Sợ hết vé, từ 4h sáng, chị Nguyễn Thị Lành, Thuận An, Bình Dương, đã lên đường để kịp đến Ga Sài Gòn lúc gần 6h. Ngồi chờ hơn 3 giờ ở khu mua vé Tết trực tiếp, đến khi được chọn mua thì "vé đẹp" đã hết.
Hàng nghìn lượt người đến mua vé trực tiếp tại ga sáng 6/12. Tuy nhiên, rất ít người mua được vé ưng ý theo cách này. |
“Tôi về Thanh Hóa và phải từ 26 tháng Chạp trở đi công ty mới cho nghỉ Tết nhưng hết vé rồi. Giờ chỉ còn cách hoặc đi sớm hơn hoặc chuyển sang ôtô”, chị Lành phân bua và cho biết cứ tưởng như năm ngoái, không mua online thì ra ga sẽ có. Rất nhiều trường hợp giống chị Lành trong ngày Ga Sài Gòn mở bán vé trực tiếp, vé đã hết hoặc giờ đi không “đẹp”.
Theo ông Thành, với phiên bản mới, cơ hội trải đều cho tất cả mọi người, không phân biệt online hay offline. “Ngồi nhà đăng ký online cơ hội còn cao hơn lại không mất quá nhiều thời gian, công sức bởi cách làm mới khác phiên bản cũ là khi nhà ga bán trực tiếp thì chức năng chọn mua vé online vẫn hoạt động bình thường”. Ngồi cạnh đó, anh Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp, Công ty Giải pháp Công nghệ FPT (FTS, thuộc FPT IS), vừa nhìn vào máy tính vừa bổ sung số liệu: Nhà ga có 10 cửa bán nên trong cùng một thời điểm, cao nhất là giải quyết cho 10 người nhưng có đến 500 lượt người đang online săn vé.
Chị Lành (người đội mũ) thử vận may với dàn máy tính đặt sẵn tại ga. "Biết đâu còn sót vé về ga gần nhà cũng được". |
Tính đến sáng 6/12, số vé Tết đã bán (người dân đã thanh toán thành công và chắc chắn có vé) là gần 120.000 vé, trong đó có khoảng 100.000 vé được bán qua website www.dsvn.vn. Hiện còn khoảng hơn 30.000 vé tàu trên hệ thống bán vé điện tử, hành khách vẫn có thể đặt chỗ qua mạng. “Tuy nhiên, số vé này phần lớn rơi vào các chặng siêu ngắn, như từ tỉnh này sang tỉnh kia”, đại diện Ga Sài Gòn cho biết. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ga Sài Gòn, tất cả hành khách đã mua vé qua mạng đến khiếu nại đều được giải quyết (khoảng 300 trường hợp), vé cũng được trả lại cho hành khách.
Trưởng Ga Sài Gòn cho hay, đây là năm đầu tiên ngành Đường sắt phối hợp với Tập đoàn FPT thực hiện bán vé qua mạng, hơn 100.000 vé bán ra so với con số gần 300 sự cố không phải quá lớn. “Lần đầu tiên nên gặp sự cố cũng là điều dễ hiểu, mong bà con thông cảm. Hy vọng qua năm sẽ không còn những trục trặc này", ông Thành nói.
Ông Phạm Công Thành, 'cha đẻ' www.vetau.com.vn - hệ thống bán vé online của ngành đường sắt trước khi FPT xây dựng phiên bản mới. Sáng ngày 6/12, ông đã đại diện ga xử lý sự cố cho khách hàng trong phòng "đặc biệt" cạnh phòng Trưởng ga. |
Vào Sài Gòn từ trước khi hệ thống mở bán online, anh Hải cho biết căng thẳng nhất là ngày bán thứ hai và ba, tức 2-3/12, khi người dân đổ về ga in vé và đi kèm đó là khiếu nại. Ga Sài Gòn phải bố trí phòng họp làm nơi tiếp đón và xử lý sự cố cho nhóm cán bộ ga, bưu điện và đại diện FTS.
Đại diện đơn vị phụ trách kỹ thuật chỉ ra, nhiều khách hàng chưa tuân thủ thời gian đặt vé bởi trong thời gian 10 phút tính từ thời điểm đặt chỗ, nếu chưa nhận được phản hồi từ hệ thống thanh toán ngân hàng, mã đặt chỗ tự động bị hủy. Cạnh đó, những lý do khiến cho hệ thống bán vé không nhận được phản hồi như lỗi kết nối, đường truyền giữa hai hệ thống, hệ thống thanh toán xử lý chậm, kết nối với ngân hàng phát hành thẻ chậm, thao tác người dùng chậm… "Tuy nhiên, các trường hợp này đều có lưu lại trong hệ thống nên sẽ được xử lý thỏa đáng đảm bảo quyền lợi của hành khách”, anh Hải nhấn mạnh và cho biết các lỗi đã được xử lý dứt điểm sau khi rà soát, điều chỉnh kịp thời.
Với hệ thống mua vé online mới, hành khách không cần phải tạo tài khoản trên hệ thống thì mới mua được vé như những năm trước, giảm bớt một công đoạn, tạo điều kiện cho việc mua vé dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn với số lượng rất lớn người mua vé có khả năng tiếp cận CNTT khác nhau. Và hệ thống cũng chỉ có một kho vé minh bạch nên cơ hội chia đều cho mọi hành khách có thể mua vé một cách trực quan, chọn được chính xác chỗ mong muốn trên từng toa, mọi lúc mọi nơi chỉ với một thiết bị đã kết nối Internet.
“Thời điểm cao nhất, tổng khách hàng đăng nhập hệ thống mới chiếm 10% dung lượng do FPT chuẩn bị”, anh Hải tiết lộ và cho biết, đội dự án FTS gồm 30 người đang túc trực tại Đường sắt Việt Nam để sẵn sàng xử lý kịp thời.
Anh Nguyễn Hồng Hải luôn ôm laptop "trực chiến" tại phòng xử lý sự cố ga Sài Gòn. "Khách hàng trình bày mới chỉ là một phần câu chuyện thôi. Chúng tôi cần đối chiếu với dữ liệu được lưu trên hệ thống trước khi đưa ra cách giải quyết cuối cùng", anh Hải nói. |
Tập thao tác từ lúc hệ thống chưa mở bán, Lê Anh Bảo, quận 9, đã đăng ký thành công cặp vé khứ hồi Sài Gòn - Quảng Ngãi trong vòng…1 phút. “Mình đóng tiền rồi nhưng ngại ra ga bon chen, chật chội. Chắc sẽ lấy ở đại lý cho tiện”, cậu nhân viên một công ty phần mềm tại Khu Công nghệ cao, quận 9, cười lớn.
“Mình tập dượt mấy lần lúc chưa mở bán cộng việc chốt ngày đi về sớm nên vào là lựa được liền. Năm nào mình cũng canh đặt vé nhưng năm nay nhanh bất ngờ. Những năm trước là cả hành trình gian nan bởi vào được trang đã khó và phải F5 liên tục nhưng lúc nào cũng "Service Unavailable" (Dịch vụ chưa sẵn sàng). Và mua được cũng do hên xui”. Năm nay thì quá tiện, từ chọn ngày đi - về, ga xuống, toa… cho đến thanh toán online. Mình đang chờ vé điện tử của năm sau”, anh Bảo hào hứng.
Tại Hà Nội, trong ngày đầu mở bán vé tàu online (ngày 1/12), 30.000 vé được đặt mua thành công. Hành khách đặt mua vé tàu có thể truy cập vào địa chỉ Fanpage của hệ thống để được giải đáp những thắc mắc thường gặp. "Hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam" là dự án hợp tác quan trọng giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn FPT, theo hình thức cung cấp dịch vụ CNTT nhằm phục vụ cho tất cả người dân có nhu cầu sử dụng phương tiện đường sắt. Trong đó, FPT cung cấp toàn bộ hệ thống cho dự án (bao gồm hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, hạ tầng viễn thông kết nối từ trung tâm dữ liệu của FPT đến từng ga và hệ thống mạng nội bộ của đường sắt Việt Nam; Phần mềm bán vé điện tử và các thiết bị đầu cuối như máy bán vé tự động; thiết bị soát vé cầm tay). Dự án chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: Xây dựng, lắp đặt hệ thống, kéo dài trong 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng (31/7); Giai đoạn 2: Cung cấp hệ thống bán vé điện tử qua website tuyến Đường sắt Thống nhất trong một năm, bắt đầu từ ngày 21/11 để kịp phục vụ người dân vào dịp Tết Nguyên đán năm nay; Giai đoạn 3: Cung cấp hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh bắt đầu từ ngày 21/11/2015 với thời hạn 6 năm. |
Nguyên Văn
Ý kiến
()