Chúng ta

Xu thế của truyền hình OTT

Thứ sáu, 14/11/2014 | 17:00 GMT+7

Theo anh Phan Thanh Giản, Giám đốc dự án FPT Play, tính đến tháng 10, FPT Play đã có gần 2 triệu người sử dụng trên nền tảng di động dù đơn vị chưa quảng bá sản phẩm.

Cứ mỗi giây có ba đứa trẻ ra đời thì cũng trong một giây có đến 32 chiếc điện thoại di động được xuất xưởng, theo số liệu năm 2013 của Worldometers. Thế giới có trung bình 80 triệu trẻ em được sinh ra hằng năm và có tới hơn 1,81 tỷ di động được bán ra theo số liệu của Gartner, trong đó, phần lớn là thiết bị smartphone.

nguoi-dung.jpg

Báo cáo khảo sát của Google công bố ngày 13/8 về xu hướng dùng di động tại Việt Nam.

Khảo sát mới nhất của Google, báo cáo ngày 13/8, chỉ ra, người dùng smartphone đạt gần 18 triệu tại Việt Nam và đang tăng trưởng rất nhanh. Trong đó, 85% người dùng sử dụng smartphone để xem video và truyền hình. Người tiêu dùng có thể xem nội dung OTT qua hai cách: Tải ứng dụng về cho thiết bị di động, hoặc bằng cách xem trực tuyến thông qua đường truyền trực tiếp hoặc VOD (Video On Demand - video theo yêu cầu). IHS Screen Digest, một nhà nghiên cứu thị trường, cho biết, cuối năm 2012, khoảng 350 triệu gia đình trên toàn cầu đã đăng ký truy cập các dịch vụ theo yêu cầu thông qua truyền hình trả tiền của họ (thông qua các giải pháp VOD). Năm 2017, con số này được dự báo sẽ tăng lên gần 500 triệu gia đình.

Thế mạnh của smartphone là luôn bên mình, luôn kết nối, và sức mạnh của phần cứng thiết bị đã làm cho chiếc điện thoại trở thành xu hướng chính cho người dùng đối với dịch vụ video và truyền hình. Trong báo cáo của Google cũng chỉ rõ, người dùng smartphone cùng một lúc có thể làm nhiều việc, và đáng chú ý nhất là có đến 41% xem truyền hình và 45% xem movie (bao gồm: phim, clip, hài, video, ca nhạc…).

Theo IPTV-News, với xu hướng không thể tránh khỏi này, hai hãng truyền thông lớn trên thế giới là HBO và CBS đã đặt OTT là chiến lược sống còn của mình. Các hãng này cho rằng họ đang gặp khó khăn khi người dùng đã chuyển sang xem trên các dịch vụ OTT linh động khác, và thực tế là các dịch vụ OTT có thể giúp các công ty phát triển một mối quan hệ trực tiếp và sâu sắc hơn với khán giả của họ để cung cấp tức thời các nội dung trên đa màn hình thông qua OTT.

New-Image-JPG_1415958448.jpg

FPT Play đứng đầu các ứng dụng xem truyền hình trên thiết bị di động tại Việt Nam.

Đầu năm 2013, kênh truyền hình CBS đã mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường với sự ra mắt ứng dụng CBS dành cho iPhone và iPad, cho phép người xem miễn phí chương trình giờ vàng sau 8 ngày kể từ khi phát sóng; riêng chương trình đêm khuya, khách hàng sẽ được xem lại trong vòng 24 giờ. Các thương hiệu khác như YouView, NOW TV hay Sky cũng đang dần hòa mình vào dòng chảy OTT.

Ở Việt Nam, một năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình OTT đang được phát triển và đầu tư mạnh mẽ, trong đó có phải kể đến FPT, VTV, HTV, myTV… Với sự phát triển mạnh mẽ của 3G và sự phổ biến của WiFi, dịch vụ OTT tại Việt Nam đang có cơ hội phát triển bùng nổ. Hầu hết các dịch vụ truyền hình OTT hiện nay chủ yếu là miễn phí và được cài đặt trên các hệ máy smartphone gồm: iOS, Android, Windows Phone và Smart TV.

Năm 2013, các “nhà đài” đã có một cuộc thử nghiệm lớn với dịch vụ truyền hình OTT như VTV, HTV, VTC hay SCTV. Song song đó, các công ty Internet cũng nhảy vào lĩnh vực này, đặc biệt là FPT Telecom với dịch vụ FPT Play (http://fptplay.net ). Theo anh Phan Thanh Giản, Giám đốc dự án FPT Play, tính đến tháng 10, FPT Play đã có gần 2 triệu người sử dụng trên nền tảng di động.

2-JPG.jpg

Anh Phan Thanh Giản (ngoài cùng bên phải), đại diện FPT Play - ứng dụng OTT của FPT Telecom - là diễn giả trong Diễn đàn Mobile Marketing toàn cầu (MMA Forum-MMAF) Việt Nam 2014 tổ chức ngày 30/10 tại khách sạn Intercontinental Asiana Saigon. GĐ Sản phẩm FPT Play tham gia phiên thảo luận: Video Di động - Nắm rõ giá trị và sức ảnh hưởng. Các diễn giả trong phần này gồm: Sushobhan Mukherjee, Đồng sáng lập Narrative Technology @sushobhan; Byron Munson, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương VIDEOLOGY. Điều phối phiên thảo luận là ông Steve Pardue, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tealium.

Một trong những khó khăn của dịch vụ OTT là liên quan đến phí bản quyền. Điều này, về lâu dài sẽ khó cho nhà cung cấp, còn với khách hàng sẽ không được xem những chương trình hay qua truyền hình OTT. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dùng, mới đây FPT Play đã mua bản quyền Giải ngoại hạng Anh mùa giải 2014-2016 phát trên nền tảng Internet/OTT từ nhà cung cấp bản quyền IMG để phục vụ người dùng đam mê thể thao tại Việt Nam.

PC World cho biết, Truyền hình OTT ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Phát hình trực tiếp (LCD media); Giảng dạy trực tuyến (Live Education); Giao lưu trực tuyến (Website báo điện tử); Tư Vấn và chăm sóc khách hàng (Web video); Hội nghị khách hàng (Đại hội cổ đông); Du lịch (Web Travel) và nhiều dịch vụ khác.

“Dịch vụ truyền hình OTT đòi hỏi đầu tư rất lớn về băng thông và máy chủ với bản quyền nội dung. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đang chịu lỗ và hy vọng trong một thời gian có đủ lượng người dùng và kho nội dung bản quyền phong phú trước khi thương mại hóa dịch vụ”, anh Giản nhận định.

Mới đây, ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1984 phê duyệt đề án tạo điều kiện cho kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình qua nhiều phương thức khác nhau: trên tivi, máy tính, điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị di động khác. Và đây cũng là cơ hội để truyền hình OTT có bước phát triển lớn hơn.

Theo PC World, tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam là FPT và VTC. “Nhưng ngành công nghiệp truyền hình hiện chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng từ hiệu ứng trực tuyến, nên các kênh IPTV chưa thực sự hiệu quả. Tại 6 thành phố lớn, thời gian xem TV trung bình mỗi ngày đã giảm từ 140 phút trong năm 2008 xuống còn 124 phút trong năm 2012. Ngược lại, thời gian trực tuyến lại tăng từ 44 phút mỗi ngày lên 84 phút mỗi ngày trong cùng kỳ”, PC World công bố số liệu.

DSC-0261-JPG.jpg

Các chuyên gia FPT Telecom kiểm tra hệ thống vận hành của FPT Play trong sự kiện ứng dụng này chuyển sóng radio thành chương trình truyền hình với Phở Đặc Biệt - chàng trai hài hước khuấy đảo cư dân mạng - trong Happy Lunch - tại XoneRadio. Đây là bước thử nghiệm của FPT Play trước khi tham gia sân chơi mới.

Do vậy, có không ít ý kiến cho rằng truyền hình OTT mới chỉ đang cung cấp dịch vụ này ở góc độ thử nghiệm chứ chưa đặt hy vọng nhiều. “Việt Nam hiện có khoảng 91 triệu dân, tỷ lệ người sử dụng các thiết bị smartphone ngày một tăng và cùng với đó là lượng thuê bao sử dụng 3G ngày một tăng… là mảnh đất hứa hẹn cho phát triển truyền hình OTT”, Giám đốc FPT Play kỳ vọng.

Nguyên Văn

Ý kiến

()