Chúng ta

Nhóm Dragon Capital chi hơn 225 tỷ gom 2,4 triệu cổ phiếu FPT

Thứ tư, 26/5/2021 | 09:01 GMT+7

Nhóm quỹ Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn của FPT từ ngày 25/5, sau hoạt động mua ròng gần 2,4 triệu cổ phiếu.

Nhóm quỹ Dragon Capital vừa có báo cáo về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên đối với cổ phiếu FPT.

Theo đó, 5 quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào gần 2,4 triệu cổ phiếu FPT và 2 quỹ thành viên đã bán ra 50.000 cổ phiếu FPT. Qua đó, nâng lượng cổ phiếu FPT của cả nhóm Dragon Capital lên hơn 40 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 5,07% so với trước đó là hơn 37,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ gần 4,77%).

Cụ thể, quỹ thành viên Amersham Industries Limited mua 434.700 cổ phiếu, CTBC Vietnam Equity Fund mua 700.000 cổ phiếu, Hanoi Investments Holdings Limited mua 120.000 cổ phiếu, Saigon Investments Limited mua 25.000 cổ phiếu và quỹ Wareham Group Limited mua nhiều nhất mua hơn 1 triệu cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, 2 quỹ bán ra là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (20.000 cổ phiếu) và KB Vietnam Focus Balanced Fund (30.000 cổ phiếu).

Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital là ngày 21/5. Ngày nhóm Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn của FPT là ngày 25/5. So sánh giá, ước tính nhóm quỹ Dragon Capital đã chi ra khoảng 225 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại FPT trong đợt này. Trong đó, riêng quỹ Wareham Group Limited đã chi ra khoảng 103 tỷ đồng để mua vào 1.095.000 cổ phiếu FPT trong đợt mua ngày 21/5.

2021-05-26-085511-9030-1621994449.png

Biến động cổ phiếu FPT trong 6 tháng.

Hiện, VEIL là quỹ thành viên của Dragon Capital đang nắm giữ lượng cổ phiếu FPT lớn nhất với gần 12,3 triệu cổ phiếu; tiếp sau là Norges Bank nắm giữ hơn 5,8 triệu cổ phiếu; Wareham Group Limited nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu và Amersham Industries Limited nắm hơn 4,1 triệu cổ phiếu. 

Chốt phiên hôm qua (ngày 25/5), cổ phiếu FPT tăng nhẹ lên 93.800/1 cp so với mức giá 93.500 đồng ở phiên thứ Hai.

Tính từ đầu năm, cổ phiếu FPT có mức tăng ấn tượng gần 60% (phiên đầu tiên của năm là ngày 4/1, cổ phiếu FPT mở sàn với giá tham chiếu 59.100 đồng. So cùng kỳ 1 năm trước, mã FPT ghi nhận mức tăng gần 100% (giá ngày 21/5/2020 là 48.270 đồng).

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng vừa công bố khuyến nghị mua vào cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT khi công ty này công bố kết quả kinh doanh 4 tháng năm 2021 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 20% so với cùng kỳ..

Theo đó, 4 tháng năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18% với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ - chủ yếu được thúc đẩy bởi 3 mảng kinh doanh cốt lõi của công ty: Xuất khẩu phần mềm, Dịch vụ viễn thông và Giáo dục. Nhìn chung, kết quả kinh doanh này phù hợp với kỳ vọng của VCSC.

Mới đây (ngày 18/5), HĐQT FPT ban hành nghị quyết thông qua phương án chia cổ tức còn lại năm 2020. Theo đó, cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới. Với 789,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT sẽ phát hành thêm 118,37 triệu cổ phiếu mới.

Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2020 và ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ cổ phiếu là 2/6/2021.

Trước đó, 20% cổ tức bằng tiền mặt đã được tạm ứng trong năm 2020 và đầu năm 2021.

>> Cổ phiếu FPT lên ‘đỉnh’, vốn hóa lần đầu vượt 3 tỷ USD

Tân Thuận

Ý kiến

()