Gia đình Vân có cơ sở sản xuất giày lâu năm ở Sài Gòn với truyền thống nhiều đời, mỗi ngày tung ra thị trường đến hàng trăm sản phẩm. Sẵn máu kinh doanh khi buôn bán một số mặt hàng mỹ phẩm trước đó, cô gái sinh năm 1996 nghĩ tại sao lại không phải là giày. Vân hỏi xin cha mẹ một số đôi để bán nhưng gia đình không đồng ý vì cơ sở chỉ nhận hàng với số lượng lớn. Trong khi đó, cô lại không có đủ tiền. Đã quyết là làm đến cùng, Vân tìm đến chính những chỗ lấy sỉ hàng của gia đình để mua lẻ 10 đôi với giá 700.000 đồng.
Không biết phải bán qua kênh nào, cô gái gõ Google các từ khóa như “giày”, “giày cao gót”,… để tìm xem đâu là nơi có thể gửi gắm giấc mơ. Hầu như tất cả kết quả đều hiện ra cái tên “Sendo.vn” đầu tiên. Vân bắt đầu loay hoay tạo tài khoản và đăng sản phẩm. Cả một ngày trời cô sinh viên Tài chính - Ngân hàng “ngồi đồng” nhìn máy tính chờ đơn hàng. Cuối cùng thì ánh mắt cũng sáng lên khi thấy đã có người mua đôi giày đầu tiên. Mọi chuyện dở khóc dở cười bắt đầu từ đây.
Khi nhân viên bưu điện đến báo lấy hàng, Vân ngớ người chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tiếp khách mà cứ tưởng như cướp giật. Cô chối đây đẩy là chẳng bán gì hết và đóng cửa. Người vận chuyển cũng tưởng mình tới nhầm nên đi luôn. Còn riêng Vân, cứ ngồi ngớ người suy nghĩ không biết địa chỉ của khách ở đâu để giao hàng. Bấm số tổng đài, Vân được thông báo sẽ có người đến nhận hàng và đem giao cho khách. Cũng là người hôm trước đến, Vân vội vàng bỏ đôi giày vào một chiếc túi nilông. Anh nhân viên tròn mắt với món hàng cô gái cầm trên tay, chỉ vào những kiện hàng gọn gàng và đẹp mắt xếp trên xe và bảo Vân phải làm như thế mới được. Cô gái cũng chẳng biết ghi mã đơn. Mọi việc đều phải qua tay anh shipper. “Gói hàng đầu tiên được bọc màu hồng với lớp băng keo màu nâu, xấu không thể tin nổi”, cô chủ nhỏ nhớ lại.
Khi đơn hàng thứ hai tiếp tục đến nhưng vẫn chưa thấy tiền từ đơn hàng trước, Vân ngập ngừng không bán ở Sendo.vn nữa. Cô gái đăng sản phẩm lên một số trang trên Facebook theo hình thức bán đấu giá. Nhờ “liều” với mức khởi điểm 0 đồng và cho giá tự do nên nhanh chóng bán được 3-4 đôi. Cũng ngay lúc này, một nhân viên Sendo.vn gọi điện thoại cho Vân và cô bắt đầu hiểu vì sao mình chưa nhận được tiền. Cô chưa kích hoạt tải khoản Senpay, cách shop nhận tiền khi kinh doanh trên chợ trực tuyến của FPT.
Gian hàng của Vân trên Sendo.vn. Vân tâm niệm, công việc kinh doanh không đơn thuần để kiếm thêm tiền, cô gái trẻ ước mơ mở rộng quy mô và tạo dựng một nơi có thể mang đến việc làm cho những người khiếm khuyết về cơ thể. |
Sau khi gặp những sự cố hài hước và không thể tưởng tượng nổi đó, cô gái trẻ bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về Sendo.vn, tham gia các nhóm người bán trên mạng xã hội để học hỏi kinh nghiệm từ mọi người. Với lợi thế giá rẻ, khoảng 75.000-100.000 đồng một đôi, các sản phẩm của Vân dần được người tiêu dùng để ý. Một thuận lợi khác là sau khi kinh doanh thời gian ngắn, cha mẹ cô quyết định mỗi lô hàng luôn làm dư vài đôi để lại cho con gái bán.
Chỉ trong vài tháng, shop Bé Vân nhanh chóng lọt vào danh sách Hoa Sen của Sendo.vn dành cho những thương hiệu được đảm bảo và đánh giá cao. Không có nhiều tiền đăng sản phẩm vào giờ vàng, Vân đã dành nhiều thời gian suy nghĩ thời điểm nào thì người tiêu dùng hay lướt web và điện thoại nhất. Vân canh giờ nghỉ trưa (11-12h) và giờ sắp tan sở (16-17h chiều) vì cho rằng đó là những khung giờ người ta rảnh rỗi và có thể sẽ tham khảo sản phẩm của mình. Và đúng vậy, Vân đã tìm được rất nhiều khách hàng trong khung giờ đó.
Phương châm kinh doanh của Vân là đặt khách hàng lên hàng đầu. Khác nhiều shop không cho phép khách kiểm tra hàng trước khi lấy, Vân chọn hình thức “đồng kiểm”, cho phép người mua xem và trả về nếu không ưng ý. “Đó là bí quyết chiếm được lòng tin nơi khách hàng”, cô gái chia sẻ. Thêm vào đó, Vân luôn nói chuyện lễ độ và tư vấn nhiệt tình khi nhận điện thoại từ bất cứ khách hàng nào, dù dễ hoặc khó tính.
Với tâm niệm “khi là người mua hàng, mình muốn người bán làm gì thì mình sẽ làm cho khách của mình y như vậy", Vân rất dễ nắm bắt nhu cầu của khách. “Điều này giúp tôi dung hoà được giữa lợi nhuận của bản thân và tình cảm của khách hàng. Mình không đặt quá nhiều tâm trí vào lợi nhuận bởi bán hàng không đơn giản là mua bán mà cũng là một mối nhân duyên đẹp”.
Thanh Vân giờ là chủ shop trong danh sách Hoa Sen trên Sendo.vn. |
Đứng ở góc độ khách để bán hàng, Vân nhiều lần tung ra những đợt khuyến mãi, tặng quà để chiếm cảm tình và hầu như lần nào cũng đều thành công. Tuy nhiên, như bất cứ người bán hàng online nào, Vân cũng gặp không ít chuyện rắc rối với những vị khách “lắm chiêu và dư thời gian”. Có người ở tận miền Bắc đặt hàng mà cố tình không lấy để cô phải chịu tiền vận chuyển. Cũng có người suốt ngày nhắn tin đòi làm quen qua các ứng dụng di động. “Tôi có một 'danh sách đen' những người chuyên phá bĩnh trong điện thoại và luôn không trả lời những cuộc gọi từ các số này”, Vân cho hay.
Theo chủ shop Bé Vân, điều quan trọng đối với bất cứ ai kinh doanh là phải có kiến thức và có tâm. Trong đó, kiến thức cần phải được trau dồi cũng cập nhật mỗi ngày và đặc biệt là cần có chữ “tâm”. “Nếu không trung thực trong mô tả sản phẩm, mập mờ hay hành xử không đứng đắn thì rất dễ xung đột hay hiểu lầm vì sự trải nghiệm của khách với sản phẩm không nhiều khi thông qua online. Từ đó thất bại là chuyện hiển nhiên”.
Doanh thu trên dưới 3 triệu đồng một tháng không phải là con số lớn nếu so với nhiều shop bán hàng online khác. Nhưng đối với một sinh viên sắp bước vào năm 3 đại học, đây quả thực là một thành công không nhỏ. Bởi ngoài việc bán hàng, Vân còn phải đến lớp và hoàn thành nhiều bài tập chuyên ngành.
Chia sẻ bí quyết để vừa học vừa kinh doanh thành công, Vân nói rằng đó là do mình phân chia thời gian hợp lý. Mọi công việc đều được lên kế hoạch từ mỗi cuối tuần. Đây không chỉ là công việc kinh doanh đơn thuần để kiếm thêm tiền, cô gái trẻ ước mơ mở rộng quy mô và tạo dựng một nơi có thể mang đến việc làm cho những người khiếm khuyết về cơ thể.
>> Sendo.vn check-in bằng Wi-fi
Tranh Sương
Ý kiến
()