Chúng ta

Sắp lên bàn đẻ vẫn hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp

Thứ hai, 20/8/2018 | 11:53 GMT+7

Tôi được tuyển vào làm việc ở VnExpress từ năm 2000, thuộc lứa 20 biên tập viên đầu tiên của báo. Trong gần 18 năm làm việc ở ban Thời sự, tôi đã hướng dẫn nhiều sinh viên, gồm cả thực tập lẫn làm luận văn tốt nghiệp.

Trong đó, có một trường hợp tôi không thể nào quên, mỗi lần nhớ đến lại tủm tỉm cười. Khoảng đầu năm 2009, tôi mang thai con trai đầu lòng. Vì cuối thai kỳ, cân nặng tới hơn 70 kg, người mệt mỏi, nên tôi từ chối nhận hướng dẫn thực tập và làm luận văn.

Tuy nhiên, có một cô sinh viên tên Lưu Vân từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cứ năn nỉ nhờ. Đề tài luận văn của bạn ấy là khảo sát mục Tâm sự trên VnExpress, chuyên mục khá đặc biệt so với các báo thời đó. Tôi phụ trách mục này từ khi nó ra đời đến hơn 10 năm sau.

Thấy bạn quá tâm huyết, tôi đồng ý hướng dẫn nhưng nhắc đi nhắc lại là "chị rất bận, sắp đẻ rồi, không có nhiều thời gian đâu". Đến những ngày cuối tháng 3/2009, tôi nhập viện theo dõi vì bác sĩ nói có nguy cơ sản giật.

Ban đầu tôi cũng lơ mơ về nguy cơ này nên xin hoãn nhập viện để còn giải quyết một số công việc ở cơ quan. Đến lúc bác sĩ trợn mắt bảo "nếu mẹ và con có vấn đề gì chúng tôi không chịu trách nhiệm" thì tôi mới thấy sợ, vào viện khẩn cấp.

Hồi đó những bà bầu bệnh lý như tôi phải nằm trên tầng 5 dãy nhà C Bệnh viện Phụ sản Trung Ương. Thời tiết giao mùa từ xuân sang hè rất oi bức, vậy mà 3 ba bầu phải nằm chung một giường. Ai nấy đều cảm thấy ngột ngạt, chỉ mong đến ngày đẻ mẹ tròn con vuông.

Ngày thứ ba sau khi nhập viện, Lưu Vân gọi cho tôi nói đã làm xong đề cương, nhờ hướng dẫn. Tôi dở khóc dở cười bảo chị sắp đẻ rồi, làm sao giúp được. Bạn ấy bảo nếu chị không hướng dẫn thì em không thể hoàn thành luận văn và không thể tốt nghiệp.

Không thể từ chối, tôi đành bảo Lưu Vân đến Bệnh viện C. Để gặp tôi, bạn ấy phải chờ đến trưa, khi bệnh viện cho người nhà vào thăm nuôi. Đúng giờ, Lưu Vân xách sữa và tập tài liệu vào trao đổi. Hai bà bầu cùng giường đã ý tứ lánh sang chỗ khác để tôi có thể thoải mái trò chuyện.

Trên chiếc giường một chật hẹp với đủ thứ bỉm sữa, đồ ăn vặt, tôi trong bộ áo váy màu cháo lòng, rộng thùng thình của bệnh viện hướng dẫn cho Lưu Vân. Tôi cũng không nhớ mình đã nói gì, chỉ thực tâm chỉ ra những thứ mình cho là đúng.

Cuộc nói chuyện trong hơn nửa tiếng của chúng tôi khiến nhiều bệnh nhân và cả người nhà vào thăm tò mò. Họ không nghĩ người sắp lên bàn đẻ như tôi lại còn hướng dẫn sinh viên làm luận văn.

Hai ngày sau cuộc trao đổi đó, tôi lên bàn mổ vì tim thai có dấu hiệu suy. Việc chăm sóc con nhỏ khiến tôi chẳng còn nhớ đến chuyện gì khác. Bỗng một ngày Lưu Vân gọi điện thông báo được 10 điểm luận văn, là một trong 5 sinh viên toàn khóa được 10.

Vẫn biết điểm 10 chủ yếu do Lưu Vân nỗ lực, tôi chỉ góp chút xíu thôi, nhưng vẫn thấy vui. Sau này tôi vẫn đùa với bạn bè rằng "bà bầu sắp lên bàn đẻ hướng dẫn sinh viên còn được điểm 10, nếu khỏe mạnh chắc phải điểm 10+".

Điều thú vị là sau này Lưu Vân làm báo Chúng ta, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Và mỗi lần nhắc chuyện hướng dẫn làm luận văn, cả hai cùng cười.

Sau Lưu Vân, tôi cũng hướng dẫn thực tập và làm luận văn cho một sinh viên đến từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thật vui là bạn ấy (thường trịnh trọng gọi tôi bằng cô) cũng được 10 luận văn tốt nghiệp.

Nguyễn Như Trang

FPT Online

Ý kiến

()