Chúng ta

Thành lập FPT Pharma, nhà F kinh doanh dược phẩm

Thứ sáu, 14/9/2018 | 11:21 GMT+7

Hội đồng Quản trị FPT Retail vừa công bố nghị quyết về việc thành lập đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu, viết tắt là FPT Pharma.

FPT Long Châu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trụ sở đặt tại quận 3, TP HCM với ngành nghề kinh doanh chính là Bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.

FPT Retail sẽ nắm 75% vốn của FPT Long Châu, tương đương giá trị 75 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của FPT Long Châu là chị Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch kiêm CEO của FPT Retail.

Trước đó, FPT Retail đã tiếp quản chuỗi nhà thuốc Long Châu từ đầu năm 2017. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông FPT Retail năm 2018 diễn ra sáng ngày 28/3 ở TP HCM, Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail cho biết nhằm tạo sự tăng trưởng trong thời gian tới, FPT Retail đã nghiên cứu và chọn chuỗi dược phẩm Long Châu để đầu tư.

long-chau-fpt-6697-1536898695.jpg

Doanh thu bình quân mỗi tháng một cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện đạt khoảng 3 tỷ đồng, cao hơn nửa tỷ đồng so với cửa hàng FPT Shop, chị Nguyễn Bạch Điệp cho hay.

Theo chị Điệp, doanh thu bình quân theo tháng của một cửa hàng Long Châu vào khoảng 134.000 USD/tháng, cao hơn mức 32.000 USD/tháng của Phúc An Khang, 11.000 USD/tháng của Pharmacity hay 18.000 USD/tháng của Phano.

“Số liệu này được FPT Retail tổng hợp trong quá trình làm việc với các chuỗi để tìm hiểu cơ hội đầu tư, dựa qua các kênh của trình dược viên và nhà cung cấp”, chị Điệp phản hồi khi một đại biểu đề nghị thông tin nguồn cung cấp số liệu.

“Khi bị hắt hơi sổ mũi, bạn có thể mua bất kỳ nhà thuốc nào, 1 liều khoảng 15.000 đồng/ngày. Doanh thu kiểu này trung bình thấp”, Chủ tịch FPT Retail lấy ví dụ và cho hay, điểm khác biệt giữa doanh thu của Long Châu với các nhà thuốc khác là đến từ thuốc kê toa. Cụ thể, lượng thuốc mà Long Châu có cao hơn gấp 6-7 lần các nhà thuốc bình thường và giá của Long Châu rẻ, trung bình rẻ hơn khoảng 20%. Trong đó, 60% doanh thu của Long Châu đến từ tân dược, còn lại từ mỹ phẩm, trang thiết bị y tế hoặc đến từ thực phẩm chức năng. Các nhóm hàng này mang lại lợi nhuận cao hơn thuốc.

Người đứng đầu FPT Retail cũng khẳng định, thị trường dược có thể chia làm 3 nhánh: kênh nhà thuốc, kênh phòng mạch và kênh bệnh viện. FPT Retail có kế hoạch tiếp cận kênh bệnh viện và phòng mạch, tuy nhiên, kênh nhà thuốc vẫn còn dư địa phát triển lớn. “Kênh nhà thuốc là thị trường 1,3 tỷ USD/năm, FPT Retail kỳ vọng chiếm 30% thị phần, khi ấy doanh thu cũng không hề thua kém mảng kinh doanh truyền thông. Trong 3-4 năm tới, mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu của FPT Retail”, chị Điệp khẳng định.

Theo số liệu nghiên cứu từ FPT Retail, quy mô ngành dược khoảng 5 tỷ USD/năm, tương đương ngành điện thoại (5,8 tỷ USD) và cao hơn điện máy (3,7 tỷ USD). Trong khi đó, chi phí chi cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp nhưng ở Thái Lan đã lên 46 USD/năm, Singapore 142 USD/năm, Malaysia 66 USD/năm. Đặc biệt, tăng trưởng ngành 13%/năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế.

“Nếu bước dò dẫm vào ngành hàng mang tính đặc thù, chúng tôi có khả năng thiệt hại lớn. Do đó, việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu (TP HCM) vào cuối năm ngoái giúp công ty hạn chế tối đa rủi ro”, chị Điệp chia sẻ.

Theo nữ tướng nhà Bán lẻ, ngay từ đầu đơn vị xác định, từ công ty CNTT sang thuốc sẽ gặp nhiều thách thức dù có kinh nghiệm quản trị nhưng chuyên môn rất mới, chắc chắn tập thể FPT Retail phải học làm sao nhanh, cho đúng. Chị Điệp thông tin, khâu mà công ty nhận thấy cần tối ưu đó là phần logistics (hậu cần) và không loại trừ cuối năm mở thêm nhà thuốc ở Bình Dương, Đồng Nai để thử nghiệm. FRT Retail dự kiến mở tới 400 cửa hàng thuốc cho đến năm 2020.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có những bước đi hứa hẹn. Tuy nhiên, để thực sự trở thành động lực tăng trưởng của FPT Retail, Long Châu cần thành công trên diện rộng chứ không chỉ bó hẹp tại TP HCM.

Đây là điều không hề dễ dàng bởi trên thị trường dược phẩm hiện nay, kênh bệnh viện chiếm tới 70% thị phần, chỉ còn 30% doanh số thuốc bán lẻ dược phẩm, tương đương 1,6 tỷ USD được chia sẻ bởi khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc trên cả nước.

Theo VDSC, kế hoạch mở 400 nhà thuốc vào 2021 của FPT Retail có phần tham vọng, khi ngay cả các chuỗi nhà thuốc đã thành công trên thế giới cũng phải mất một thời gian dài để đạt được cột mốc này. Việc tìm được các địa điểm phù hợp để nhân rộng thành công của các cửa hàng đầu tiên là không dễ dàng.

>> FPT 'khoe' tốc độ tăng trưởng 32% đúng ngày sinh nhật tuổi 30

Tân Phong

Ý kiến

()