Ngày 13/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.
Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC)...
Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu FPT đang sở hữu. Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). Đối với FPT Telecom, SCIC sẽ thoái toàn bộ 50,2% vốn cổ phần.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. |
Theo Phó Thủ tướng, chủ trương của Chính phủ trong sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã có từ lâu, trong đó có việc thoái vốn ở những doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực then chốt hay địa bàn trọng yếu, là những nơi mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm được và làm tốt.
"Đối chiếu với tiêu chí này, các doanh nghiệp mà Chính phủ yêu cầu SCIC lên lộ trình và phương án thoái vốn mới đây đều thuộc danh mục không cần Nhà nước nắm giữ. Ngoài ra, thông qua thoái vốn, Chính phủ muốn đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp, để Nhà nước rút nguồn lực tập trung vào những nơi mà các thành phần khác không được làm hoặc không muốn làm", Phó Thủ tướng nói. "Thoái vốn cũng là cách giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức quản lý theo hướng hiệu quả hơn. Trong nhiều doanh nghiệp, đây có khi còn là tiêu chí quan trọng nhất".
Hiện là người đứng đầu Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ông Ninh cũng khẳng định việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp không xuất phát từ việc thu ngân sách khó khăn mà Chính phủ yêu cầu thoái vốn nhanh để bổ sung nguồn thu. "Chúng ta đã bán vốn từ lâu và cả hàng trăm nghìn tỷ rồi chứ không phải đến bây giờ mới làm".
Phó Thủ tướng cho rằng, với những doanh nghiệp đã niêm yết như FPT thì việc thoái vốn sẽ thực hiện theo cách đấu và khớp lệnh theo quy chế giao dịch trên sàn. Với những doanh nghiệp chưa niêm yết như FPT Telecom, nếu có nhiều hơn một nhà đầu tư tham gia mua thì tiến hành đấu giá giữa các nhà đầu tư. "Đấu lần một không được thì lần hai. Tất cả phải đấu giá theo thị trường để minh bạch công khai hết. Làm sao để Nhà nước thu được lợi nhiều nhất", Phó Thủ tướng nói.
Sau khi danh sách 10 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn toàn bộ được công bố, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng đây không chỉ là thông tin tốt với thị trường chứng khoán, mà còn chứa nhiều thông điệp tích cực đối với hoạt động cổ phần hóa trong tương lai.
>> Cổ phiếu FPT tăng mạnh sau tin SCIC thoái vốn
Nguyên Văn tổng hợp
Ý kiến
()