Chúng ta

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: 'Công trình xanh còn rất khiêm tốn'

Thứ ba, 6/10/2015 | 10:06 GMT+7

"Xây dựng hiện tiêu thụ năng lượng nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm tới 36-40% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Nhưng việc đầu tư xây dựng công trình xanh trên thực tế còn rất khiêm tốn, chưa hình thành được thị trường xây dựng này", bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bày tỏ.

Ngày 4/10, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng tổ chức hội thảo Kiến trúc với biến đổi khí hậu, nhân kỷ niệm Ngày Kiến trúc Thế giới năm 2015. Tham dự có bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cùng hơn 150 đại biểu là thành viên của Hội Kiến trúc sư các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đợt này, UBND thành phố và Sở Xây dựng chọn tòa nhà FPT Complex là công trình tiêu biểu của Đà Nẵng để giới thiệu tới bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, FPT City cũng tham gia với tư cách đồng nhà tài trợ chính chương trình.

DSC-0037-JPG-8759-1444007743.jpg

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, kêu gọi các hội Kiến trúc sư thành viên, trong đó có Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ứng dụng rộng rãi các giải pháp giảm thải CO­2 trong thiết kế kiến trúc, đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với chủ đề "Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu - Trách nhiệm và Giải pháp”, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ mực nước biển dâng và bão. Các nguy cơ này càng trở nên cấp bách trong những thập kỷ gần đây, khi nước ta trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ công nghiệp hóa và đô thị hóa, một quá trình làm tăng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto năm 1997.

"Chúng ta cần ứng dụng rộng rãi các giải pháp giảm thải CO2 trong thiết kế kiến trúc và đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, một trong những thách thức lớn nhất của thời đại. Đây cũng là dịp để giới kiến trúc sư nhận rõ hơn về trách nhiệm nghề nghiệp trong việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp thiết kế kiến trúc, đô thị, tiết kiệm năng lượng, giảm thải carbon... Điều này góp phần tham gia vào chiến dịch tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vì chất lượng sống của chính con em chúng ta trong tương lai", ông Vạn nói.

Đứng ở góc nhìn khác, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhận định thiết kế kiến trúc xanh, công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Riêng năm 2014, Singapore có gần 1.200 công trình được cấp chứng chỉ công trình xanh; Đài Loan có 500 công trình; Malaysia cũng có 125 công trình. Còn Việt Nam cho đến nay mới có chưa đến 10 công trình được xem xét cấp chứng chỉ công trình xanh.

DSC-0043-JPG-8462-1444007743.jpg

FPT City nhận bằng khen của chương trình với tư cách đồng nhà tài trợ chính. 

"Kiến trúc xanh là hướng tiếp cận mới của thế giới trong tăng trưởng kinh tế, giúp phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. Sự tham gia, hưởng ứng, vào cuộc của các lực lượng xã hội, đặc biệt là đội ngũ kiến trúc sư, các nhà quy hoạch trong vấn đề này là rất cần thiết và quan trọng", bà Linh nhấn mạnh.

Anh Trần Anh Quốc Cường, đại diện FPT City, cho biết, FPT Complex là một trong những công trình hiếm hoi và đầu tiên của Việt Nam được thiết kế đảm bảo tiết kiệm năng lượng. Dù tại Việt Nam chưa áp dụng rộng rãi nhưng FPT Complex đang cho thấy định hướng đúng và đảm bảo tốt những yêu cầu đặt ra trong xu thế phát triển của thế giới. Minh chứng tòa nhà giúp giảm 21% năng lượng điện, tiết kiệm 32% lượng nước và 20% chi phí năng lượng nhờ sử dụng các vật liệu xanh. Trong khi ở Việt Nam, việc xây dựng và vận hành các tòa nhà chiếm tới 36% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trung bình ở mức 12% hằng năm - mức tăng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Được thiết kế theo Quy chuẩn 2013 của Bộ Xây dựng, công trình hướng tới sử dụng hiệu quả năng lượng. Hệ thống kỹ thuật mới nhất trong điều hòa cũng như thu gom hệ thống nước thải của Nhật. Nước thải sau khi xử lý có thể sử dụng để tưới cỏ và vệ sinh sân vườn. Hệ thống vật liệu xây dựng được thiết kế theo xu hướng kiến trúc xanh. Điều này giúp Khu phức hợp văn phòng FPT được EDGE cấp chứng chỉ Toà nhà tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Việt Nam.

ANH-12-2158-1423720215-6301-1444007743.j

FPT Complex Đà Nẵng trở thành một trong những công trình đầu tiên và hiếm hoi tại Việt Nam được thiết kế trở thành toà nhà tiết kiệm năng lượng.

Trước đó, ông Nguyễn Trung Nho, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đà Nẵng, khẳng định hỗ trợ tối đa khu đô thị Công nghệ FPT Đà Nẵng để phục vụ cho APEC 2017. 

FPT Complex có sức chứa gần 10.000 người được khởi công vào ngày 13/8/2014 tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, do FPT làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích 5,9 ha, là khu phức hợp văn phòng cao cấp nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cho những nhân viên tương lai của FPT. Hiện FPT Complex đang hoàn thành nội thất trước khi đưa vào sử dụng đầu năm 2016 nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc của 3.200 nhân viên trong giai đoạn 1.

Nguyên TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm từng nhận định, đây là công trình mà nhân viên không chỉ cảm thấy dễ chịu, tiện nghi mà còn thấy tự hào khi biểu tượng của Việt Nam (trống đồng) được nhìn thấy từ Google Earth. 

Việt Nguyễn

Ý kiến

()