Chúng ta

Những câu hỏi kinh điển phóng viên VnExpress hay gặp nhất

Thứ hai, 20/8/2018 | 11:36 GMT+7

Đã là phóng viên thì coi như dành cả thanh xuân để đi phỏng vấn người khác. Thế nhưng, làm VnExpress – tờ báo tiếng Việt nhiều người đọc nhất – mỗi khi ra bên ngoài, quân VnE lại rất hay được đồng nghiệp, kể cả nguồn tin của mình “phỏng vấn ngược” những câu khá giống nhau.

Đơn giản vì VnExpress có nhiều thứ khiến họ rất tò mò. Mỗi tội, câu trả lời của phóng viên VnExpress, dù siêu thành thật, lần nào cũng khiến người hỏi thấy “nhạt”, thậm chí cảm thấy “có gì sai sai” và không giống với VnExpress mà họ “tưởng tượng”.

1. Làm VnExpress áp lực lắm hả? Một ngày phải viết tối thiểu bao nhiêu tin bài?

Trả lời: “Không, chả có quy định nào về định mức cả. Mấy năm làm ở đây chả thấy ai bảo phải viết tối thiểu bao nhiêu tin bài”.

2. Thế không có định mức tin bài thì hình thức VnExpress phạt phóng viên là gì?

Trả lời: “Ơ, sao mình chưa thấy ai bị phạt nhỉ”

“Combo” câu hỏi và trả lời này tôi đã phải dùng không dưới 10 lần, với nhiều đối tượng hỏi khác nhau, nhưng chủ yếu là từ đồng nghiệp. Trong mắt người ngoài, VnExpress là một nhà máy sản xuất tin tức khổng lồ khi là tờ báo mạng có lượng độc giả lớn nhất. Vì vậy, ai cũng nghĩ, VnExpress chắc hẳn có quy định rất kinh khủng về định mức tin bài – điều mà hầu hết tòa báo nào cũng đang áp dụng.

Tại nhiều tờ báo, gồm cả những cái tên “cây đa cây đề” báo in, phóng viên nào cũng có một định mức tin, bài nhất định, tùy vào mảng công việc và năng suất của họ để làm quy chiếu tính lương, xét thưởng, phạt. Việc “chạy” định mức cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng với các PV là rất bình thường.

Vì lẽ đó, khi tụi phóng viên VnExpress trả lời combo câu hỏi trên như thế, nhiều đồng nghiệp rất bất ngờ.

Quả thực, 7 năm làm phóng viên ở VnExpress, tôi và các đồng nghiệp chưa bao giờ được nghe về định mức ấy cả. “Định mức” với chúng tôi là một cái “cau mày” của sếp khi thấy thông tin này bị chậm hơn đối thủ vài phút, là những lần sếp “quăng link” (thời xưa là qua email, Yahoo Messenger, thời nay là bom Facebook Messenger) của báo bạn. Hành động này được bọn phóng viên diễn giải sang câu nói “Sao tin này báo mình không/chưa có” hoặc “Sao tin này báo mình có mà chưa nhanh” hoặc “Sao tin này có nhanh rồi mà chưa hay”. Kiểu kiểu vậy.

Những kiểu “phạt” ấy dù không giống kiểu trừ lương, thủng ví như phóng viên các báo nhưng nói theo cách của cư dân mạng gần đây là cũng khiến tụi phóng viên “sấp mặt luôn”.

Chính với những “định mức” vô hình ấy mà mỗi phóng viên tự ý thức được việc phải làm chính xác, nhanh, làm hay cho mỗi tin bài của mình. Cảm giác bị sếp “giục”, sếp “chê”, sếp “back bài” (mà thôi, nói ngắn gọn là sếp “chửi”) đáng ghét bao nhiêu thì cảm giác ngồi đếm số phút bài của mình đăng sớm hơn đối thủ, ngắm bài của mình được khen hay hơn đồng nghiệp, nó cũng Yomost bấy nhiêu.

3. Anh Thắng có nhà không?

Trả lời: Không biết

Tôi cũng chưa lý giải được tại sao hay nhận câu hỏi này thế. “Có nhà không” tức là có ở tòa soạn không. Và lúc trả lời “không biết” thì người được hỏi cảm thấy như vừa nhận được một câu trả lời dối trá trắng trợn nhất lịch sử. Họ cho rằng, VnExpress chỉ có một sàn (tầng 5), việc nhìn thấy tổng biên tập không quá khó, huống hồ phóng viên các tòa soạn khác cũng đều biết tổng biên tập của họ có mặt hay không.

Quả thực, các phóng viên VnE chả ai quan tâm anh Thắng có đang ở tòa soạn hay không dù đúng là không khó để có câu trả lời. Điều chúng tôi lo ngại nhất là ngày 15 đến rồi mà chị Thang Bích Liên và kế toán đi vắng; là sáng nay chị tạp vụ Nhiệm - Hà và món bún sườn, phở gà không tới...

Chưa kể, dù anh ấy có đang ngồi ở đâu trên thế gian này, thì anh ấy vẫn là người nhìn ra lỗi sai trong bài của chúng tôi nhanh nhất. Hic hic.

4. Bài này mà đăng quảng cáo trên VnExpress thì bao tiền?

Trả lời: Không biết

Mấy lần trả lời vậy xong, đến những đứa bạn thân nhất của tôi cũng lao vào chửi và bảo “cảm thấy như bị phản bội”. Nó bảo, không thể chấp nhận được phóng viên lâu năm, lại là mảng kinh tế, lại không biết giá quảng cáo một bài viết.

Quả thực, đây cũng là một trong những khác biệt rất lớn của VnExpress với phần lớn tờ báo khác. Ở hầu hết tòa soạn báo, các phóng viên cũng là một trong những đầu mối để kết nối hoạt động quảng cáo với doanh nghiệp, nhất là với phóng viên theo mảng kinh tế. Trong khi đó, ở VnExpress, với mô hình hoạt động mà chúng tôi đánh giá là chuyên môn hóa cao hơn, đã tách bạch rạch ròi vai trò ĐƯA TIN với chức năng KIẾM TIỀN của phóng viên. Đây là lý do các phóng viên của VnExpress gần như không nắm được giá quảng cáo.

Ơn giời chúng tôi không phải đi làm một lúc hai việc này, nó rất khó và vô cùng mâu thuẫn.

5. Mục Tâm sự của VnExpress toàn là chuyện bịa à?

Trả lời: Vớ vẩn. Chuyện độc giả gửi thật 100%. VnExpress chỉ có duy nhất một nhân sự nhận bài của độc giả gửi về và điều phối xuất bản, sửa lỗi chính tả. Bla bla bla bla…..

Cuối cùng thì đã có câu hỏi tụi VnE chẳng trả lời “Không” một cách nhàn nhạt nữa. Thay vào đó, sẽ là cả một bài giải thích để chứng minh, mục Tâm sự của mụ Hương “chân ngắn” không phải hư cấu và mụ Hương ấy mà bịa được bằng ấy câu chuyện thì đã có thể sản xuất hàng tấn best seller truyện ngôn tình và trở thành tỷ phú vì bán sách rồi…

Thực ra, ngoài 5 câu trên, câu chúng tôi hay bị hỏi nhiều nhất là “thưởng Tết của VnExpress cao lắm hả”. Nhưng câu này thì sẽ không trả lời đâu và càng không nên viết trong sử ký, dễ lộ hết cơ mật. Hehe. 

Lê Thị Thanh Lan
FPT Online

Ý kiến

()