Sáng nay (ngày 16/8), SBI Holdings có trụ sở tại Nhật Bản cùng các công ty trong khu vực châu Á thông báo đổ vốn đầu tư vào Sendo Technology (siêu chợ Sen Đỏ) với tổng chi phí hơn 51 triệu USD, theo Nikkei.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia trong đợt đầu tư này gồm: Daiwa PI Partners - nhà đầu tư tài chính hàng đầu; Softbank Ventures Korea - chi nhánh của tập đoàn Softbank do tỷ phú “liều ăn nhiều” Masayoshi Son điều hành.
Đối với SBI Holdings và BEENOS - hai công ty đã có tên trong danh sách đầu tư vào năm 2014, quyết định tiếp tục đồng hành cùng Sen Đỏ. Trong đó, ông Ryosuke Hayasshi - Phó tổng giám đốc phụ trách mảng kinh doanh nước ngoài của tập đoàn SBI Holdings và ông Teruhide Sato - Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty BEENOS đã tham gia Hội đồng Quản trị “start-up” này từ năm 2014.
Ngoài ra, thương vụ này còn ghi nhận thêm sự đóng góp từ các doanh nghiệp Hong Kong và một số công ty nước ngoài khác.
Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh vốn đầu tư vào sàn thương mại điện tử của FPT. |
Việc chọn siêu chợ Sen Đỏ - sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam để đầu tư là một trong những bước tiến khôn ngoan của các doanh nghiệp “xứ mặt trời mọc” khi họ đang lên kế hoạch thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đầy tiềm năng.
Theo số liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số trẻ với hơn 90 triệu dân và độ tuổi trung bình là 31. Trong đó, hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam cũng tiết lộ trong khảo sát vào năm 2017 rằng 95% dân số tại các thành phố sử dụng điện thoại di động và 84% trong số đó sở hữu di động thông minh (smartphone). Sự tăng trưởng kinh ngạc trong thị trường di động mang lại nhiều tiềm năng kinh tế rất lớn, bao gồm cả sự tác động lên ngành thương mại điện tử tại đất nước hình chữ S.
Về tổng quan thương mại điện tử Việt Nam, mặc dù vẫn còn quy mô nhỏ nhưng là một trong những thị trường phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Cụ thể, doanh thu hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử đạt 0.5% thị phần, tăng trưởng vượt trội 69% so với năm ngoái.
Đồng thời, với đề án của Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tỷ trọng thanh toán tiền mặt ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020, ngành thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến sẽ là thị trường phát triển mạnh mẽ từ đây đến năm 2020.
Tập đoàn Amazon cũng đã xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 3/2018 với những bước đi đầu tiên của doanh nghiệp này là hướng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa. Trước Amazon, Lazada cũng đã mua lại bởi Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Điều đó thể hiện tham vọng cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam của các “ông lớn” ngoài nước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.
Sendo.vn ra mắt người dùng vào năm 2012 là chợ điện tử uy tín cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ mua, bán hàng hóa. Trang thương mại điện tử này đang phục vụ hơn 80.000 shop với trên 5 triệu sản phẩm khác nhau, phân bổ đồng đều trong 21 ngành hàng. Sau lần huy động vốn này, siêu chợ Sen Đỏ sẽ nâng cấp và mở rộng dịch vụ, hướng tới mục tiêu nâng tổng giá trị giao dịch hàng hóa trực tuyến đạt 1 tỷ USD vào năm 2020. |
Đình An
Ý kiến
()