Theo tiến trình, đoàn xuất phát từ lúc 6 giờ 30 phút sáng tại Cần Thơ. Hành trình di chuyển mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Trường Quân sự Tiền Giang bề thế, quân khí uy nghiêm, ngay từ xa đã thấy nóc các dãy nhà hùng dũng in trên nền trời. Sinh viên bắt đầu nhốn nháo vì hứng khởi.
Hơn 400 sinh viên và gần 20 cán bộ ngay lập tức nhận những nhiệm vụ đầu tiên. Chúng tôi cho sinh viên tập trung vào hội trường. Lễ bàn giao quân và khai giảng diễn ra vào chiều cùng ngày, không quá long trọng nhưng ấm áp. Nhìn loạt tân binh áo xanh, giày lính, nón tai bèo phủ kín trường quân tự dưng trong mắt mỗi người sáng lên điều gì long lanh, kỳ lạ. Chính từ khoảnh khắc này các em trở thành “bộ đội”. Thầy cô chủ nhiệm trong lòng vừa mừng vừa lo, hệt như lần đầu nắm tay đứa con bé bỏng của mình vào mẫu giáo. Trong lòng rõ ràng không nỡ nhưng vẫn muốn để các em vấp ngã để trưởng thành…
Chúng tôi trở về dãy nhà của cán bộ - đối diện một trong những dãy nhà ở của sinh viên, cách nhau chừng 700 mét. Tôi đã đứng ở lan can đó, nhìn về nơi sinh viên của tôi sẽ sống trong một tháng tới và nghĩ về những điều lớn lao. Đó là nơi các em sẽ cùng nhau thức dậy, cùng nhau đi ngủ; cùng nhau sinh hoạt. Sẽ có những giận hờn con trẻ, những mâu thuẫn lớn nhỏ; sẽ có những nhóm bạn thân thiết nhau hơn, hiểu nhau hơn; rồi sẽ có những mối tình sinh viên đầu tiên. Hơn hết, một tháng sau, khi nhận quân lại từ Ban Giám Hiệu trường quân sự, các em sẽ cứng cáp hơn nhiều. Tập thể - Quân đội chính là hai thứ rèn giũa cá nhân tốt nhất. Chúng tôi tin như vậy và sẽ luôn tin như vậy.
Trời Tiền Giang vẫn mưa rỉ rả suốt hai ngày đầu tuần. Sau này tôi biết đó trước là một kiểu mến khách, còn sau là một kiểu thân tình. Địa hình ở đây rặc cốt cách miền Tây sông nước, nhiều chỗ trũng, cỏ hoang, kênh nhỏ,…Điều này hết sức lý thú trong việc xây dựng cách tác chiến cho sinh viên vừa thực hành, vừa trải nghiệm. Quả vậy! sang tuần thứ 2, tức là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu rèn luyện Quân sự, sinh viên đã có màn ngụy trang, bắn súng, hành quân giữa đêm, lội kênh tác chiến các kiểu. Mãi về sau này, chúng tôi tin chắc rằng không một ai có thể quên được những kỷ niệm như vậy.
Nói về kỷ cương Quân đội dĩ nhiên không thể không đề cập tới tính thời điểm. Nghĩa là giờ nào việc nấy. Cũng vậy, khi là một người lính thực thụ các em cũng phải tập thể dục lúc 5 giờ sáng, ăn cơm lính, ngủ giường lính. Nhiều em tâm sự với tôi, theo phép tắc Quân đội thành ra quen, hễ cuối tuần không thức sớm tập thể dục là thấy thiếu. Đó chính là cái hay của Quân đội. Kỳ thực tôi rất mừng khi nghe em nói câu này.
Ban ngày đại đội chia quân thành 2 khối, hễ khối này học ở giảng đường thì khối kia thực tập ngoài thao trường và ngược lại. Có ngày nắng, có ngày mưa, nhưng mọi việc vẫn ổn. Từ chiều tới tối, chúng tôi tranh thủ cho các em hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao. Còn nhớ Tết trung thu năm nay rơi đúng vào lúc rèn luyện tập trung, thành thử chúng tôi cùng nhau thử cảm giác phá cỗ theo kiểu nhà binh coi nó thế nào. Hóa ra vui hơn mình tưởng nhiều. Rước đèn, sinh hoạt tập thể kéo dài đến tận giờ đi ngủ. Cũng phải nói thêm, đêm trung thu cũng chính là hoạt động châm ngòi cho rất nhiều chuỗi hoạt động và sự kiện đặc biệt khác sau này. Như vậy, tháng rèn luyện của các em trôi qua đầy màu sắc. Đối với người làm chủ nhiệm mà nói, đồng hành cùng vui buồn, sướng khổ; lúc đoàn kết, khi bất hòa của sinh viên cũng là một kiểu mãn nguyện.
Lại nói về trường Quân Sự Tiền Giang, nhân lúc sinh viên học tập, vài người chúng tôi đi vòng quanh trường, cái cốt là xem phong cảnh, địa thế ra sao. Tính ra mất non 1 giờ để gọi là kịp nhớ những lối đi, những dãy nhà cơ bản. Ở đây có nhiều điều bất ngờ, thậm chí bất ngờ tới vô lý. Tưởng tượng coi cá chép có thể bơi sát ngay lối đi lát bê tông; rau muống từng đọt non mướt vươn dài dưới ao trũng, rất cạn; cây tràm, cây xoài con có thể mọc ngay giữa đầm; hoa sứ có thể vô ý rụng vào phòng, sớm mai chim líu lo ngoài bệ cửa,…Trời đất! Ai mà ngờ trường quân sự mà có đặc điểm như vầy.
Những ngày sau đó sinh viên bắt đầu thực hành rồi có đợt hành quân đầu tiên. Giai đoạn này phải thừa nhận rất khó khăn – cả với các em, cả với chúng tôi. Vì địa thế đặc trưng miền Tây sông nước nên kế hoạch tác chiến cũng khác. Nam sinh, nữ sinh đều phải trầm mình dưới kênh, lội bùn, lội hào, dang nắng, bò trườn lê lết các kiểu. Tình trạng kéo dài khiến nhiều em đột nhiên ngã bệnh, tần suất ngày càng dày. Vậy là chúng tôi mỗi ngày vài ba lượt đưa sinh viên xuống quân y, đưa ra bệnh viện 120, bất kể ngày đêm. Có những bạn bệnh mãi không hết. Nỗi nhớ nhà bắt đầu trào cuộn lên. Khó khăn bị thổi cho phồng ra. Và nước mắt bắt đầu chảy. Thú thật chứng kiến cảnh tượng đấy chúng tôi vừa mệt mỏi, vừa lo lắng; trăm ngàn cảm xúc, áp lực đan cài vào nhau mỗi ngày một căng hơn. Vài ba chuyện không hay ho âm ỉ từ thời gian trước bây giờ “lộ diện”; sinh viên bắt đầu tách khỏi tập thể lớn để hợp lại thành những nhóm nhỏ riêng lẻ. Chuyện này làm chúng tôi đau đầu!
Tuy nhiên, cái may mắn là giữa “đất khách quê người” các em bắt đầu dùng tình bạn để sống. Đó là giai đoạn tôi hay tự hào kể lại với nhiều người sau khi chúng tôi quay lại Cần Thơ, kết thúc tháng rèn luyện tập trung. Ai cũng nhớ cái đám “quỷ” ăn chung, ngủ chung, chơi chung với mình; nhớ khi một đứa bệnh cả đám suốt đêm không ngủ; nhớ mỗi đêm tập flashmod đến đừ người rồi hè nhau ăn vụng; nhớ cả những đêm bị phạt hành quân, mỗi vòng chạy ngang dãy nhà cán bộ đều thấy có người lo lắng đứng chờ tới khi các em chạy xong mới vào phòng. Nhớ nhất là đêm lắng đọng đốt nến ngồi bên nhau, mỗi đứa viết cho bạn mình những dòng không kịp nói; một chút khúc mắc, một chút tình cảm, một chút thương chút nhớ; thật nhiều luyến tiếc và nhiều nước mắt. Còn nhiều, nhiều thứ khác nữa! Mà, đừng kể hết làm chi, giữ lại chút bùi ngùi cho mình để mai này kể với sinh viên khóa sau rồi dặn: “không đi tháng rèn luyện tập trung sau này đừng hối hận”.
Bây giờ Cần Thơ hay mưa, cái nết mưa “thành phố” khác hẳn mưa ở trường Quân sự. Tôi đang ngồi gõ nốt những dòng cảm xúc bị bỏ ngõ vì mấy ngày cuối ở Tiền Giang ai cũng bận tối mặt mũi. Chắc trời Tiền Giang đang nắng đẹp. Những lớp bộ đội “tập tành” của trường khác rồi sẽ trám vào chỗ sinh viên tôi từng ngủ, từng ngồi học, từng hò hẹn... Chẳng biết có ai nghịch dại làm vỡ cái ấm trà “huyền thoại” nữa hay không?!
Phạm Thị Mỹ Thuận
FPT Education - ĐH FPT
Ý kiến
()