Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước chật vật cạnh tranh ngay trên chính sân nhà thì riêng trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), các doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư, vươn ra chiếm lĩnh thị trường ngoài nước và bước đầu gặt hái thành công tại các quốc gia khác, góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thế giới.
“Bí quyết thành công của chúng tôi chính là sự khác biệt”, ông Tào Đức Thắng, PTGĐ Viettel kiêm CEO Viettel Global, khẳng định khi chia sẻ về những thành công của Viettel tại thị trường nước ngoài.
Viettel mới khai trương Halotel tại Tanzania. |
Ngay từ khi “cuộc đua” giữa các doanh nghiệp viễn thông trong nước vẫn còn trong giai đoạn gay cấn nhất, Viettel đã xác định đầu tư ra nước ngoài là chiến lược ưu tiên phát triển của tập đoàn.
PTGĐ Tào Đức Thắng cho biết: Từ năm 2004, song song với việc tiếp tục mở rộng mạng lưới trong nước, Viettel cũng bắt đầu quá trình tìm kiếm và đầu tư vào các thị trường mới. Nhận thấy khi “đem chuông đi đánh xứ người” là phải trực tiếp đối đầu với những “người khổng lồ” của viễn thông thế giới như O2, Vodafone, Singtel… Viettel biết, chỉ có sự khác biệt mới có thể giúp tập đoàn đạt được thành công. Thời điểm Viettel đầu tư ra nước ngoài đã chậm khoảng 20 năm so với các doanh nghiệp viễn thông lớn trên thế giới cho nên những “miếng ngon” hầu như đã bị phân chia hết, còn những thị trường tương đối khó “xơi” hơn như Campuchia, Haiiti… cũng không thiếu bóng dáng các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, theo khảo sát thị trường, những “ông lớn” lại có thói quen đầu tư ngắn hạn và thu lời nhanh ở thị trường nước ngoài, chỉ tập trung đầu tư ở thành phố lớn, thu giá cước cao, có lợi nhuận mới đầu tư tiếp. Từ thực tế này, Viettel đã tìm ra hướng đi cho riêng mình là đầu tư dài hạn, rộng khắp đến cả vùng sâu, vùng xa nhằm phổ cập dịch vụ đến mọi người dân nước sở tại với giá cước rẻ. Ở những nước Viettel tiến hành đầu tư, hạ tầng mạng lưới của tập đoàn luôn dẫn đầu về quy mô, góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo ngành viễn thông ở nước đó. Bên cạnh đó, Viettel còn triển khai nhiều dịch vụ công ích như hỗ trợ ngành giáo dục internet miễn phí; hỗ trợ chính phủ, công an, quân đội xây dựng hệ thống thông tin... qua đó, nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao của người dân cũng như chính phủ các nước sở tại.
Tất nhiên, liên tục mở rộng mạng lưới với quy mô đầu tư rộng khắp ở nhiều nước sẽ là gánh nặng không nhỏ về vốn cho Viettel. Sự khác biệt về pháp luật, văn hóa, chế độ chính trị… cùng những cách trở về điều kiện địa lý càng làm tăng chi phí, công sức và thời gian của quá trình đầu tư.
Đầu tư khoảng 300.000 USD khai mở thị trường, đến nay FUSA đã có quy mô gấp hơn 150 lần, ở mức 50 triệu USD và trở thành thị trường trọng điểm hàng đầu của Phần mềm FPT. “Đây là nỗ lực vượt qua chính mình, tinh thần vươn lên từ sai lầm và thất bại, làm việc chăm chỉ, luôn học hỏi, cầu thị và một chút may mắn đã làm nên vị thế FUSA hôm nay”, anh Bùi Hoàng Tùng, GĐ FUSA, tiết lộ. |
“Nhưng khó khăn đó chỉ làm người Viettel càng thêm quyết tâm. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, ở những thị trường mà ai cũng ngại khó và ngại xa lại chính là “đại dương xanh” cho những người chịu phấn đấu”, ông Thắng hồ hởi nói. Sau chín năm, ngoài thành công ở thị trường trong nước, Viettel tiếp tục thành công khi đưa vào kinh doanh chín công ty viễn thông tại chín quốc gia khác với thị trường hơn 175 triệu người. Năm 2014, tổng doanh thu của Viettel từ thị trường nước ngoài đạt 1,211 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với năm 2013; trong đó, lợi nhuận đạt hơn 140 triệu USD, tăng 41% so với năm 2013. Đặc biệt, tại những thị trường đã đi vào kinh doanh ổn định như Campuchia, Lào, Mozambique… Viettel đều giữ vị trí dẫn đầu, chiếm lĩnh thị trường.
Viettel chỉ là một trong số những doanh nghiệp viễn thông và CNTT Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài trong vài năm gần đây. Đại diện Tập đoàn FPT chia sẻ, ngay từ năm 1998, sau khi gặt hái thành công tại thị trường trong nước, FPT bắt đầu theo đuổi chiến lược toàn cầu hóa và coi đó là thách thức mới. Khó khăn lớn nhất của FPT khi đầu tư ra nước ngoài là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để khắc phục, FPT đã dốc sức đào tạo, tuyển dụng nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự có trình độ, kinh nghiệm, nhân sự là người nước ngoài. Chẳng hạn tại Nhật Bản, thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, để đáp ứng nhu cầu khổng lồ về kỹ sư phần mềm biết tiếng Nhật, FPT thực hiện Chương trình “10.000 kỹ sư cầu nối” nhằm tuyển sinh và đào tạo lực lượng kỹ sư phần mềm biết tiếng Nhật. Cũng để ứng phó sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế hùng mạnh, chiến lược mà FPT lựa chọn là tập trung cung cấp dịch vụ CNTT dựa trên các nền tảng công nghệ mới như điện toán đám mây, di động… nỗ lực phấn đấu trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ chuyển đổi hệ thống lên điện toán đám mây.
Nhờ những bước đi đúng đắn, sau hơn 17 năm, FPT hiện đã có mặt tại 19 quốc gia trên thế giới với hơn 1.000 nhân viên là người nước ngoài, đến từ 26 quốc gia khác nhau. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT trong 7 tháng qua đã tăng 46% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 2.517 tỷ đồng; trong đó, tất cả các thị trường đều tăng trưởng tốt với mức tăng cao nhất là thị trường châu Âu (169%), tiếp theo là thị trường Nhật Bản và Mỹ (hơn 40%). Hiện, doanh thu mảng công nghệ từ thị trường nước ngoài của FPT đã cao hơn doanh thu trong nước.
Để có được sự thành công như thế, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đương đầu với bao khó khăn. Như ở Haiiti, cán bộ của Viettel Global phải làm việc từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày. Ban ngày, họ làm việc theo giờ hành chính, ban đêm lại làm cùng đồng nghiệp trong nước theo giờ Việt Nam. Chưa kể xa gia đình, xa người thân, ở nơi “đất lạ”, nhiều cán bộ do không quen khí hậu nên thường bị sốt rét, có người bị lặp đi lặp lại đến ba lần trong vòng chưa đầy hai tháng. Mặc dù vậy, không ngại khổ, không ngại khó, cán bộ, nhân viên Viettel tại nước ngoài luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đầu tư quốc tế của Viettel.
Chăm lo đời sống người lao động tại nước ngoài cũng được FPT xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tập đoàn. Đại diện FPT cho biết, tập đoàn luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, nhân viên công tác tại nước ngoài có được môi trường sống và làm việc thoải mái nhất. Ngoài các chế độ đãi ngộ theo quy định, tập đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa đoàn thể để gắn kết tình cảm, động viên tinh thần các cán bộ, nhân viên làm việc xa nhà.
Giấy phép do Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp có giá trị trong vòng 15 năm, cho phép FPT xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới trên toàn quốc, cung cấp viễn thông và Internet cố định cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng. Sau khi có giấy phép, nhóm chuyên gia của FPT sẽ đến Myanmar vào tháng 8 để tiến hành nghiên cứu về thị trường và triển khai cơ sở hạ tầng. |
Nhật Bản là quốc gia có nhiều cán bộ, nhân viên FPT sinh sống nhất, tập đoàn vừa hoàn thiện khu ký túc xá dành cho cán bộ, nhân viên, dự kiến sẽ cung cấp chỗ ở cho hàng trăm người FPT. Mức thu nhập bình quân của FPT Software đang trả cho các kỹ sư cầu nối làm việc tại thị trường Nhật Bản đạt khoảng 740 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng gần bảy lần so với mức lương bình quân của kỹ sư trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Viettel vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, công nhân viên của tập đoàn tại nước ngoài sao cho phù hợp với từng thị trường, cũng như đưa ra những hỗ trợ tốt hơn cho người lao động sau khi về nước; trong đó, chú trọng quan tâm, động viên, thăm hỏi gia đình của cán bộ, công nhân viên đang công tác ở nước ngoài, giúp họ yên tâm công tác.
Viettel đang thực hiện chiến lược trở thành công ty toàn cầu, đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600 đến 800 triệu dân vào năm 2020. Mới đây, FPT Telecom cũng trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ internet (ISP) ở Myanmar.
>> Nhà nước sẽ thoái vốn tại FPT và FPT Telecom
Theo Nhân Dân
Ý kiến
()