể đoán trước được. Để bình luận trôi chảy thì cần có kiến thức nền và khả năng xoay trở khéo léo. Mỗi người có cách xử lý khác nhau tùy vào phong cách bình luận cũng như kinh nghiệm bản thân. Trong trường hợp diễn biến trên sân không có nhiều đột phá thì chúng tôi thường đưa các câu chuyện về đội bóng, huấn luyện viên hay đời tư cầu thủ để tránh làm trống sóng. Vì vậy, lượng thông tin chuẩn bị trước rất nhiều, thậm chí như một ma trận nhưng thực tế có thể mình chỉ dùng được khoảng 40-50% là nhiều vì phải đưa vào đúng chỗ, nếu không thì rất vô duyên.
- Mỗi trận đấu World Cup luôn có hai bình luận viên tham gia. Anh làm sao để dung hòa cá tính và kết hợp mượt mà với đồng nghiệp?
- Mỗi trận đấu tham gia bình luận, tôi kết hợp cùng một đồng nghiệp miền Bắc nên cân nhắc rất nhiều để hòa hợp với mọi người về ngôn ngữ địa phương. Khi nhận phân công, tôi tìm hiểu phong cách của đối tác, cách họ dùng câu từ như thế nào để phối hợp cho nhịp nhàng. Ví dụ nếu đồng nghiệp đang dùng thơ để thể hiện diễn biến trên sân thì tôi có thể thả vào một con số. Tôi lựa thời điểm đồng nghiệp “thả” thì mình “bắt”, ngược lại mình gợi nội dung thả vào để họ bắt nhịp cùng mình và hài hòa với nhau.
- Tham gia bình luận giải bóng đá lớn nhất hành tinh trên sóng quốc gia có nghĩa số lượng người quan tâm rất lớn, điều này không tránh khỏi đi kèm những đánh giá tích cực lẫn tiêu cực. Anh đối diện những áp lực này như thế nào?
- Khi làm công việc tiếp cận đại chúng, tôi đã xác định phải chấp nhận áp lực xung quanh và không thể đòi hỏi 100% người xem phải nghe theo suy nghĩ và ý kiến của mình. Tôi nghĩ người trong nghề ai cũng hiểu và mỗi người tự kiểm soát theo cách riêng, có nghĩa là phải biết những mặt tốt, các phản hồi tích cực hay mặt xấu với các phản ứng tiêu cực nằm ở góc độ nào. Mình đã chấp nhận vui với những lời khen thì phải biết đón nhận cả những lời chê. Tôi không quá vui khi được khen và cũng không quá buồn khi nhận đánh giá không hay vì đó là hai mặt tất yếu của xã hội. Quan trọng là mình chấp nhận tiếp thu hết cả hai một cách hài hòa nhất có thể.
Trụ sở VTV - nơi trở nên quen thuộc với nhân sự FPT Play trong 1 tháng World Cup diễn ra. |
Tôi thường ngẫm lại đánh giá đó xem phần sai có về bản thân hay không. Nếu mọi thứ đến từ cảm xúc của khán giả thì không đáng quan ngại bởi đó là những phản ứng bình thường của một con người và bất cứ ai cũng có quyền sống với cảm xúc cũng như tình yêu của mình. Với tôi, chỉ cần bản thân không sai về chuyên môn hay những giá trị quan trọng về đạo đức thì vẫn ổn vì tôi tự đánh giá bản thân khá điềm tĩnh cũng như ít bị tác động bởi ngoại cảnh.
- Trước khi đứng trong vai trò bình luận viên, cơ bản anh là một người hâm mộ bóng đá. Anh làm sao cân bằng cảm xúc khi tham gia bình luận một trận đấu dù bản thân cũng có những yêu ghét nhất định với một đội bóng, cầu thủ hay những diễn biến xảy ra trên sân để có thể khách quan trong công việc?
- Tôi có thể nói 100% là mình không thể tránh khỏi về mặt cảm xúc khi bình luận. Có thể đâu đó trong một vài câu nói, tôi vô tình tạo cho người khác cảm giác là mình đang bênh vực một cầu thủ hay đội bóng nào đó. Tuy nhiên, nếu nói thật và nói thẳng, tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người hâm mộ và cũng sẽ bị chỉ trích.
Tôi nghĩ rằng nếu mình quá khô cứng trong vai trò ở giữa thì đôi khi lại bị tuột mất cảm xúc mà một bình luận viên thổi vào trận đấu. Vì vậy, khi diễn biến đang hay quá, mình có thể thổi vào một chút cảm xúc để tạo cảm giác ép phê hơn mặc dù sau đó đương nhiên cũng sẽ có người không hài lòng cũng là không tránh khỏi. Với những bình luận viên kinh nghiệm thì họ vẫn thường pha một chút cảm xúc nhưng vẫn biết mình đang ở đâu và vị trí nào để kiểm soát nó trong một giới hạn nhất định.
- Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với anh suốt hành trình tham gia bình luận giải đấu này?
- Hôm ghi hình phần trò chuyện trước trận đấu giữa Nhật Bản và Costa Rica tại vòng bảng, tôi bỗng thấy đau nhói như bị điện giật ở tay. Nhìn xuống, tôi phát hiện một chú ong rất to màu vàng óng đang chích mình. Sau đó, tôi ôm cái tay đau nhói và sưng nhẹ vào phòng bình luận mà có lúc phải dùng tay này ôm lấy tay kia suốt thời gian diễn ra hiệp một vì đau quá. Đây là tình huống hài hước mà tôi chưa bao giờ gặp trong đời. Các đồng nghiệp cũng thắc mắc vì chưa từng thấy ong trong phim trường và đùa rằng đó là lộc lá vì con vật có màu vàng óng rất đẹp.
Anh Trí Viễn tranh thủ hẹn cafe với 2 đồng nghiệp FPT Play ở HN: anh Nguyễn Anh Việt và chị Lê Trang Ngân. |
Tôi cũng nhớ lần đầu tiên được bình luận với anh Tạ Biên Cương trận Iran thắng xứ Wales 2-0. Kết hợp một trong số những bình luận viên được yêu thích nhất Việt Nam, tôi suy nghĩ làm sao để phối hợp được nhịp nhàng. May mắn là tôi nhận được nhiều lời khen và động viên từ các phóng viên cũng như đồng nghiệp trong nghề. Khi trận đấu gần kết thúc, anh ấy còn lấy điện thoại ra chụp ảnh với tôi khiến tôi thấy an tâm vì mình làm ổn và nhận được nhiều tình cảm của mọi người. Hơn nữa, bản thân trận đấu hôm ấy cũng mang lại rất nhiều cảm xúc khi một đội bóng châu Á thắng một đội bóng châu Âu.
- Tham gia công tác bình luận đã nhiều năm, anh nhận thấy bản thân đã thay đổi ra sao và những điều gì là bất biến trong phong cách làm việc của anh?
- Gần mười năm bén duyên với công việc này, điều không thay đổi ở tôi là cách truyền đạt, luồng thông tin vận dụng và đường dây bình luận mỗi trận đấu luôn được thực hiện theo cách của riêng mình. Còn thay đổi là ở sự tiếp thu những cái hay từ bên ngoài và các đồng nghiệp. Tôi học hỏi được rất nhiều từ các thần tượng và tiền bối như giọng phát thanh của chú Hòa Bình, cách bình luận của anh Ngô Quang Tùng hay anh Tạ Biên Cương. Tôi nhận thấy các bạn trẻ bây giờ cũng có những cái nhìn, cách vận dụng rất hay và thú vị khi bình luận các trận đấu nên mình vẫn tiếp thu và học hỏi để có sự đổi mới. Dù vậy, tôi vẫn giữ khuôn trong phong cách và giọng nói để không bị lệch ra ngoài hay bị nhầm lẫn với những người khác.
- Ngoài công việc bình luận, anh cũng rất thoải mái chia sẻ về tổ ấm hạnh phúc với vợ và ba con nhỏ tại TP HCM. Gia đình phản ứng ra sao khi anh phải xa nhà lâu ngày để đáp ứng công việc tại World Cup lần này?
- Gia đình rất ủng hộ công việc của tôi dù vợ phải vất vả hơn để chăm ba con nhỏ trong lúc tôi vắng nhà lâu như vậy. Khi vừa kết thúc vòng bảng và được nghỉ ngơi hai ngày, tôi lập tức bay về Sài Gòn thăm tổ ấm trong vỏn vẹn một ngày vì quá nhớ mọi người. Lúc tôi bắt đầu công tác thì con gái út mới được hai tháng tuổi mà nay bé đã ba tháng, tôi sợ bố về con quên mặt mà không cho ẵm.
Ở Hà Nội làm việc và bận rộn cả ngày nhưng tôi vẫn cố gắng gọi về cho các con vài lần mỗi ngày để hỏi thăm. Việc tôi xuất hiện trên tivi cũng không quá lạ đối với các con vì ở Sài Gòn tôi vẫn thường xuyên lên sóng truyền hình. Tuy nhiên, với mức độ đại chúng của đài quốc gia cũng như quy mô giải đấu mang tính toàn cầu thì mọi người chú ý hơn nên các con hay được thầy cô và các cô chú quen biết hỏi thăm về việc ba bình luận trên tivi. Các bé thấy tự hào và tôi cũng vui khi nghe con kể chuyện.
- Một câu hỏi bên lề, anh định nghĩa thế nào là hạnh phúc?
- Hạnh phúc là biết đủ và cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Với tôi, không phải cứ nhiều tiền là hạnh phúc và tôi cũng không giàu. Tôi hạnh phúc khi có thể mang lại niềm vui cho ba mẹ, lo được cuộc sống cho vợ con và tạo dựng được những mối quan hệ tốt trong cộng đồng và xã hội. Tôi cảm thấy những mối quan hệ mình đang có rất đẹp và tuyệt vời, tôi được nhiều người yêu thương, trân trọng và chào đón, đó chính là hạnh phúc.
Trương Sanh
Ý kiến
()