Chúng ta

Chạm vào cuộc sống

Thứ hai, 20/8/2018 | 10:49 GMT+7

Đến hôm nay tôi vẫn nhớ ánh mắt chị Bình, một nạn nhân trong vụ chìm tàu Cần Giờ hồi năm 2013.

"Cứ chạm tay vào nước lạnh, tôi lại thấy cảnh mình và đồng nghiệp chới với giữa biển đêm. Hình ảnh anh em đu bám ở mũi tàu liên tục hiện về trong những giấc ngủ chập chờn", chị Bình kể tôi nghe nỗi ám ảnh nhiều ngày của chị. Đó là tai nạn thảm khốc nhất của ngành đường thủy từ trước tới nay.

Những tháng cuối năm, tôi cùng đồng nghiệp về Vũng Tàu và Tiền Giang tìm gặp những người sống sót sau vụ việc. Vài tháng đã trôi qua kể từ sau tai nạn, nhân vật e ngại báo chí; không ai muốn khơi lại cảm xúc đau thương khi đã phải rất cố gắng để chôn lấp nó. Nhưng sau nhiều công thuyết phục, họ đã kể, đã nghẹn lời khi hồi tưởng giây phút vật lộn với sóng biển. Rồi chúng tôi được dẫn vào phòng riêng của một người quá cố đã gửi thân dưới làn nước oan nghiệt. Trong phòng anh, chiếc vali đang nén dang dở quần áo, đồ đạc... còn nguyên vẹn.

Cuộc đời làm báo của tôi có nhiều nhân vật. Nhưng tôi nhớ ánh mắt chị Bình và những lời tâm sự nghẹn ngào của các nhân vật vụ chìm tàu Cần Giờ, vì đó là lần đầu tiên VnExpress thực hiện một dự án báo chí đa phương tiện. Đó là dự án mới với cách kể chuyện, đưa tin bằng nhiều hình thức trên nền tảng kỹ thuật số chứ không đơn thuần là văn bản và hình ảnh như trước. Chúng tôi đã hy vọng rằng những cảm xúc đau thương và suy ngẫm về vụ tai nạn khủng khiếp đó, có thể đến gần hơn với độc giả, thông qua những nền tảng công nghệ mới.

Đây là một trong những viên gạch đầu tiên của hình thức tương tác đa phương tiện, bên cạnh cách thể hiện quen thuộc của báo chí truyền thống. Kể từ đó tới nay, VnExpress đã liên tục đặt thêm những mục tiêu mới về phương thức truyền tải, về chiều sâu nội dung, hòng đưa ra những phiên bản thông tin gần nhất với sự thật. Đó là một nhiệm vụ quan trọng trong thời đại mà thông tin trên Internet phân mảnh như bây giờ.

Tôi còn nhớ ngày đăng ký vào ngành báo chí năm 2000, tôi đã nhận nhiều câu hỏi đầy nghi vấn rằng tại sao lại chọn một ngành không có tương lai như thế. Thời đó, kể cả vài tờ báo in lớn cũng vất vả để phát hành về tận thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (An Giang) quê tôi chứ nói gì đến việc mọi người hình dung về trang báo mạng. Gia đình, dòng họ của tôi chưa bao giờ hình dung con bé này làm một tờ báo mà không in ra trên giấy, cầm trên tay.

Nhưng tương lai do con người tạo dựng. Tháng 3 năm nay, tôi sẽ kỷ niệm 13 năm làm việc với trang báo của mình. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ban đầu văn phòng đại diện tòa soạn ở TP HCM chỉ vỏn vẹn hơn 10 người làm việc trong không gian khoảng 40 mét vuông. Nay, chúng tôi có hơn 500 con người tại hai tòa soạn hiện đại ở Hà Nội và TP HCM. Nếu cách đây 13 năm, số lượng bình luận của độc giả dưới mỗi bài viết hàng ngày là vài trăm thì nay lên tới cả chục nghìn bình luận mỗi ngày. Những giá trị mà VnExpress đã chọn lựa, cùng sự tin tưởng của độc giả vào điều đó, đã cho tôi một ngôi nhà thứ hai.

Sự thay đổi về nền tảng công nghệ đã thay đổi ngoạn mục làng truyền thông Việt Nam và toàn cầu, tôi tin những tháng ngày miệt mài của chúng tôi đã góp một phần khiêm nhường vào xu thế đó.

Thách thức từ các dạng thức truyền thông mới đặt ngành báo chí hôm nay vào những dấu hỏi lớn chưa từng có và kỳ vọng của người đọc về chất lượng, sự tin cậy, tốc độ, sự sâu sắc và liêm chính. Nhiệm vụ của người làm báo hôm nay, giữa dòng chảy thông tin nhiễu loạn, là giúp độc giả chạm vào cuộc sống một cách chân thực nhất.

Sau 13 năm làm báo, tôi biết rằng mình và đồng nghiệp sẽ còn có nhiều “lần đầu tiên” thực hiện một dự án mới, một cách làm mới, để giành lấy niềm tin trong lòng độc giả.

Dương Thanh Vân

FPT Online

Ý kiến

()
 

Hãy là người đầu tiên
bình luận