Chúng ta

Kế hoạch M&A trị giá 100 triệu USD và tham vọng AI tốn kém của FPT

Thứ hai, 15/1/2024 | 16:09 GMT+7

Trong quá khứ, chiến lược M&A của FPT tỏ ra hiệu quả khi trở thành bàn đạp giúp tập đoàn này tiến ra nước ngoài. Nhưng tương lai, tập đoàn công nghệ Việt Nam có lẽ sẽ phụ thuộc trí tuệ nhân tạo.

-8904-1705309615.jpg

CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn chia sẻ tại lễ công bố Hành trình tỷ USD từ thị trường nước ngoài.

Theo CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ dành 100 triệu USD để đầu tư cho M&A. Thực tế M&A là một trong những chiến lược được FPT sử dụng hiệu quả trong nhiều năm qua, để có thể mở rộng nhanh chóng tại các thị trường bên ngoài Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2014, FPT mua lại RWE IT Slovakia (công ty thành viên của tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu - RWE). Tháng 7/2018, FPT công bố thâu tóm 90% cổ phần Intellinet - một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. 

Khi ấy, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định thương vụ mua lại “giúp FPT nhanh chóng có đội ngũ tư vấn chiến lược công nghệ” và có khả năng cung cấp dịch vụ chuyển đổi số tổng thể cho khách hàng toàn cầu.

Đến tháng 10/2022, FPT tiếp tục công bố thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS - nằm trong top 20 công ty công ty tư vấn chuyển đổi số tại Nhật. Năm ngoái, FPT thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ M&A, trong đó có việc mua lại mảng công nghệ của Intertec International và đầu tư vào Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI. Gần nhất, FPT cho biết mua lại thành công Cardinal Peak - một công ty công nghệ có tuổi đời hơn 20 năm tại Mỹ.

Nhờ M&A, trong những năm qua FPT đã đẩy mạnh mảng xuất khẩu  phần mềm, tiến ra những thị trường có tính cạnh tranh cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay châu Âu.

Năm 2023, FPT cán mốc 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ cung cấp công nghệ thông tin cho các thị trường nước ngoài, con số được Chủ tịch Trương Gia Bình ví von là “cả cuộc đời, cả thanh xuân của chúng tôi”.

Theo chia sẻ mới nhất, ngoài chiến lược M&A, năm 2024, FPT cũng sẽ mở rộng đầu tư sang các mảng công nghệ mũi nhọn như AI, bán dẫn, phần mềm ô tô,… Trong đó sẽ đầu tư 300 tỷ đồng vào trí tuệ nhân tạo.

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa đánh giá, với trí tuệ nhân tạo, FPT đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn và rủi ro cũng không hề nhỏ. Đó là rủi ro về nhân lực bởi thị trường AI đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn.

-6556-1705309615.jpg

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa: “FPT có những con số, giấc mơ đầy hoài bão, mọi người không tin nhưng chúng tôi đều chinh phục được. 

Trong khi đó, FPT cũng có lợi thế khi tham gia vào lĩnh vực này, có thể phát triển theo hai hướng đưa AI vào cuộc sống và đưa AI vào các sản phẩm của FPT. Chẳng hạn, FPT đang có dự án làm âm thanh cho ô tô sử dụng AI. Trí tuệ nhân tạo có thể phân tích chất lượng và cung cấp âm thanh như một “dàn nhạc giao hưởng” bên trong một chiếc xe hạng sang. Mục tiêu của FPT là nhúng AI vào mọi sản phẩm dịch vụ để nâng cao chất lượng, năng suất, tính cơ động.

Do đó không chỉ là 300 tỷ đồng ban đầu mà theo anh Trương Gia Bình, trong tương lai sẽ cần hàng tỷ USD để xây dựng trung tâm siêu máy tính về AI. Anh Bình dẫn chứng Malaysia đã đầu tư 4,2 tỷ USD để xây nhà máy trí tuệ nhân tạo.

Ngoài AI, FPT cũng đặt kế hoạch trở thành nhà cung cấp dịch vụ chip trong khu vực, đồng thời đặt ra mục tiêu cán mốc 1 tỷ USD doanh thu cho lĩnh vực automotive vào năm 2030.

Với mảng hạ tầng viễn thông, FPT cho biết sẽ mở rộng cáp quang kết nối quốc tế. Theo Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, dự kiến ba năm nữa cáp quang biển Asia Link Cable sẽ được đưa vào khai thác.

Asia Link Cable là tuyến cáp quang biển có chiều dài khoảng 6.000 km, kết nối nhiều địa điểm tại khu vực châu Á như Hong Kong, Hải Nam (Trung Quốc), Luna, Bauang (Philippines), Tungku (Brunei) và Changi (Singapore). FPT Telecom tham gia đầu tư với số tiền 87 triệu USD.

Hiện FPT đang khai thác thêm cáp quang đất. 

Năm 2024, tập đoàn cũng sẽ áp dụng công nghệ Wi-Fi 6 và Wi-Fi 7, đầu tư cho truyền hình để đem lại trải nghiệm khác biệt. Đồng thời mở rộng trung tâm dữ liệu cung ứng năng lực hạ tầng cho FPT không chỉ tại Việt Nam mà cả ở thị trường nước ngoài.

“Trên hành trình trở thành công ty toàn cầu, FPT sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng và đối tác trong những trận đánh lớn quy mô hàng triệu USD. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các chuyên gia công nghệ chất lượng cao và đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phức tạp, có tiềm năng tăng trưởng cao như phần mềm ô tô, chăm sóc sức khỏe, tài chính ngân hàng, năng lượng… 

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tích hợp AI vào trong tất cả các dịch vụ và giải pháp của mình để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng linh hoạt, chất lượng và rút ngắn thời gian đáp ứng cho khách hàng trên thế giới”, CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn, nói.

Năm 2023 chứng kiến một năm bùng nổ các hoạt động M&A của Tập đoàn trên toàn cầu. 4 thương vụ mua bán, sáp nhập trong năm qua góp phần mở ra các hướng kinh doanh mới, nhiều tiềm năng cho Tập đoàn, đồng thời giúp tiếp cận các tệp khách hàng lớn có sẵn của các công ty được mua lại.  

• Ngày 28/2: Công bố mua lại toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services) của Intertec International (Mỹ).  

• Ngày 4/10, tại sự kiện FPT Techday 2023, FPT và Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ ký kết hợp tác chiến lược để phát triển kinh doanh và nguồn nhân lực ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.  

• Ngày 6/11, FPT công bố vụ mua Cardinal Peak - công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ.  

• Ngày 6/12, FPT công bố mua 80% cổ phần của AOSIS - công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Pháp. Thương vụ nằm trong chiến lược mở rộng hiện diện toàn cầu và đặc biệt là tạo dấu ấn về năng lực cạnh tranh về công nghệ tại châu u của FPT, nhắm đến mục tiêu mở rộng cơ hội kinh doanh, nhóm khách hàng tại thị trường này.  

Theo Vietnam Biz

Ý kiến

()