Chúng ta

‘Nguồn lực FPT là chất xám của thanh niên Việt Nam’

Thứ sáu, 4/7/2014 | 08:44 GMT+7

“Chỉ riêng mảng xuất khẩu phần mềm năm 2013 của FPT cũng mang về cho Việt Nam hơn 100 triệu USD. Nếu chúng ta biết phát huy nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể phát triển kinh tế nhanh và bền vững mà không cần đụng đến tài nguyên quốc gia”, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh do Forbes tổ chức.
> Tỷ phú Marc Faber: ‘Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào FPT’

Chiều ngày 3/7, Forbes Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh doanh năm 2014 với chủ đề “Việt Nam - Cơ hội mới” tại TP HCM. Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng 400 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là diễn đàn để lãnh đạo các doanh nghiệp thảo luận, khám phá những cơ hội đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp.

d

Phiên thứ ba có chủ đề "Mở rộng vốn và đầu tư vào đổi mới" có 5 diễn giả, trong đó có anh Bùi Quang Ngọc (ngoài cùng bên phải).

Diễn đàn có ba phiên thảo luận, gồm: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Vượt lên dẫn đầu; Mở rộng vốn và đầu tư vào đổi mới. TGĐ FPT là diễn giả của phiên thứ ba cùng ông Fred Burke, CEO Baker & Mckenzie; ông Mark Chang, CEO Jobstreet.com; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG; ông Giản Tư Trung, Nhà sáng lập Viện PACE. Ông Nguyễn Bảo Hoàng, CEO IDG Venturess Vietnam, là người điều phối.

Trong chủ đề này, các diễn giả đã tập trung bàn giải pháp làm thế nào tiếp cận các nguồn vốn với chi phí tổi thiểu mà vẫn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững như tái cấu trúc những mảng kinh doanh để gọi vốn, tìm những đối tác chiến lược và nhà đầu tư mới thông qua M&A hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

“Rất nhiều doanh nhân chia sẻ câu chuyện khó khăn về tiếp cận nguồn lực. Vậy mấy chục năm qua, lãnh đạo FPT đã xoay sở như thế nào. Đề nghị CEO FPT chia sẻ câu chuyện thiết lập và tạo nguồn lực của tập đoàn”, ông Nguyễn Bảo Hoàng đặt câu hỏi với anh Ngọc.

d

Doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng, người điều phối phiên thảo luận, đề nghị CEO FPT chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nguồn lực.

“Chúng tôi là những người chuyên làm về dịch vụ Công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), nên đa phần tập trung vào việc sử dụng nguồn lực là trí tuệ của thanh niên Việt Nam, đất nước 90 triệu dân và nền giáo dục đang trong giai đoạn phát triển nên có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ. Đây là cơ hội để chúng tôi phát triển thị trường ngách về dịch vụ viễn thông. FPT cũng đẩy mạnh việc xuất khẩu công nghệ thông tin ra nước ngoài”, CEO FPT khẳng định.

Lấy ví dụ về ngành dịch vụ Mỹ đóng góp đến 60% vào nền kinh tế hay như Thái Lan phát triển mạnh du lịch trong khi cảnh quan thiên nhiên kém xa Việt Nam, theo anh Ngọc, ở nước ta hiện nay phát triển sản xuất nhiều nhưng đóng góp cho nền kinh tế chưa được là bao, “kể cả nông sản, khoáng sản Việt Nam cũng phần lớn là xuất thô”.

“FPT đang có hơn 6.000 kỹ sư phục vụ cho việc cung ứng các dịch vụ CNTT-VT cho Việt Nam và xuất khẩu. Chỉ riêng mảng xuất khẩu phần mềm năm 2013 cũng mang về cho Việt Nam hơn 100 triệu USD. Nếu chúng ta biết phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể phát triển kinh tế nhanh và bền vững mà không cần đụng đến tài nguyên quốc gia”, anh Ngọc dẫn chứng.

2-648232-1413026377.jpg

Từ dẫn chứng của FPT, anh Ngọc cho rằng Việt Nam có thể chú trọng dùng nguồn lực con người thay cho tài nguyên thiên nhiên.

Theo CEO FPT, trong ngành công nghệ thông tin, nhất là dịch vụ online, luôn cần rất nhiều vốn cho việc nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra sản phẩm mới. “Thời gian qua, để có nguồn tài chính cho đầu tư, chúng tôi đã hợp tác với một đối tác Nhật Bản để cùng đầu tư về thương mại điện tử ( Sendo.vn). Hoặc mới đây nhất, FPT đã sáp nhập ( M&A) một công ty dịch vụ thông tin của châu Âu để phục vụ cho thị trường Đức”.

“Qua những dẫn chứng trên, tôi muốn khẳng định rằng, để khai thác các thị trường, hoặc chúng ta có thể sử dụng nguồn nội lực ngay tại Việt Nam, hoặc dùng nguồn đầu tư của nước ngoài và nguồn vốn ấy có thể hoàn trả nhanh chóng mà không dùng đến tài nguyên quốc gia”, anh Ngọc nhấn mạnh và cho rằng thực tế ấy đặt ra bài toán là Chính phủ có chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển công nghiệp dịch vụ và hỗ trợ các nguồn lực để doanh nghiệp cùng gia tăng tỷ trọng về dịch vụ.

Các chuyên gia trong phiên thảo luận cũng cho rằng, Chính phủ phải có chính sách tạo ra cú hích cho doanh nghiệp tư nhân phát triển như: Điều tiết nguồn vốn, nguồn tài nguyên cho hợp lý, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp. Việt Nam phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế.

Tại Diễn đàn, các đại biểu có những nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, cụ thể như: Những triển vọng của nền kinh tế, GDP dự kiến, mức lạm phát, lãi suất, chính sách tiền tệ, tài khóa, những thách thức còn tồn tại và cơ hội phía trước. Trong đó, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán mức tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt nam có thể đạt 5,5-5,6%, lạm phát dưới 5,5%.

Phát biểu trong phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch đặt ra mục tiêu cao hơn cho giai đoạn 2016-2020 và mong muốn các doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Chính phủ để đạt mục tiêu này.

s

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc.

“Việt Nam đặt tham vọng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thay đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, đồng thời cải cách mạnh mẽ về y tế, giáo dục…”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài chính là sứ giả cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Ông Rich Karlgaard, Phụ trách xuất bản và chủ bút chuyên mục Sáng tạo của Tạp chí Forbes Toàn cầu, cho rằng, mục đích đầu tiên của doanh nghiệp là tạo ra hạnh phúc. Doanh nghiệp nào sáng tạo sẽ tạo được khác biệt, sự sáng tạo cần được duy trì lâu dài chứ không thể theo đợt. Các công ty phát triển tốt không bao giờ lãng phí thời gian và không ngừng sáng tạo. “Các doanh nghiệp muốn thành công dài hạn cần tạo dựng niềm tin, kích thích nhân viên chia sẻ ý tưởng song song với việc biết đề cao việc giáo dục, đào tạo cho nhân viên; chú trọng tinh thần đồng đội, tổ chức các đội nhóm”, ông Karlgaard chỉ bí quyết.

Sau khi kết thúc Diễn đàn, đại diện lãnh đạo FPT tham dự lễ kỷ niệm một năm ngày Forbes xuất bản ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam.

Nguyên Văn

Ý kiến

()