Sáng ngày 8/11, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Hiệp hội bán dẫn Semi, UBND TP Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức Diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á”.
Với hệ sinh thái FPT chip inside, FPT không chỉ mang đến cho diễn đàn những giải pháp công nghệ tiên tiến mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và kinh tế của Việt Nam. Thời gian tới, hệ sinh thái này hứa hẹn sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của nền bán dẫn Việt Nam.
Hệ sinh thái FPT làm mới tham vọng và viết tiếp giấc mơ
Lĩnh vực bán dẫn đã phát triển ở Việt Nam trong một khoảng thời gian tương đối dài. Gần 30 năm trước, Việt Nam đã có nhà máy bán dẫn đầu tiên mang tên Z181, hiện được gọi là Công ty Điện tử Sao Mai.
Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất được đầu tư dây chuyền công nghệ đồng bộ từ Nhật Bản và các nước Tây Âu để nghiên cứu và sản xuất vật liệu bán dẫn và linh kiện điện tử như transistor, điện trở, diode và các linh kiện khác phục vụ cho đài phát thanh và radar.
Thế nhưng, tới cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 thế kỷ trước, do biến động chính trị thế giới khiến việc sản xuất, đóng gói chip vi mạch của nhà máy Z181 đã phải dừng lại.
“Chúng tôi muốn làm mới lại tham vọng và viết tiếp giấc mơ mà thế hệ cha ông đã từng làm”, anh Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, chia sẻ tại diễn đàn.
Anh Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor. |
Giám đốc FPT Semiconductor cho biết, vào khoảng năm 2000, nhiều công ty sản xuất bán dẫn nước ngoài đã đến Việt Nam như NLC, Renesas, Microchip, Ampere… Bên cạnh đó, ICDREC là công ty nội địa đầu tiên làm thiết kế chip, hay còn được gọi là mạch tích hợp (integrated circuit - IC) .
Riêng đối với FPT, anh Nguyễn Vinh Quang cho hay, công ty đã bắt đầu thiết kế IC từ năm 2014. Đến năm 2022, công ty FPT Semiconductor chính thức được thành lập.
“Hiện nay, Viettel và FPT là hai công ty Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế IC. Viettel tập trung vào 5G, còn chúng tôi tập trung vào PMIC (mạch tích hợp quản lý năng lượng)”, anh Quang phát biểu.
Giải thích lý do FPT lựa chọn PMIC và IC nguồn, lãnh đạo FPT Semiconductor cho biết, tất cả các thiết bị điện tử hiện nay đều cần nguồn điện, PMIC và IC nguồn. PMIC được ví như trái tim của một hệ thống, cung cấp năng lượng từ pin đến toàn bộ hệ thống, giống như tim bơm máu đi khắp cơ thể.
Theo anh Quang, thị trường này rất lớn, ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa chuỗi sản xuất thay vì phụ thuộc quá nhiều Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt trong sản xuất các thiết bị điện tử.
“Tham vọng lớn của chúng tôi là trở thành công ty thiết kế IC số một tại Đông Nam Á. Không chỉ dừng lại ở PMIC, sắp tới sẽ là chip AI. Tập đoàn FPT đặt mục tiêu đào tạo 10.000 nhân sự cho ngành bán dẫn Việt Nam và thế giới”, Giám đốc FPT Semiconductor nhấn mạnh. “Đây là sứ mệnh của chúng tôi, theo đuổi giấc mơ của thế hệ trước và trở thành công ty Việt Nam xuất khẩu chip ra toàn thế giới”.
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, Tập đoàn FPT giới thiệu đến công chúng hệ thống Đào tạo Thiết kế Vi mạch Bán dẫn Quốc tế FPT Jetking cùng chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Chương trình xây dựng bởi Tổ chức giáo dục FPT và Jetking - Học viện có 77 năm kinh nghiệm tại Ấn Độ. Theo học chương trình này, sinh viên được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao về ngành thiết kế vi mạch bán dẫn và nhận bằng Higher Diploma in Chip Designing (HDICD) có giá trị toàn cầu.
FPT cũng giới thiệu chuyên ngành Công nghệ bán dẫn tại Cao đẳng Anh quốc BTEC FPT trong 2 năm - 6 kì chuyên ngành. Theo học, sinh viên được trang bị kiến thức về bán dẫn để tự tin làm việc trong môi trường đa quốc gia.
Anh Nguyễn Quang Vinh giới thiệu với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và đại biểu về hệ sinh thái FPT chip inside. |
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế và công nghệ của Việt Nam. Việt Nam đang tập trung phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, tập trung vào lĩnh vực thiết kế vi mạch và đóng gói, kiểm thử.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định rằng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi công nghệ toàn cầu ngày càng tiến bộ.
Đ.A
Ý kiến
()