Chia sẻ trong buổi JobFair dành cho học viên BrSE khóa 1 diễn ra trong tháng 12 vừa qua, cố vấn FPT Japan Ogawa Takeo cho hay, ứng viên "ghi điểm" trong mắt nhà tuyển dụng ngoài việc giao tiếp thuần thục và đọc được sách nghiệp vụ bằng tiếng Nhật thì cũng cần có kinh nghiệm cả về chuyên môn lẫn am hiểu văn hóa làm việc của người bản địa. Có sức khỏe, biết kiềm chế ý kiến chủ quan, bị phê bình hay mắng cũng không bị stress được xem là những yếu tố cần có của một BrSE.
"BrSE cần có chính kiến của mình khi làm việc, nhưng nếu đã là điều mà cả đội cùng quyết định thì nhất thiết phải tuân thủ. Khi còn là nhân viên mới phải biết kiềm chế bản thân, phải đối xử lễ phép với người đi trước. Biết giữ lời hứa cho dù từ những việc nhỏ nhất. Khi không hiểu thì hỏi, cố gắng thể hiện nỗ lực muốn tiến về phía trước", bác nói.
Theo bác Ogawa, BrSE là việc làm sao để kỹ sư người Việt Nam có thể hiểu được công việc của Nhật. Sự "hiểu" ở đây là không bỏ sót những suy nghĩ, yêu cầu dự án từ phía khách hàng, cũng như giúp cho kỹ sư Việt Nam và khách hàng Nhật Bản hiểu nhau.
Những yêu cầu này được cựu CEO HitachiSoft đưa ra từ thực tế, khách hàng thường không thể viết hết những yêu cầu vào tài liệu mà không bị thiếu sót gì đó. Ngược lại, kỹ sư Việt Nam cũng rất khó có thể làm ra được sản phẩm hoàn hảo theo đúng như những gì khách hàng viết ra.
Để trở thành người giỏi, cựu GĐ FPT Japan cho rằng, không có con đường nào khác là học hằng ngày, học cả ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) lẫn nghiệp vụ chuyên môn. "Nếu bạn chỉ cố gắng tương tự như người bên cạnh, kết quả đạt được cũng chỉ như họ. Cần cố gắng hơn người bên cạnh để có kết quả tốt hơn và nên dành 30 phút mỗi ngày đọc sách, không quan trọng là sách gì", bác Ogawa nói.
Theo số liệu từ Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản (METI), đến năm 2020, Nhật Bản cần khoảng 50.000 nhân lực CNTT. METI cũng đã thỏa thuận với một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam về việc chấp nhận qua lại chứng chỉ kỹ sư CNTT. Những kỹ sư nào có chứng chỉ này sẽ được nới lỏng hơn việc xét duyệt visa nhập cảnh.
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, FPT Japan đã tổ chức chương trình Job Fair dành cho các du học sinh và những người đang làm trong lĩnh vực CNTT. Dự kiến ngày 27/1, FPT Japan sẽ phối hợp với các nhà tuyển dụng Nhật thực hiện Job Fair cho học viên khóa 1 của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối.
Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối của FPT Software được thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản trong vòng 6-12 tháng và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Các học viên tham gia khóa đào tạo tại Nhật Bản sẽ được FPT Software bảo lãnh tài chính với mức vay tối đa 400 triệu đồng và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành IT với mức thu nhập tối thiểu lên đến 2.000 USD/tháng sau khi tốt nghiệp.
Tiểu Thanh
Ý kiến
()