Hà Dũng Hiệp, giảng viên FPT Arena có 15 năm hoạt động rộng rãi ở nhiều lĩnh vực của hai ngành Mỹ thuật và Đồ họa, là người đứng lớp chia sẻ tại khóa học đồ họa chữ cho sinh viên. Anh trao đổi với Chúng ta về điểm khác biệt của khóa 7 về đồ họa chữ:
Thầy Hà Dũng Hiệp tốt nghiệp khoa Đồ họa - Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. |
- Khóa học về đồ họa chữ sắp khai giảng vào tháng 1/2015 có gì khác biệt so với 6 khóa trước?
- Workshop lần này khác hẳn các khóa trước ở chỗ cung cấp phương pháp làm việc thông qua thực hành chứ không phải lý thuyết suông, dù kiến thức vẫn sẽ chiếm một phần không nhỏ vì được truyền tải dần qua 10 buổi làm việc.
- Với những người khởi điểm từ con số 0 về đồ họa có thể tham gia khóa học này ra sao, thưa anh?
- Đồ họa chữ vô cùng sâu rộng và chẳng ai có thể nói mình đã hiểu biết, thế nên, khóa học này dành cho mọi người. Do nó cung cấp phương pháp hơn là kiến thức nên hiệu quả của hội thảo phụ thuộc vào công sức đầu tư làm việc, không quan trọng trước đó học viên đã có gì.
- Anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của đồ họa chữ trong xu hướng thiết kế hiện nay và nhận định gì về kiến thức Typography của các học viên cũng như nhà thiết kế trẻ?
- Nếu những giá trị khác biệt làm hình thành giá trị thương hiệu, giá trị thiết kế, thì đồ họa chữ là trang phục trên cơ thể đó. Dùng chữ không phù hợp nguyên lý hoặc quá nhiều kiểu chữ cũng giống ăn mặc như một mannequin, không đem lại giá trị khác biệt và có thể phá hỏng hình ảnh, thông điệp ban đầu.
Đồ họa chữ không còn là trò chọn font hay vẽ chữ bay nhảy thuần túy, nó chính là nội dung của truyền thông. Nhà thiết kế trẻ hiện nay dùng chữ đã có ý thức hơn trước, nhưng bị phụ thuộc nhiều vào nguồn font, ít đầu tư nghiên cứu hoặc có tham khảo nhưng chủ yếu qua kênh “chạm lướt” kiểu smartphone. Để hiểu và tự đi được xa thì phải bắt đầu thực hành từ những gì cơ bản nhất.
- Vậy các khóa của FPT Arena có gì khác biệt so với các lớp trên thị trường?
- Điều khác biệt là khóa học hướng đến các phương pháp phân tích triệt để về cấu trúc chữ và nguyên lý thị giác, từ đó người học tự triển khai vào nội dung hình ảnh cần truyền tải, ứng dụng được ngay trong mọi công việc của truyền thông bằng hình ảnh.
- Theo anh, thiết kế nói chung và Typo nói riêng trong năm 2015 sẽ phát triển theo chiều hướng nào?
- Tôi không để ý nhiều, vì tôi không để mình chạy theo xu hướng. Nhưng những phương pháp phân tích trong khóa học có thể giúp học viên “giải cấu trúc” của mọi xu hướng với mọi sản phẩm, nghĩa là trang bị cách thức để tìm ra sản phẩm đó cần giải pháp chữ hoặc hình ảnh cụ thể như thế nào. Nói to tát là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
- Anh là người đồng hành với khóa học đồ họa chữ từ những ngày đầu (từ khóa 1-6). Vậy lần này anh có gì mới, khác biệt để không bị cũ?
- Thực ra mỗi workshop Typeace đều không có hai phiên bản nào giống nhau cả về format và nội dung. Bản thân tôi cũng không chịu được việc lặp lại nguyên bài giảng của mình. Nhưng lần này tôi muốn các học viên khám phá ra cái mới từ chính bản thân các bạn ấy, chứ không phải từ tôi.
Tiếp nối thành công 6 khóa trước, FPT Arena tiếp tục tổ chức khóa học đồ họa chữ bắt đầu từ ngày 5/1/2015. So với những khóa học trước, khóa 7 này có nhiều điểm mới như được hiểu cấu trúc bảng ký tự, định vị và phân cấp mức độ truyền tải hình ảnh, biết những bất cập trong thi công, sản xuất. Giảng viên của khóa học này là anh Hà Dũng Hiệp - Phụ trách đào tạo tại FPT Arena - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thiết kế đồ họa. Khóa học kéo dài 10 buổi, được tổ chức vào tối thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần tại FPT Arena Hà Nội. Học phí khóa học là 2,2 triệu đồng. Đồ họa chữ - Typography ngày càng thể hiện tầm quan trọng trong xu thế truyền thông hình ảnh. Nhưng một thiết kế chữ bắt mắt không phải lúc nào cũng truyền tải nội dung đúng đắn, thậm chí có thể làm hỏng giá trị văn hóa, thẩm mỹ và tính chuyên nghiệp. Chính vì thế, FPT Arena đã tổ chức khóa học này để giới thiệu về đồ họa chữ cho sinh viên và người quan tâm đến thiết kế. |
Việt Anh thực hiện
Ý kiến
()