Chúng ta

Làm video viral 'bá đạo' như FPT Shop: vốn ít, view khủng

Thứ ba, 1/1/2019 | 15:01 GMT+7

"Mấu chốt nằm ở kịch bản: không-đoán-trước-được", Trưởng phòng Truyền thông của FPT Shop bật mí. Nhờ bí quyết “đánh lừa” người xem này, nhiều video FPT Shop tự sản xuất chỉ tốn vài triệu đến vài chục triệu đồng nhưng có thể đạt hàng chục triệu views. 

Vài năm gần đây, ngành quảng cáo chứng kiến sự "bùng nổ" nội dung trên digital (nền tảng số), quảng cáo video xuất hiện nhiều và đa dạng, và FPT Shop cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Nhưng làm ra những “viral clip” (video lan tỏa) có thể lan truyền đúng nghĩa trên mạng xã hội - để người dùng tự chia sẻ, tự lan truyền chứ không cần đổ nhiều tiền chạy quảng cáo - không hề dễ. 

IMG-8477-JPG-7395-1546333454.jpg

Trưởng phòng Truyền thông FPT Retail - chị Nguyễn Bích Hạnh.

Thông thường, một video quảng cáo thường ngốn của các nhãn hàng hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để sản xuất và quảng bá. Tuy nhiên, một video quảng cáo của FPT Shop chỉ tốn vài đến vài chục triệu đồng với việc thực hiện in-house (dịch chuyển hoạt động sáng tạo truyền thông vào bên trong doanh nghiệp) từ ý tưởng đến việc thực hiện. Thậm chí, có video chỉ tốn vỏn vẹn 3,6 triệu đồng để sản xuất. 

Dù chi phí thấp, các video của FPT Shop đạt lượt xem đáng mơ ước và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Có video nhóm thực hiện đã đạt kỷ lục gần… 60 triệu lượt xem. Một năm, team PR của FPT Shop có thể “đều đều” ra mắt 8-10 video viral, thường ở dạng phim ngắn hay MV ca nhạc, với độ dài dưới 10 phút, có tính giải trí cao. 

Khởi đầu thành công bất ngờ

Theo chị Nguyễn Thị Bích Hạnh - Trưởng phòng Truyền thông của FPT Retail, người đứng sau chuỗi video viral của FPT Shop, sản phẩm truyền thông in-house đầu tiên “viral” trong một lần nhóm "vô tình" cắt ghép lại các đoạn clip từ phim học đường do FPT Shop tài trợ. Một MV với cốt truyện mới lạ đã ra đời và nhanh chóng đạt mốc một triệu views.

Thừa thắng xông lên, FPT Shop bắt đầu tự sản xuất in-house các video quảng bá. Đến nay, bên cạnh những video thuê agency (hãng chuyên sản xuất video quảng cáo) thực hiện hoàn toàn, video viral tự sản xuất đã trở thành những sản phẩm truyền thông quen thuộc của nhà Bán lẻ. 

MV 'Như một giấc mơ' đạt 57 triệu view với chi phí sản xuất 60 triệu đồng:

Bí quyết tạo “viral”

Để thu hút sự chú ý trên nền tảng số, không ít doanh nghiệp sử dụng nội dung hài, độc, lạ, thậm chí lố lăng, phản cảm. Tuy nhiên, nữ Trưởng phòng PR của FPT Shop luôn tâm niệm không “viral” bằng mọi cách. "Mấu chốt nằm ở ở kịch bản. Kịch bản phải không-đoán-trước-được", chị Hạnh tiết lộ. Nói cách khác, phải “đánh lừa người xem” cho bằng được. Yếu tố tiên quyết nằm ở chỗ video nếu hay, không cần đổ tiền chạy quảng cáo cũng có thể được lan truyền nhanh chóng.

Cụ thể, phòng PR tự lên ý tưởng và viết kịch bản với những nút thắt bất ngờ, vượt xa trí tưởng tượng của người xem: tưởng nhân vật này là vai chính nhưng thật ra là vai phụ, tưởng nhân vật này đã chết nhưng cuối cùng lại là người khác... 

Người phụ trách PR của FPT Shop mong muốn khi khán giả xem xong phải thốt lên: “Chịu thua với mấy ông thần FPT Shop!”; “Ơ, hóa ra là mình đoán sai à!”. Một khi xem video mà cảm giác "Bị một cú lừa ngoạn mục" như vậy, người xem sẽ "ấm ức", cứ nghĩ đến lý do tại sao, và qua đó nhớ đến sản phẩm của thương hiệu, bởi mấu chốt luôn nằm ở sản phẩm đang muốn quảng cáo của FPT Shop, chị Hạnh bật mí các bình luận của người xem luôn khiến team PR phấn khích.

Phim ngắn "Giải cứu vai chính" đánh lừa người xem vào phút chót:

Linh hoạt trong thực hiện

Bên cạnh nội dung độc đáo, cách thực hiện video viral của FPT Shop cũng khá sáng tạo và linh hoạt. Về sản xuất, phòng PR trực tiếp thực hiện 100% hoặc hợp tác với các nhóm làm phim để sản xuất. "Có những phim team tự quay luôn. Còn có phim thì giao ý tưởng, kịch bản cho các nhóm làm phim đảm nhận 50% công việc sản xuất", chị Bích Hạnh cho hay. 

Có nhiều video FPT Shop tự sản xuất từ A đến Z với chi phí rất thấp. Trong đó, team PR tự quay bằng máy không chuyên. Người dựng phim thì không ai khác chính là… Trưởng phòng PR. Còn các thành viên của phòng PR thì năng nổ tham gia làm…diễn viên quần chúng. "Video mà thuê agency đâu có thể vài chục triệu được. 200 - 300 triệu là thấp nhất", Trưởng phòng PR FPT Shop tiết lộ.

2019-01-01-144018-7541-1546329318.jpg

Video 'Như một giấc mơ" chỉ tốn chục triệu đồng nhưng đạt 58 triệu views nhờ kịch bản đánh lừa người xem.

Một ví dụ khác về sự linh hoạt trong sản xuất video của FPT Shop được tạm gọi là "quảng cáo trong quảng cáo". Chẳng hạn, khi cần sử dụng một chiếc tàu làm bối cảnh quay phim, team FPT Shop tìm cách để "mượn" tàu: thay vì trả chi phí thuê tàu, logo của con tàu sẽ được xuất hiện trong video quảng cáo của FPT Shop. Với uy tín và sự nổi tiếng của FPT, những thỏa thuận hợp tác dường như không gặp khó khăn.

Trưởng phòng PR FPT Shop cho hay: "Nếu bỏ 50 triệu đồng ra để thuê tàu để quay, phim mà không thành công, chắc bị “bắn bỏ” rồi. Chi phí thấp mà ra hiệu quả cao thì mới đáng". 

Chị nói thêm: "Việc kết hợp với các thương hiệu còn ý nghĩa là kết hợp co-branding với các thương hiệu lớn. Ví dụ, người xem sẽ có cảm nhận rõ hơn về một FPT Shop cao cấp khi xuất hiện cùng với một hãng tàu 5 sao hay một hãng xe cao cấp".

Phim ngắn “Chuyến tàu sinh tử” kết hợp sản xuất với đạo diễn Đinh Công Hiếu:

Tự làm viral clip cần cẩn trọng trong từng chi tiết

Trên thực tế, không thể không nhắc đến những rủi ro có thể xảy đến với thương hiệu nếu đội ngũ in-house để “sẩy chân” trong làm nội dung. Ví dụ, Pepsi và Dove đã từng có một bài học làm truyền thông in-house đầy khó khăn, khi agency in-house của họ tung quảng cáo Jump In và quảng cáo sữa tắm Dove bị lên án vì phân biệt chủng tộc. 

Ý thức được điều đó, FPT Shop rất cẩn trọng trong việc thực hiện video: từ từng chi tiết trong kịch bản đến khi thực hiện cảnh quay, đề phòng mọi phản ứng tiêu cực. Mục tiêu cuối cùng của các video là tăng độ nhận biết, giới thiệu sản phẩm, thông qua đó tăng sự yêu mến với thương hiệu.

IMG-7169-JPG-4488-1546333454.jpg

Team PR của FPT Retail.

Tùy thuộc chiến dịch và ngân sách truyền thông, FPT Shop sẽ có những lựa chọn thích hợp. "Trong trường hợp công ty cần chạy chiến dịch lớn, agency chuyên nghiệp luôn là lựa chọn số một", chị Hạnh cho hay. Do đó, FPT Shop vẫn hợp tác với agency, cũng như duy trì truyền thông trên các kênh truyền thống với quy trình quảng cáo truyền thống.

Nữ Trưởng phòng PR kỳ vọng, với sức sáng tạo, sự năng động, cùng tâm huyết làm việc với văn hóa phục vụ và ba giá trị cốt lõi mà Chủ tịch FPT Retail đưa ra (Tận tâm với khách hàng - Trung thực và nhận trách nhiệm - Đoàn kết và hỗ trợ đồng đội), thương hiệu FPT Shop sẽ ngày càng đến gần với khách hàng và gặt hái nhiều thành công hơn trong tương lai.

Tính đến hết năm 2017, Phòng Truyền thông của FPT Shop đã thực hiện khoảng 8 phim và 2 video quảng cáo. Từ những phim này tiếp tục dựng thành 30 video quảng cáo khác nhau, thu hút tổng số hơn 100 triệu lượt xem. Đặc biệt, những sản phẩm này còn được xếp vào ‘Top 5 xu hướng marketing mà doanh nghiệp cần phải biết’ của CafeBiz và Brand Vietnam.

Năm 2016, TVC Sợ yêu đầu tiên đạt giải "Clip quảng cáo được yêu thích nhất" trong lĩnh vực Dịch vụ của cuộc thi TVC Awards 2016 do báo Thanh Niên tổ chức. Tiếp nối series này, năm 2017, MV Như một giấc mơ đạt ngưỡng 10 triệu lượt xem trên kênh Youtube sau hơn một tháng ra mắt.

>> Chị Nguyễn Bạch Điệp gửi tâm thư xác định tôn chỉ nhà Bán lẻ

Hà An

Ý kiến

()