Chúng ta

FPT 13 Under 35: Trực tiếp ứng viên hạng mục Sản xuất tranh tài vòng Bản lĩnh

Thứ sáu, 9/8/2024 | 08:18 GMT+7

Ứng viên Top 50 hạng mục Sản xuất sẽ thể hiện khả năng ứng biến, lý lẽ thuyết phục, tư duy logic cũng như phong thái tự tin, trình bày mạch lạc với Hội đổng thẩm định FPT 13 Under 35 trong buổi thi sáng thứ hai (9/8) của vòng Bản lĩnh.

  • 7h45

    Vòng Bản lĩnh FPT 13 Under 35 quay trở lại với ngày tranh tài thứ hai. Hôm qua, các khán giả đã chứng kiến màn đấu trí của các ứng viên hạng mục Công nghệ và Kinh doanh. Sáng nay là thời gian dành cho hạng mục Sản xuất. Như các buổi thi trước, các ứng viên vẫn có mặt từ rất sớm để chuẩn bị tâm lý vững nhất và làm quen các “đối thủ”.

    Với Vũ Chí Dũng (FPT Software), đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng được tham gia chương trình này nên khá hồi hộp. “Mình cũng có sự chuẩn bị nhất định, ngày hôm qua mình đã đến đây theo dõi mọi người thi đấu buổi sáng và buổi chiều để lấy thêm kinh nghiệm. Sau khi theo dõi thì thấy các ứng viên tham gia đều rất sáng giá, có những phần thể hiện hay và sắc nét nên mình càng phải cố gắng và làm thật tốt”, anh Dũng chia sẻ.

    -2317-1723166225.jpg

    Anh Vũ Chí Dũng

    Sáng nay, không khí cổ vũ có vẻ trầm lắng hơn trước giờ các ứng viên “thượng đài”, do phần lớn Top 50 trong hạng mục này thuộc nhà Phần mềm, các đơn vị còn lại không quá sôi động.

    -1733-1723168320.jpg

    Hạng mục tranh tài sáng nay tìm kiếm những gương mặt thuộc khối Sản xuất như PM, Dev, Business Analyst... luôn trau dồi và nâng cao năng lực bản thân, góp phần quan trọng trong thành công của dự án. Họ cũng có thể là giáo viên/giảng viên luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy giúp phát triển môi trường học tập, đào tạo; hay dược sĩ trẻ có chuyên môn cao, tận tâm góp phần giúp nhà thuốc đạt được sự tin yêu của mọi nhà.

    -2532-1723166225.jpg

    Hạng mục Sản xuất năm nay có 10 cá nhân xuất sắc tranh tài. Trong đó, có tới 7 ứng viên thuộc FPT Software. 3 ứng viên còn lại đại diện FPT Education, FPT Online và FPT Smart Cloud.

    Hội đồng thẩm định của bảng Sản xuất gồm: anh Bùi Quang Ngọc - Thành viên Hội đồng Sáng lập, Phó Chủ tịch HĐQT FPT, anh Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ FPT, anh Chu Quang Huy - Giám đốc Nhân sự FPT và Chị Phạm Thu Liên - Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi số FPT.

  • 8h00

    Đúng 8h, chương trình chính thức bắt đầu và các cổ động viên cũng đã kéo đến gần kín hội trường.

    Nhóm đầu tiên của bảng đấu Sản xuất bước vào trong tiếng hò reo. Trần Quốc Sang - FPT Smart Cloud, Bùi Quang Ngọc - FPT Software, Nguyễn Quang Trường - FPT Online là 3 cái tên “lên sàn”. - Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi số FPT.

    Câu hỏi chào sân của hạng mục này khá thú vị: “Mô tả hành trình của bạn tại FPT bằng tên 1 bộ phim hoặc 1 bài hát và giải thích”. Ứng viên có 30 giây để nói về bản thân một cách sáng tạo, ấn tượng nhất theo gợi ý này.

    -7681-1723167699.jpg

    Trần Quốc Sang chọn bộ phim Iron Man để giới thiệu về bản thân. Nhân vật Tony Stark - kỹ sư thiên tài đã trở thành niềm cảm hứng của anh - một kỹ sư trong lĩnh vực chuyển đổi số.

    Bùi Quang Ngọc liên tưởng hành trình FPT của mình với bộ phim Internship. Trong anh luôn có khát khao học hỏi, tìm hiểu cái mới và không ngại làm lại dù vạch xuất phát có ở đâu.

    Nguyễn Quang Trường lại ví hành trình với FPT như saga Fast and Furious. Trường chia sẻ, ở FPT anh được thăng tiến rất nhanh và thử thách chông gai cũng vô vàn như saga phim hành động này.

  • 8h15

    Đề Trình bày của nhóm đầu tiên: “Theo bạn 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến 1 dự án không thành công là gì? Tại sao?”.

    Không cần dùng tới 3 phút, Trần Quốc Sang đưa ra 3 nguyên nhân dẫn đến dự án không thành công gồm: Chưa rõ yêu cầu, chưa thấu hiểu nỗi đau khách hàng; Tương tác với khách hàng chưa hiệu quả; Không đáp ứng deadline do không quản lý được các bên liên quan.

    -9966-1723169170.jpg

    Anh Trần Quốc Sang.

    Với ứng viên Bùi Quang Ngọc, nguyên nhân dẫn đến dự án không thành công đầu tiên là do "Con người" thiếu nhanh nhạy, thiếu góc nhìn toàn cảnh, ngại thay đổi, tư duy áp đặt và không còn nhanh nhạy như khi mới bắt đầu; thiếu quyết đoán, không đồng nhất về đồng bộ ý kiến. Hai là "Tổ chức", FPT có nhiều năm dẫn đến thành công, bài học thành công nhiều nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại việc vận dụng áp dụng chưa hiệu quả, nếu không được đào tạo đúng trên cơ sở thực tế. Ba là "Quản trị" các bên liên quan, đặc biệt là mong muốn của khách hàng, thiếu cảm giác tốt về mong muốn của khách hàng khiến cho dự án đi đến thất bại.

    -2754-1723169170.jpg

    Anh Bùi Quang Ngọc.

    Nguyễn Quang Trường phân tích trên kinh nghiệm 7 năm quản lý dự án của mình. Anh điểm ra 3 yếu tố. Một là, nội dung và sản phẩm chưa hấp dẫn. “Content is king” (nội dung là vua), cần xác định được sản phẩm được xây dựng có mục tiêu gì, bán cho ai, có đúng xu thế không…, phải trả lời được 5W + 1H. Hai là, tài chính không đủ mạnh cả về vốn đầu tư và thu về, cần phân tích kỹ về tài chính để đảm bảo nguồn đầu tư và nguồn thu. Bà là con người và công nghệ. Một sản phẩm thành công không thể thiếu teamwork. Điều này còn liên quan đến năng lực quản trị nhân lực của người đứng đầu, tổng hoà rất nhiều kỹ năng, trong đó có hiểu biết về công nghệ.

    -5878-1723169170.jpg

    Anh Nguyễn Quang Trường.

  • 8h30

    3 ứng viên tiến đến phần Thuyết phục.

    Ở câu hỏi đầu tiên: “Có ý kiến cho rằng AI không thay thế con người, chính những người biết sử dụng AI sẽ thay thế nhóm còn lại. Đúng hay sai, vì sao?”, không ứng viên nào thuyết phục được HĐTĐ.

    Câu hỏi thứ hai khá “khó nhằn” cho khoảng thời gian suy nghĩ 10 giây: “Giả sử 10 người hoàn thành 1 dự án trong 10 ngày. Vậy để hoàn thành 10 dự án tương tự trong 10 ngày cần 100 người. Đúng hay sai, vì sao?”. Không ứng viên nào giành quyền trả lời.

    Câu hỏi cuối cùng của phần Thuyết phục: “Nếu có 1 ước mơ được trở thành sự thật, bạn sẽ ước mơ gì? Vì sao?”.

    Giành quyền trả lời, Trần Quốc Sang ngay lập tức nói lên ước mơ của mình: Các sản phẩm Cloud của FPT Smart Cloud và FPT Software được triển khai ở tất cả CTTV nhà FPT, giúp tiết kiệm chi phí. Câu trả lời của Sang nhận 3 like và 1 dislike, giúp anh trở thành ứng viên bước vào phần Dấu ấn.

    -6281-1723169365.jpg

    Ứng viên Trần Quốc Sang giành quyền vào phần Dấu ấn.

    Ở phần Dấu ấn, Trần Quốc Sang chọn giám khảo Vũ Anh Tú để đặt câu hỏi: "FPT đang triển khai các sản phẩm Made by FPT, anh có kỳ vọng và mong muốn gì với các bên làm sản phẩm? Đây cũng là đề bài cho bọn em".

    Anh Tú cho biết anh đã và đang làm việc với các CTTV để triển khai các sản phẩm của FPT Smart Cloud, tuy nhiên yêu cầu của FPT rất khắt khe vì đặc thù hoạt động trên toàn cầu và ở nhiều lĩnh vực. Giám đốc Công nghệ FPT mong các sản phẩm đó phải đạt được mức “global” để các công ty như FPT Software có thể sử dụng trên toàn cầu.

    -4993-1723169477.jpg

    Anh Vũ Anh Tú trả lời phần câu hỏi của ứng viên.

  • 8h45

    3 ứng viên bước sang phần cuối cùng: Phỏng vấn với HĐTĐ.

    Là ứng viên đầu tiên tranh tài, Trần Quốc Sang trình bày về công việc của mình. Khi được anh Bùi Quang Ngọc hỏi “để tiên phong thì phải làm gì?”, Sang trả lời: “Cần có những người rất chuyên sâu về sản phẩm để đưa tính năng, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật hoặc sáng kiến liên quan trên toàn cầu, khảo sát thị trường, đặt câu hỏi về sản phẩm".

    -5166-1723171067.jpg

    Anh Bùi Quang Ngọc đặt câu hỏi cho ứng viên.

    Anh Ngọc chia sẻ, với anh, hiểu khách hàng, hiểu nội dung dự án và quản trị dự án là 3 yếu tố anh đánh giá quan trọng, rồi đặt câu hỏi: "Vai trò của việc hiểu khách hàng như thế nào đối với người sản xuất?". Khá ngập ngừng song Trần Quốc Sang vẫn đưa ra câu trả lời: "Phải ngồi với khách hàng, thấu hiểu cái họ cần chứ không phải bán cái mình có, giải quyết 'nỗi đau' của họ chứ không phải chỉ giới thiệu sản phẩm của mình".

    Anh Vũ Anh Tú hỏi ứng viên về mã nguồn mở, “mình đi sau thì làm sao để thành công?”. “Hiện bọn em đã làm được, FPT Cloud theo em đã đứng số 1 Việt Nam. Mình có sản phẩm và cung cấp cho cả thế giới, nhiều ông lớn thế giới đang sử dụng source code của FPT Cloud. Mình cũng có nhân sự từ nhiều đơn vị đổ về, chuyển giao nhiều kiến thức, áp dụng những thứ tiên tiến”, Sang đáp.

    -9409-1723171067.jpg

    Trần Quốc Sang trong phần Phỏng vấn.

    Tiếp đến, Giám đốc Nhân sự FPT Chu Quang Huy mở màn với hai câu hỏi "xoáy" vào việc ứng viên Bùi Quang Ngọc từng rời đi và quay trở về FPT. Quang Ngọc khẳng định rời đi vì thấy bản thân muốn chuyển mình, thử sức ở thị trường nước ngoài, có cơ hội thấu hiểu tập khách hàng mới. Sau một thời gian chinh chiến ở doanh nghiệp bên ngoài, tổ chức mới còn nhỏ và thiếu tiềm năng, anh quay về FPT. Lúc này, FPT đang “go global” nên Ngọc thấy mình phù hợp và gắn bó đến giờ. Ngoài ra, Ngọc cũng nhận định FPT và FPT Software cần phải "farming" thứ đang có thay vì tìm kiếm khách hàng mới. "Nền tảng chắc thì mới xây được kim tự tháp" - ứng viên Phần mềm cho biết.

    Ở những phút cuối, anh Vũ Anh Tú - GĐ Công nghệ FPT và chị Phạm Thu Liên - GĐ Chuyển đổi số FPT hỏi thí sinh Bùi Quang Ngọc về "pain point" quản trị dự án, tính khả thi trong việc triển khai khoán trong phần mềm, lý do vì sao Ngọc chưa thành công trong quá trình triển khai OB tại thị trường Trung Quốc và đánh giá chung quản lý các bên liên quan. Ứng viên Bùi Quang Ngọc đã có góc nhìn toàn diện, tuy chưa đầy đủ, anh đã trả lời được phần lớn nội dung trọng tâm các câu hỏi của HĐTĐ.

    -9754-1723175635.jpg

    Chị Phạm Thu Liên đặt câu hỏi cho ứng viên.

    Kết thúc phần tranh tài của mình, ứng viên có cái tên “đặc biệt” tỏ ra hài lòng vì đã nói được hết những điều thực tế cảm nhận được, những trăn trở ở FPT. “Nếu để cho điểm thì mình nghĩ là được 8,5 điểm. Hội đồng thẩm định hôm nay đặt những câu hỏi rất hay. Anh Vũ Anh Tú có đặt một câu hỏi rất sâu về thị trường Trung Quốc, đó cũng là một điều trăn trở của mình khi làm việc tại thị trường này. Cho đến bây giờ mình vẫn mong thị trường Trung Quốc sẽ phát triển mạnh hơn nữa vì đó là thị trường rất tiềm năng để FPT phát triển. Nếu có cơ hội mình sẵn sàng chiến đánh thị trường này một lần nữa”, Ngọc nói.

    Ứng viên Phần mềm cũng không giấu kỳ vọng sẽ lọt vào Top 13. “Khi trở thành FPT 13 Under 35, mong muốn của mình cho FPT sẽ được hiện thực dễ dàng hơn”.

    -8784-1723172294.jpg

    Anh Bùi Quang Ngọc tại phần Phỏng vấn.

    Từng chịu trách nhiệm quản trị nhiều dự án lớn, phức tạp, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau của Tập đoàn, giám khảo Bùi Quang Ngọc đưa ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến quản trị dự án để thử thách Nguyễn Quang Trường. Với sự tự tin và kinh nghiệm nhiều năm cũng như từng tham gia tranh tài Top 50, Trường trả lời lưu loát, trôi chảy mọi câu hỏi.

    Là một chân chạy quen mặt của nhà FPT, anh Vũ Anh Tú lại đặc biệt quan tâm đến các giải chạy VnExpress Marathon. Trường nhanh chóng giải đáp những thắc mắc của anh liên quan đến hiện trạng và mục tiêu tương lai của các giải chạy này.

    -7100-1723172294.jpg

    Bùi Quang Trường trong phần thi cuối.

  • 9h00

    Nhóm thứ 2 “lên sàn”. Đây là nhóm đấu “100% FPT Software” với các ứng viên Hoàng Đồng Tiến, Dương Thị Nhàn và Hồng Vũ Đăng Khoa.

    Nhóm đấu khá đặc biệt vì không chỉ là cuộc tranh tài nội bộ mà còn có 2 ứng viên onsite từ Nhật Bản (Dương Thị Nhàn) và Hàn Quốc (Hồng Vũ Đăng Khoa) trở về để tham gia vòng Bản lĩnh. Các cổ động viên được dịp “náo động” hết mình.

    -7873-1723172503.jpg

    Chào sân ấn tượng, Hoàng Đồng Tiến chọn bài hát FPT dòng sông lời thề để giới thiệu về bản thân. Ví mình như một con suối, anh dùng lời bài hát để nói lên những điều anh có được khi gia nhập FPT: "FPT đã đưa em ra đại dương với nhiều khách hàng lớn. Tinh thần đồng đội, yêu thương bao la luôn cháy trong em”.

    Cất giọng hát nội lực ca khúc Việt Nam trong tôi là, Dương Thị Nhàn khiến cả hội trường trầm trồ. Tuy nhiên phần hát chiếm thời lượng lớn khiến chị chưa giới thiệu được bản thân đầy đủ trong 30 giây.

    Trầm lắng hơn, Hồng Vũ Đăng Khoa lại chia sẻ về một bộ phim anh vừa xem được trên máy bay về Hà Nội để tham dự vòng Bản lĩnh: Gladiator (Võ sĩ giác đấu) và liên tưởng tới “cuộc chiến” mà anh đang đồng hành với FPT Automotive.

  • 9h15

    Đề Trình bày của 3 ứng viên Phần mềm: “Theo bạn 3 vấn đề hay gặp phải nhất giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận sản xuất là gì? Làm thế nào để hạn chế các vấn đề này?”.

    Theo Hoàng Đồng Tiến, 3 vấn đề hay gặp phải nhất giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận sản xuất gồm: Do FPT Software có dịch vụ/sản phẩm đa dạng, kinh doanh không hiểu hết được, cộng với áp lực doanh số dẫn đến tư vấn quảng bá hơi quá lời; Sản xuất thiếu năng lực tư vấn cho kinh doanh và khách hàng; Quản trị: Sản xuất áp lực từ phía kinh doanh, OB phải hoàn thành theo yêu cầu khách hàng, không cân đo xem yêu cầu có phù hợp nguồn lực hiện tại.

    Để hạn chế các vấn đề trên, Tiến đề xuất: Tăng cường kết nối, người sản xuất phải ngồi làm việc với OB cùng hỗ trợ tư vấn bán hàng; Khi làm thầu phải xem xét chéo 2 bộ phận trước khi ký hợp đồng; Thường xuyên chia sẻ khó khăn của nhau; Sản xuất tăng cường kỹ năng tư vấn giải pháp, đem nghề bán cho OB cũng như bán cho khách hàng.

    -2520-1723173496.jpg

    Anh Hoàng Đồng Tiến.

    Dương Thị Nhàn lại cho rằng vấn đề nằm ở: Động lực của hai bộ phận khác nhau dẫn đến việc xung đột; 2 bên chưa hiểu tính chất công việc, điểm mạnh yếu, trách nhiệm của nhau; Quan hệ nhiều - nhiều dẫn đến sự cam kết với nhân sự không tốt. Cách hạn chế chị đề xuất là một nhân sự cùng phụ trách hai vai trò thì sẽ dung hòa được khó khăn và hạn chế của 2 bộ phận kinh doanh và sản xuất. Nhàn gây ấn tượng với tốc độ “bắn rap” và tinh thần của một manager trẻ nhất FPT Japan.

    -2684-1723173496.jpg

    Chị Dương Thị Nhàn.

    Còn với Hồng Vũ Đăng Khoa, một là hiểu sai ý khách hàng, ngoài ngôn ngữ phải có nghiệp vụ chuyên môn. Hai là nhiều vấn đề trái ngược giữa kế hoạch và thực tế. Và ba, nhiều nguồn lực thay đổi. Anh đề xuất mô hình nhân sự ADM - kết hợp giữa AM và DM. ADM có thể được đào tạo với bộ công cụ gồm dữ liệu của tất cả dự án, có ước lượng đánh giá rủi ro, làm tăng khả năng thắng thầu. Anh cũng lưu ý đào tạo phải có tính hiệu quả giữa các bên, khách hàng và nguồn lực OB - offshore.

    -7558-1723173496.jpg

    Anh Hồng Vũ Đăng Khoa.

  • 9h30

    3 ứng viên Phần mềm bước sang phần Thuyết phục. Câu hỏi đầu tiên: “Khi 1 dự án chậm tiến độ, điều quan trọng nhất cần ưu tiên xử lý là gì? Vì sao?”.

    Ứng viên nữ duy nhất trong nhóm đấu giành quyền trả lời. Dương Thị Nhàn cho rằng khi một dự án chậm tiến độ, điều quan trọng nhất cần ưu tiên là phải nắm vững được dữ liệu: ví dụ chậm bao nhiêu, công đoạn nào chậm, chậm như thế nào, khối lượng công việc của thành viên dự án. Tóm lại, phải dựa vào dữ liệu để phân tích, và đưa ra giải pháp xử lý với khách hàng.

    Phong thái tự tin, đĩnh đạc giúp Nhàn nhận 4 like từ HĐTĐ.

    -2395-1723174011.jpg

    Đội cổ vũ nhà FPT Software sôi nổi trong phần thi của "gà nhà".

    Câu hỏi số 2: “Theo bạn thế nào là một môi trường làm việc hạnh phúc?”.

    Dương Thị Nhàn tiếp tục “áp đảo” 2 ứng viên nam, bấm chuông nhanh nhất. Chị cho rằng môi trường làm việc hạnh phúc không phải là việc nhẹ, lương cao, mà phải tạo động lực để nhân viên làm việc hết mình, làm thứ mình thích, được là chính mình, đưa giấc mơ cho nhiều người khác.

    Với 2 like 2 dislike từ HĐTĐ, Nhàn phải nhường quyền trả lời cho 2 ứng viên còn lại.

    -4473-1723175403.jpg

    Giành quyền trả lời, Hoàng Đồng Tiến cho rằng môi trường làm việc hạnh phúc là nơi khiến CBNV mỗi ngày thức dậy đều muốn được tới công ty, gặp gỡ đồng nghiệp, được cống hiến ở một môi trường nhiều cảm hứng.

    Câu trả lời này giành cả 4 like của HĐTĐ.

    Với câu hỏi số 3: “Hãy kể tên các CTTV cấp 1 của FPT”, Hồng Vũ Đăng Khoa bấm nhanh “để lấy quyền thôi” chứ không rõ câu trả lời. Sau đó, Hoàng Đồng giành quyền trả lời. Tiến hơi ngắc ngứ nhưng vẫn được 4 like của HĐTĐ vì sự cố gắng.

    -1627-1723175403.jpg

    Hoàng Đồng Tiến giành về 4 like với câu hỏi thứ 3.

    Với 8 like, Hoàng Đồng Tiến bước vào phần Dấu ấn với câu hỏi dành cho anh Bùi Quang Ngọc: "FPT Software đang đứng trước thách thức gấp 2 doanh số trong vòng 2 năm tới. Tăng trưởng nhanh thường không bền vững. Anh có 'key word' (từ khóa) nào cho FPT Software để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững?".

    Với kinh nghiệm quản trị lão luyện, anh Ngọc gửi gắm các từ khóa: Duy trì hệ thống quản trị trong FPT; Duy trì văn hóa; Sáng tạo, cải tiến.

    -9611-1723175574.jpg

    Anh Bùi Quang Ngọc chia sẻ kinh nghiệm cho ứng viên.

  • 9h45

    3 ứng viên bước vào vòng Phỏng vấn.

    Nhận câu hỏi từ GĐ Văn phòng Chuyển đổi số FPT Phạm Thu Liên về việc đánh giá vai trò của vận hành trong dự án, Hoàng Đồng Tiến nhận định, nếu các team là bánh răng thì vận hành là dầu bôi trơn. Anh cũng đánh giá rất cao công tác vận hành ở FPT Software.

    Tiến cũng chia sẻ, mỗi loại dự án có những giá trị riêng, nhưng điểm anh thích thú ở một dự án dài hơi là người quản trị có cơ hội định hình về văn hoá cho team. Mỗi loại dự án có những giá trị riêng. Anh tự hào nhất khi được khách hàng chỉ định, bởi điều này thể hiện chất lượng và sự gắn kết với khách hàng.

    Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú hỏi Tiến lý do gì khiến đơn vị GHC của anh lại đi chậm hơn FPT Automotive (FA). “Với em, đội ngũ FA là những người anh đi trước dò đường, thử những sáng kiến. Việc GHC đi sau cũng có thể là ý định của FPT Software khi chúng em làm những thứ chắc chắn, chậm rãi. GHC đi sau nhưng học được rất nhiều từ FA: Cách làm chiến lược, cách làm truyền thông; Cách chia đơn vị; Chiến lược đầu tư sản phẩm, đầu tư công nghệ; Đặc biệt là việc mạnh dạn thuê tư vấn chuyên ngành giỏi hàng đầu”, ứng viên Phần mềm nói.

    -1534-1723175836.jpg

    Hoàng Đồng Tiến thể hiện trong phần Phỏng vấn.

    Ấn tượng với sự tự tin và phần trả lời như "nuốt đĩa" của đại diện Dương Thị Nhàn đến từ FPT Software, anh Bùi Quang Ngọc - Thành viên HĐQT FPT liên tiếp chất vấn Nhàn về chuyên môn quản trị dự án. Anh cho rằng đối với một nhà quản lý giỏi và quản trị tốt thì phải nắm được thứ tự ưu tiên về việc sắp xếp thứ tự của chu trình phân tích thiết kế - xây dựng hệ thống - đào tạo go-live. Theo Nhàn, khâu nào cũng quan trọng vì vai trò như nhau và chưa được sự đồng tình của giám khảo Bùi Quang Ngọc.

    Tiếp tục "xoay" thí sinh, anh Ngọc hỏi Nhàn về vai trò domain trong sản xuất phần mềm và nếu được thay đổi một quyết định nào đó trong 5 năm vừa qua. Theo Nhàn, điều quan trọng nhất chính là làm sao có được thế hệ kế cận giỏi đồng thời điều khiến chị tiếc nuối nhất chính là chưa hiểu rõ vòng quay của dự án và bỏ lỡ thời điểm vàng để "hunting” và “farming" khách hàng.

    Cuối cùng, GĐ Công nghệ Vũ Anh Tú kết thúc phần hỏi xoáy đáp xoay với Dương Thị Nhàn về việc cách thức để hoàn thành tốc độ tăng trưởng 240%, Nhàn khẳng định hai điểm quan trọng, đó là: scale up mô hình phù hợp yêu cầu tăng trưởng và xây dựng được đội ngũ onsite nhiệt huyết, sáng tạo và "chiến".

    -8357-1723178333.jpg

    Dương Thị Nhàn trả lời trong phần Phỏng vấn.

    Giống như 2 ứng viên trước, Hồng Vũ Đăng Khoa nhận được rất nhiều câu hỏi về quản trị dự án từ anh Bùi Quang Ngọc. Anh Tú lại muốn Khoa nêu sự khác biệt khi làm automotive cho 2 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Dùng kinh nghiệm thực chiến để trả lời câu hỏi của các thành viên HĐTĐ, Khoa vượt qua thử thách không mấy dễ dàng.

    -1628-1723178333.jpg

    Hồng Vũ Đăng Khoa vượt thử thách không mấy dễ dàng từ HĐTĐ.

  • 10h15

    Nhóm đấu Sản xuất cuối cùng gồm: Đỗ Bảo Châu - FPT Education và 2 ứng viên Vũ Chí Dũng và Ngô Thanh Hằng đến từ FPT Software.

    Chào sân, Đỗ Bảo Châu chọn bài hát Đi để trở về để mô tả hành trình của bản thân tại FPT. Anh tự hào về chặng đường đưa học sinh thi STEM Olympiad quốc tế tại Hà Lan, để khẳng định trí tuệ, tầm vóc Việt.

    Giống Hoàng Đồng Tiến của nhóm đấu trước, Vũ Chí Dũng cũng mô tả hành trình của mình bằng ca khúc FPT dòng sông lời thề. 4 năm đại học và 10 năm của Dũng đều ở FPT. Anh từng nghỉ 1 năm và đã quay về nhà Phần mềm.

    Cô gái duy nhất của nhóm đấu - Ngô Thanh Hằng lựa chọn bộ phim Hidden figures với thông điệp truyền cảm hứng: “FPT là cơ hội tỏa sáng cho tất cả các bạn là IT comtor”.

    -6118-1723178584.jpg

    Đề Trình bày của nhóm đấu cuối cùng: “Theo bạn FPT nên bổ sung thêm chính sách gì để khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, từ đó liên tục tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới?”.

    Xuất thân là một thầy giáo, đang đứng lớp trực tiếp, Đỗ Bảo Châu đưa ra một số chính sách: Đồng hành các cuộc thi sáng tạo, lấy Hàn Quốc làm ví dụ, nước này tập hợp các sản phẩm sáng tạo ở khu vực chấm điểm và đánh giá, sản phẩm hay có thể áp dụng tại công ty; Trong khối Giáo dục, áp dụng chương trình giáo viên ứng dụng AI vào giảng dạy; Lãnh đạo đồng hành khuyến khích giáo viên tham gia sử dụng AI.

    -7433-1723178584.jpg

    Anh Đỗ Bảo Châu.

    Với Vũ Chí Dũng, chiến tranh toàn dân là đề xuất đầu tiên. “Cải tiến đổi mới chưa được lan tỏa đến từng cá nhân, hãy đổi mới từ những điều nhỏ nhất”, Dũng nói. Hai là tạo văn hóa cởi mở, thói quen sáng tạo. Cuối cùng, Dũng cho rằng mỗi người cần được “ám ảnh” về đổi mới và đánh giá yếu tố này qua KPI check point cuối năm.

    -1877-1723178584.jpg

    Anh Vũ Chí Dũng.

    Ngô Thu Hằng nhận định, thực tế FPT và FPT Software đã có nhiều giải thưởng đổi mới sáng tạo, thậm chí đưa chiến lược Digital Kaizen nhưng chị cảm giác còn hơi máy móc. Hằng có 3 đề xuất. Một là, vận động sẽ giải phóng năng lượng và đổi mới sáng tạo. FPT có thể khuyến khích nhân viên chọn môn thể thao ưa thích và tặng gold để cổ vũ. Hai là, áp dụng design thinking approach (phương pháp tiếp cận bằng tư duy thiết kế) như Infosys và đào tạo tư duy này từ cấp cao xuống dưới. Ba là, mỗi quý mỗi cá nhân đề xuất 3 phương châm hành động đổi mới sáng tạo.

    -4485-1723178584.jpg

    Chị Ngô Thanh Hằng.

  • 10h30

    3 ứng viên tiến nhanh tới phần Thuyết phục.

    Câu hỏi 1 là: “FPT đã có hành trình 25 năm nỗ lực để đạt được 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu phần mềm vào năm 2023. Mục tiêu của FPT là đưa con số đó lên 5 tỷ USD vào năm 2030. Theo bạn việc này có khả thi không? Vì sao?”. Không ứng viên nào thuyết phục được HĐTĐ.

    -9560-1723178998.jpg

    Câu hỏi số 2: “Trong công việc, thái độ quan trọng hơn trình độ. Đúng hay sai, vì sao?”. Ngô Thanh Hằng không đồng ý với nhận định trong câu hỏi, nhưng chưa thuyết phục được HĐTĐ khi nhận được 2 like 2 dislike.

    Đỗ Bảo Châu giành quyền trả lời. Anh cũng không đồng tình, và giải thích đây là thời đại của AI và nếu không có trình độ thì không thể bắt kịp được xu hướng mới. Anh cũng nói thêm rằng môi trường FPT là một môi trường rất linh hoạt, trẻ trung nên CBNV nào gia nhập rất dễ để thay đổi bản thân để thích ứng.

    Câu hỏi số 3: “Theo hệ thống tôn vinh khen thưởng FPT, Sao nào được trao tặng cho cá nhân/tập thể có đóng góp xuất sắc trong công tác quản trị?”. Không ứng viên nào đưa ra được đáp án đúng.

    Đỗ Bảo Châu là ứng viên bước vào phần Dấu ấn.

    -3428-1723178998.jpg

    Anh Đỗ Bảo Châu đặt câu hỏi cho anh Bùi Quang Ngọc.

    Ứng viên Giáo dục đặt câu hỏi cho anh Ngọc về dự đoán 85% công việc sẽ bị thay thế hoặc biến mất bới AI có thay đổi chiến lược DC5 - 135, 1 triệu nhân lực chuyển đổi số vào năm 2035 không?.

    Anh Ngọc trả lời hết sức ngắn gọn: Nhân sự này gồm cả những người cung cấp AI, quản trị AI...

  • 10h45

    Mở đầu phần Phỏng vấn của nhóm ứng viên Sản xuất cuối cùng, GĐ Nhân sự FPT Chu Quang Huy lập tức đưa Đỗ Bảo Châu vào chuỗi câu hỏi nhanh và khó:

    “Một câu khẳng giá trị khác biệt của FPT School?” - “Trải nghiệm để trưởng thành”.

    “FPT Education có nên mở hệ mầm non?” - “Không do đặc tính đối tượng và địa điểm”.

    “Một trong những khó khăn nhất khi mở chuỗi là đảm bảo chất lượng giáo viên địa phương, làm thế nào để có sự đồng đều” - “Ký kết với các đại học sư phạm, đưa sinh viên sư phạm về học tập để năm bắt; làm việc với sở để các thầy cô trường chuyên nâng cao chuyên môn cho giáo viên địa phương”.

    “Giáo dục cho giới tính học sinh cấp 3 khó khăn nhất là gì?” - “Các em đã qua lứa tuổi dậy thì”.

    “Có nên cấm học sinh cấp 2 dùng điện thoại?” - “Không cấm mà phải định hướng các em dùng thế nào cho hợp lý, kết hợp với phụ huynh”.

    “Mô hình trường chuyên liệu có còn đất diễn?” - “Có vì sân chơi Olympic vẫn cần những ‘siêu anh hùng’ trường chuyên”.

    “Đề xuất gì với lãnh đạo FPT Education để nâng cao chất lượng dịch vụ FPT School?” - “Tăng trưởng cần phù hợp hơn với đặc tính vùng miền chứ không nên gấp đôi sau mỗi 2 năm”.

    -4122-1723179308.jpg

    Trả lời GĐ Công nghệ FPT Vũ Anh Tú về 3 yếu tố quyết định dự án thành công, ứng viên Vũ Chí Dũng cho rằng đó là: sự cân bằng giữa các mục tiêu của công ty, cơ hội phát triển cho cả khách hàng và nhóm dự án, và việc khách hàng giới thiệu công ty với các đối tác khác. Anh Dũng cũng lấy ví dụ một dự án thành công tại Thái Lan, được chính khách hàng giới thiệu dự án tại một thị trường nước ngoài khác để minh họa cho điều này.

    Với vai trò Phó giám đốc tại nhiều trung tâm khác nhau, Chí Dũng nhận thấy thách thức lớn nhất là duy trì màu sắc riêng của mỗi đơn vị trong khi vẫn đảm bảo đạt các mục tiêu chiến lược chung. Để vượt qua thử thách vừa nêu, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lan tỏa kiến thức và xây dựng đội ngũ kế cận. Đại diện nhà Phần mềm cũng cho rằng kinh nghiệm, tầm nhìn và khả năng truyền cảm hứng là những yếu tố quan trọng cần được truyền đạt. Anh ấy cũng chia sẻ về việc cân bằng lợi ích của khách hàng và đội ngũ, thừa nhận rằng đây là một thách thức lớn hiện nay.

    Cuối phần thi Phỏng vấn của Chí Dũng, anh Bùi Quang Ngọc đặt câu hỏi khó về cách giải quyết mâu thuẫn giữa các bộ phận như bán hàng và sản xuất. Chí Dũng cho rằng sự tin tưởng, giao tiếp cởi mở và việc tạo điều kiện để các bộ phận cùng tham gia vào dự án là rất quan trọng. "Nếu mâu thuẫn vẫn còn tồn tại, việc đưa vấn đề lên cấp cao hơn và đặt ra các bài toán trung gian có thể là giải pháp" - anh cho biết.

    -9296-1723179308.jpg

    Anh Vũ Chí Dũng tại phần Phỏng vấn.

    Ngô Thanh Hằng là người tham gia phỏng vấn cuối cùng ở hạng mục Sản xuất.

    Trả lời câu hỏi của anh Huy: “Nếu ví FPT Software là một cỗ xe, comtor đóng vai trò gì?”, Hằng tự tin khẳng định: “Giống như những chiếc bánh xe, họ là phần nâng đỡ phía dưới, hỗ trợ cho dự án”. Anh Huy tiếp tục: "Cần làm gì để năng cao năng suất, giá trị của IT Comtor?”. Trúng “tủ”, Hằng đáp: "Thoát khỏi công cụ dịch thông thường, đưa AI nâng cao nâng suất dịch; Chuyển đổi, học tập nhiều hơn để đóng vai trò khác trong dự án".

    Cả anh Ngọc và chị Liên đều quan tâm đến cách chuyển đổi để gia tăng giá trị ngành nghề của Hằng. Ứng viên cho biết từ 5 năm trước khi các công cụ dịch ngày càng thông minh, chị đã bắt đầu chuyển đổi. Service manager là mục tiêu đầu tiên. Để làm được điều đó trước nhất là thi chứng chỉ; thứ hai, học phải đi đôi với hành, rèn luyện trong chính dự án đang hỗ trợ.

    -5178-1723179308.jpg

    Ngô Thanh Hằng là ứng viên cuối cùng trong phần thi sáng nay.

  • 11h00

    Cuối buổi thi, giải thưởng Đội cổ vũ “chất” nhất được anh Bùi Quang Ngọc trao cho FPT Software, khi họ đến cổ vũ suốt buổi cho 6 “gà nhà” tranh tài và cả những ứng viên không có lực lượng cổ hùng hậu khích lệ tinh thần.

    -8169-1723179373.jpg

    Đội cổ vũ chất nhất thuộc về FPT Software.

Top 50 FPT 13 Under 35 năm nay sẽ tham gia vòng Bản lĩnh (Top 50 Challenge), được tổ chức vào hai ngày 8 và 9/8. Các ứng viên được chia theo hạng mục đề cử và tham gia các phần thử thách. Tham gia vòng Bản lĩnh, ứng viên sẽ có cơ hội thể hiện rõ tố chất, năng lực và khả năng ứng biến linh hoạt của bản thân. Giống như năm trước, toàn bộ thể lệ và cách thức thi đấu của vòng Bản lĩnh sẽ không được công bố trước. Chỉ bước vào phòng chờ của buổi thi, ứng viên mới được BTC thông báo.

Đồng đội và người thân của ứng viên đều có thể đến hội trường tầng 8, FPT Tower (Hà Nội) để cổ vũ tinh thần. Năm nay, giải thưởng Đội cổ vũ "chất" nhất cho mỗi buổi thi được nâng lên con số 3 triệu đồng.

Tiêu chí chấm điểm của vòng Bản lĩnh xoay quanh khả năng ứng biến, lý lẽ thuyết phục, tư duy logic cũng như phong thái tự tin, trình bày mạch lạc. Đánh giá của Hội đồng thẩm định sẽ chiếm đến 70% trên tổng điểm, 30% còn lại đến từ bình chọn của độc giả trên chuyên trang FPT 13 Under 35Diễn biến của 2 ngày tranh tài sẽ được cập nhật trực tiếp tại Chungta.vnvới phiên sáng bắt đầu từ 8h và phiên chiều bắt đầu từ 13h.

Ý kiến

()