Theo số liệu thống kê, các nước có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển đều đạt tỷ lệ cao trong việc đầu tư cho giao thông vận tải (GTVT), điển hình như: Hàn Quốc (35% ), Nhật Bản (36%), Mỹ (30%), Singapore (30%)… Các quốc gia này đều chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng như hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm.
Trong đó, hệ thống vé xe buýt điện tử thông minh là giải pháp thu phí tự động ứng dụng giải pháp CNTT và công nghệ thẻ thông minh không tiếp xúc tiên tiến được ứng dụng ở nhiều nước phát triển. Tại Singapore, thẻ Ezlink được sử dụng cho toàn mạng xe buýt, metro, taxi. Với xe buýt, hành khách có thể thực hiện việc quét thẻ vào thiết bị soát vé tự động gắn trên cửa trước và cửa sau của xe để thanh toán.
Còn ở Seoul (Hàn Quốc), tỷ lệ sử dụng thẻ giao thông điện tử rất cao: 95% sử dụng thẻ xe buýt, 100% sử dụng thẻ tàu điện. Hiện, Hàn Quốc đang tiến hành ứng dụng thẻ điện tử trên toàn quốc, không chỉ sử dụng cho xe buýt, taxi, tàu điện, mà còn áp dụng thanh toán tiền tàu, phí cầu đường cao tốc...
Chủ trương của TP HCM là đẩy mạnh phát triển chất lượng và hiệu quả dịch vụ VTHKCC nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tại các thành phố lớn của Việt Nam, xe buýt được đưa vào sử dụng trong nhiều năm qua và là phương tiện thông dụng cho người dân, học sinh, sinh viên. Hiện, TP HCM có gần 3.000 xe buýt, đáp ứng khoảng 17.000 chuyến mỗi ngày và 300 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng là chương trình hành động quan trọng trong kế hoạch tổng thể về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của TP HCM. Trong những năm qua, thành phố đầu tư mạnh vào phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ xe buýt công cộng như đầu tư thêm về số lượng xe, mở rộng số tuyến phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng giải pháp CNTT nhằm nâng cao nâng lực quản lý cơ quan Nhà nước, hiệu quả đầu tư và hình ảnh dịch vụ xe buýt công cộng. Trong đó có thể kể đến dự án “Hệ thống phần mềm kiểm soát và thông tin xe buýt” do FPT IS xây dựng, triển khai vừa mới đưa vào vận hành chính thức. Mục tiêu chung là đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần giảm phương tiện cá nhân và hạn chế ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phát hành và quản lý vé xe buýt tại TP HCM hiện đang thực hiện theo hình thức thủ công, phụ thuộc nhiều vào con người, từ khâu phát hành, khai thác đến thực hiện thanh quyết toán. Điều này gây ra nhiều bất cập trong quản lý, phân tích dữ liệu về số lượng hành khách; Thiếu linh động trong điều chỉnh chính sách giá vé, mất nhiều thời gian trong việc thực hiện thanh quyết toán tiền trợ giá cho doanh nghiệp vận tải; Thiếu dữ liệu đầu vào để lập kế hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt… Vì vậy, việc triển khai ứng dụng hệ thống vé điện tử thông minh vào quản lý vé xe buýt sẽ góp phần giải quyết những bất cập nêu trên, hỗ trợ kiểm soát và thực hiện trợ giá hiệu quả, góp phần phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo anh Trần Hồng Minh, PGĐ Trung tâm phát triển phần mềm và giải pháp FPT (SSD thuộc FPT IS), khi dự án vé xe buýt điện tử thông minh đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân lẫn các cơ quan quản lý. Hành khách sẽ chỉ sử dụng một thẻ điện tử duy nhất khi đi lại trên toàn bộ tuyến của mạng lưới xe buýt công cộng. Thay vì sử dụng vé giấy và thanh toán truyền thống, hành khách dễ dàng nạp thêm giá trị sử dụng vào thẻ vé điện tử theo nhu cầu đi lại thông qua các kênh thanh toán điện tử.
Công tác phát hành và quản lý vé xe buýt tại TP HCM hiện đang thực hiện theo hình thức thủ công, phụ thuộc nhiều vào con người, từ khâu phát hành, khai thác đến thực hiện thanh quyết toán. Khi dự án vé xe buýt điện tử đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân lẫn các cơ quan quản lý. Ảnh: S.T. |
Hệ thống vé xe buýt điện tử còn là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý và điều hành mạng lưới xe buýt công cộng. Bao gồm: Khả năng thu thập đầy đủ và chính xác thông tin về nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ công tác quản lý, phân tích, quy hoạch mạng lưới tuyến; Kiểm soát công tác trợ giá hiệu quả; Linh hoạt trong xây dựng và triển khai chính sách giá vé nhằm khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng.
Với doanh nghiệp vận tải, dự án sẽ hỗ trợ quản lý và thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát vé, rút ngắn thời gian thanh quyết toán với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí khai thác và quản lý vé, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
“Mục tiêu của dự án là đầu tư hạ tầng CNTT tiên tiến và giải pháp thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách đa phương thức trong tương lai (như MRT - Mass Rapid Transport, BRT - Bus Rapid Transit, taxi…). Từ đó, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Cùng với đó, dự án còn góp phần giúp giảm thiếu số lượng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ chất lượng môi trường, hướng tới phát triển đô thị bền vững”, anh Minh tin tưởng.
Dự án Vé xe buýt điện tử được thực hiện theo hình thức Hợp đồng dự án (BOO): Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh. Một trong những hình thức đối tác công tư được quy định trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, do Chính phủ ban hành tháng 2/2015. Trong đó, khuyến khích thực hiện các dự án ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ vận tải theo hình thức công tư (PPP).
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong đó khuyến khích thuê dịch vụ CNTT, để nhanh trong triển khai giải pháp CNTT trong quản lý Nhà nước và dịch vụ công. Đây được coi là những hành lang pháp lý quan trọng, là tiền đề để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý và điều hành giao thông nói chung và dịch vụ vận tải hành khách công cộng nói riêng trong thời gian tới.
Ngày 6/10, UBND TP HCM đã phê duyệt Đề xuất dự án "Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt". Đây là dự án đầu tư ứng dụng CNTT theo mô hình xã hội hóa trọng điểm do Liên danh FPT IS và Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn thực hiện. Dự án được triển khai theo hình thức hợp tác công tư (PPP) - Hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) với tổng mức đầu tư ban đầu gần 263 tỷ đồng. Chi phí vận hành 10 năm khoảng 320 tỷ đồng. Theo đó, dự án sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ, hạ tầng CNTT, triển khai giải pháp phần mềm, đào tạo nhân lực và thực hiện vận hành hệ thống vé điện tử thông minh ứng dụng công nghệ thẻ thông minh không tiếp xúc (contactless smartcard). Giai đoạn 1 của dự án sẽ đưa vào vận hành trong năm 2016, và hoàn thành toàn bộ hệ thống vào năm 2017. |
Hà Dương
Ý kiến
()