Chúng ta

Thủ tướng ra Nghị quyết về dịch vụ công trực tuyến

Thứ năm, 15/10/2015 | 14:18 GMT+7

Ngày 14/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử nhằm công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Theo Nghị quyết, phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

1-y0a1008-6279-1444892360.jpg

Ảnh Thủ tướng Chính phủ tham quan gian hàng của FPT IS diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 3 năm 2013 tại Hà Nội. Theo nghị quyết, đến hết năm 2016 các bộ, ngành trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Ảnh: Trương Anh Tú.

Ngoài ra, Nghị quyết nêu trong ba năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị quyết cho biết, áp dụng CNTT đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý nhà nước. Trong năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Nghị quyết cho biết, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến con nhiều yếu kém.

Nghị quyết thừa nhận, Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (E-government Development Index) của Liên hiệp quốc năm 2014 cho thấy Việt Nam xếp hạng 99 trên thế giới (giảm 16 bậc so năm 2012) và đứng thứ 5 trong khối Asean sau Singapore, Malaysia, Brunei và Philippines.

Ngoài ra, chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam được đánh giá thấp, chỉ đạt 0,41 điểm (thang điểm 1), trong khi của Singapore là 0,992 điểm, Malaysia là 0,677 điểm; chỉ số về hạ tầng viễn thông của Việt Nam đạt 0,38 điểm, trong khi của Singapore là 0,879 điểm và Malaysia là 0,446 điểm.

Theo Nghị quyết, Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản, hoàn thành trước ngày 1/1/2016; tổ chức triển khai phần mềm quản lý văn bản đối với các cơ quan chưa có hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên thông.

Thiết lập hệ thống điện tử lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác nhằm giảm thời gian xây dựng văn bản; thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ được giao thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, hoàn thành trước ngày 1/1/2016.

Nghị quyết cũng nêu rõ, tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở các cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT và việc thuê dịch vụ CNTT; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trước ngày 1/3/2016. Thiết lập Trang tin doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước.

>> FPT USA có quy mô gấp hơn 150 lần sau 7 năm

Nguyên Văn

Ý kiến

()