Chúng ta

Trải nghiệm Bangladesh

Thứ tư, 22/8/2018 | 14:54 GMT+7

Mang trên mình màu áo cam FPT đã được hơn 6 năm, đã từng chinh chiến những dự án lớn như Petrolimex, Vingroup, Banladesh.

Với tôi mỗi dự án đi qua đều để lại rất nhiều những những bài học quý giá và những kỷ niệm khó quên. Nhưng có lẽ dự án làm tôi ấn tượng và nhiều kỷ niệm hơn cả là dự án EGCB ở Bangladesh. Bởi ở đó không chỉ là công việc và còn là nét văn hóa vô cùng khác biệt của một nước Hồi Giáo.

Với dân số hơn 160 triệu người cùng diện tích chưa đến một nửa so với Việt Nam nên dễ hiểu là một trong những nước có mật độ dân số lớn nhất trên thế giới. Cùng với phương tiện di chuyển chủ yếu bằng ô tô nên văn hóa đầu tiên tôi phải làm quen ở đây chính là tắc đường. Ở Việt Nam ư, nếu như chúng ta hay tắc đường trong giờ cao điểm hay những cơn mưa ngang qua bất chợt thì xin thưa ở đây tắc đường là cả ngày, tắc mọi lúc mọi nơi và bọn tôi hay nói vui với nhau rằng “Đừng hỏi bao xa và hãy hỏi bao lâu nữa thì đến nơi”.

Điều thứ hai là văn hóa cầu nguyện, một nét đặc trưng của những nước Hồi giáo. Một ngày họ cầu nguyện từ 4,5 lần ngay cả trong thời gian làm việc, thậm chí cả khi đang họp. Việc này thực sự ảnh nhiều tới kế hoạch làm việc của đội chúng tôi với khách hàng. Để đối phó chúng tôi buộc phải sắp xếp thời gian khác phù hợp để thảo luận, thống nhất với khách hàng. Và một lời khuyên nếu bạn là phụ nữ thì hãy tránh mặt trong khoảng thời gian này vì văn hóa ở họ không trào đón bạn.

Với một nền kinh tế còn kém phát triển, lạc hậu, cơ sở vật chật còn nghèo nàn nên điều thứ 3 tôi phải làm quen ở đây chính là văn hóa “Paper Work”. Chính vì vậy, kỹ năng và nghiệp vụ liên quan đến công nghệ thông tin thực sự rất hạn chế. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn nhất mà đội dự án phải đối mặt đó là thay đổi nhận thức làm việc của khách hàng. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi ngày ngày đến trao đổi, training cho khách hàng để giúp họ thay đổi nhận thức, thói quen và đến thời điểm này khi dự án đã đi được hơn 1 năm chúng tôi có thể thấy được sự thay đổi đáng kể trong tư duy quản lý và nghiệp vụ văn phòng của khách hàng.

Bên cạnh làm việc thì ăn chơi nhảy múa cũng là cái khác biệt lớn so với Việt Nam, ở đây họ ăn bằng tay phải. Xin nhắc lại là đúng tay phải nhé. Còn nếu bạn ăn bằng tay trái thì với họ là điều cấm kỵ. Thức ăn thì mùi vị cũng không dễ ngửi, cay, mặn, ngọt cái gì cũng hơn hẳn ở Việt Nam. Ngoài ra, vì là đất nước hồi giáo nên họ chỉ ăn bò, không ăn thịt lợn và nói không rượu bia nên thời gian đầu với chúng tôi thực sự khó khăn trong việc ăn uống bên ngoài. Gần như chúng tôi chỉ có thể ăn đồ ăn tự nấu ăn hoặc đến một số quán ăn của Thái Lan hay Hàn Quốc. Cinema, Karaoke, Bar... ở đây thực sự là những thứ xa xỉ nên anh chị em chỉ còn cách tự đem lại hạnh phúc cho nhau bằng cách nấu ăn, hát cho nhau nghe hay các hoạt động thể thao ngoài trời...

Trên đây là đôi điều cảm nhận của cá nhân tôi về sự khác biệt văn hóa Bangladesh so với Việt Nam, nói như vậy không có nghĩa ở Bangladesh toàn những khó khăn và tiêu cực. Người dân Bangladesh rất thân thiện, họ chào đón chúng tôi bằng thái độ tích cực và niềm nở. Bên cạnh đó, Tiếng Anh ở đây phổ biến đến mức hầu hết mọi người đều có thể trao đổi và giao tiếp như một ngôn ngữ thứ 2, điều đó cũng giúp chúng tôi dễ làm việc và trao đổi với khách hàng. Đồ da ở Bangladesh cũng có chất lượng rất tốt và nổi tiếng trên thế giới, những chiếc ví, túi xách hay áo khoác ở đây thực sự là những món đồ ngon bổ rẻ và “troất” cho những ai đam mê thời trang.

Sau tất cả, dù với rất nhiều khó khăn và thách thức thì với niềm tin FPT, những người FIS chúng tôi luôn nỗ lực bằng tất cả sức lực để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Không có bài học hay kinh nghiệm nào là miễn phí và tôi tin nó sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn trên con đường sự nghiệp sau này.

Nguyễn Ngọc Quang

FPT IS - FPT IS ERP HN

Ý kiến

()