Chúng ta

Hoa hậu FPT Software làm Giám đốc thị trường châu Âu

Thứ ba, 7/3/2017 | 13:06 GMT+7

Anh Lê Hồng Hải, Hoa hậu FPT Software 2015, nguyên PGĐ FSU1, được bổ nhiệm là Giám đốc phụ trách thị trường châu Âu với mục tiêu doanh số đạt hơn 35 triệu USD trong năm 2017.

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến vừa quyết định phê duyệt cơ cấu tổ chức công ty năm 2017 với một số thay đổi. Cụ thể, khối OB (Oversea Business - thị trường nước ngoài) gồm 4 thị trường cơ bản: Nhật Bản (bao gồm Nhật và Hàn Quốc), Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương (các nước mới nổi gồm Việt Nam, Myanmar… cũng được gộp vào thị trường này).

Khối OB có một quản lý mới là anh Lê Hồng Hải, nguyên PGĐ FSU1, được bổ nhiệm là Giám đốc phụ trách thị trường châu Âu - FPT EU. Các Giám đốc còn lại gồm: Anh Bùi Hoàng Tùng, CEO FPT USA; anh Trần Đăng Hòa, GĐ FPT Japan; và anh Hoàng Mạnh Hà, GĐ FSU1 kiêm nhiệm GĐ FAP (Văn phòng tại Singapore, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

eu-1_1488517943.jpg

Tân Giám đốc FPT châu Âu Lê Hồng Hải (trái) và TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh cùng cắt bánh nhân dịp khai trương văn phòng mới tại Đức.

Năm 2015, khi là Giám đốc FSU1.BU2, anh Hải và đồng nghiệp đã đưa đơn vị cán mốc tăng trưởng 70% so với 2014, mở ra nhiều hướng kinh doanh và khách hàng mới. Thành tích này giúp anh giành được cú đúp Hoa hậu FPT Software 2015 và Á hậu 2 FPT 2015. Sau đó, anh Hải được bổ nhiệm làm PGĐ FSU1, đơn vị lớn nhất nhà Phần mềm. Từ năm 2017, anh Hải sẽ phụ trách FPT EU kiêm GĐ FPT Germany, một trong những thị trường lớn mà FPT đang đẩy mạnh sự hiện diện.

Ngày 1/3, FPT Software chính thức khai trương văn phòng thứ hai tại Đức ở địa chỉ Huyssenallee 9, 45128 Essen. Tham dự sự kiện có CEO Phần mềm FPT Hoàng Việt Anh. Văn phòng mới tọa lạc tại tầng 4, sẽ là nơi làm việc của nhóm kinh doanh và tài chính. Riêng nhóm sản xuất sẽ tiếp tục làm việc tại văn phòng ở tầng 2 cùng tòa nhà. Đây là văn phòng thứ hai ở thành phố Essen và là văn phòng FPT thứ ba tại Đức (ở thành phố Neu-Isenburg). Hiện tại, đơn vị có 21 nhân viên tập trung cho kinh doanh và marketing và một số nhân sự thuộc mảng sản xuất (delivery).

Khách hàng rộng khắp châu Âu, nhưng hiện FPT chỉ có ba văn phòng tại Đức (Essen và New-Isenburg), một văn phòng ở Paris (Pháp) và một văn phòng ở Kosice (Slovakia). Tổng nhân sự nhà F ở trời Âu là gần 300 người. Theo Giám đốc FPT châu Âu Lê Hồng Hải, mục tiêu trong hai năm tới sẽ mở văn phòng tại Anh. "Mốc tăng trưởng năm 2017 của đơn vị đặt ra là 28%, tương ứng khoảng 35,5 triệu USD", anh Hải tiết lộ.

fpt-eu_1488518107_1488518114.jpg

Nhóm CBNV FPT Software tại Đức và châu Âu cùng chụp ảnh lưu niệm tại văn phòng mới. Riêng tại Đức, tỷ lệ người Việt và người Đức ngang nhau, khoảng 50/50. Tuy nhiên, hầu hết người Việt tại văn phòng Đức đã có quốc tịch Đức, nên nếu xét quốc tịch, tỷ lệ khá chênh lệch, 90% người Đức và 10% là Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu thách thức, FPT châu Âu sẽ tập trung mọi nguồn lực cho chương trình Whale hunting (săn Cá voi) với sự hỗ trợ rất lớn của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng như Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và CEO nhà Phần mềm Hoàng Việt Anh

“Đây là chương trình rất quan trọng, tập trung vào tiếp cận những công ty hàng đầu tại Đức, Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ… Mục tiêu là đạt 10 ‘Cá voi’ và số lượng POCs tương ứng”, tân GĐ FPT châu Âu Lê Hồng Hải chia sẻ.

Song song, FPT EU cũng tập trung phát triển, khai thác các khách hàng vừa và nhỏ, mở rộng lãnh thổ đánh bắt ra các nước mới như Thuỵ Sĩ, Anh, Slovenia, Austria, Luxembourg… “'Công cụ' chính mà đơn vị sở hữu là: đối tác của AWS về marketing và bán hàng, tập trung mảng Mobility, IoT, DT và Automative”, Hoa hậu FPT Software 2015 hào hứng. 

Theo anh Hải, khó khăn khi hướng mạnh vào thị trường châu Âu là tên tuổi (branding) của FPT gần như rất nhỏ, các khách hàng còn e dè khi làm việc. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tuyển dụng vì người bản địa chưa thực sự tin cậy công ty để đầu quân và gắn bó. Tuyển người mới thường mất 3-6 tháng. Trong khi đó, rất ít lập trình viên Việt Nam có thể nói được tiếng Đức, và không nhiều người nói được tiếng Pháp…

“Tuy nhiên, thuận lợi là châu Âu đang đẩy mạnh outsourcing (thuê ngoài) ra các nước thứ 3 để giảm chi phí. Đây đang là thị trường rất tiềm năng. Chính vì vậy, các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn và nhà Phần mềm cũng rất ủng hộ hướng phát triển tại thị trường châu Âu”, Giám đốc FPT châu Âu tự tin. “Ngoài ra, đặc điểm khách hàng châu Âu chỉ khó tiếp cận ban đầu, khi tin mình rồi, họ sẽ làm việc dài hạn”.

Để chuẩn bị nguồn lực cho “trận đánh lớn”, FPT Đức chọn cách tăng cường đều ở các tuyến: cơ cấu lại đội kinh doanh, chia rõ “Whale hunting” và “Farming” (công việc thường xuyên). “Đơn vị đang tuyển thêm nhiều vị trí sales, nhất là cho thị trường Đức. Đây là cơ hội cho các ứng viên có nền tảng IT và nói tiếng Đức tốt”, anh Hải bật mí.

Với khối sản xuất tại Slovakia (Nearshore), FPT châu Âu sẽ đẩy mạnh tuyển dụng và đào tạo những kỹ năng (skills) khó kiếm trên thị trường như SAP-IS-U, AppsDynamic, AWS… và khối sản xuất trong nước (Offshore) sẽ đào tạo tiếng Đức miễn phí cho bất cứ Developer/Tester/BA nào mong muốn tham gia. Chương trình được chủ trì bởi trung tâm đào tạo FPT Software.

Đầu năm nay, ngay khi rời Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và nhóm quản lý cấp cao FPT Software đã tham dự hai sự kiện lớn ở Đức: Hội nghị chiến lược quản lý CNTT (The Strategic IT Management Meeting) tại Munich và hội nghị toàn Liên bang Đức về Kinh tế năng lượng (the Energy Industry) ở Berlin.

Sau gần 20 năm tham gia toàn cầu hóa, đến đầu năm 2017, FPT Software đã có mặt tại 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm đã được khẳng định. Năm 2016, FPT Software tăng trưởng 26,2%, đạt mức doanh thu 230 triệu USD. Năm qua, FPT Software cán đích 10.000 CBNV. Với cột mốc này, FPT Software đang tiến gần hơn danh sách Top các công ty có quy mô nhân lực lớn trong khu vực châu Á và mục tiêu 30.000 người, 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Trong quyết định của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, khối Sản xuất - Delivery sẽ có thêm các FSU mới như DTL, F500, EKB, GES, FSG bên cạnh các FSU hiện tại: CME, FGA, FSU1, FSU11, FSU17, BPO, CLI. Trong đó, DTL, F500, EKB là các FSU mới được thành lập đầu năm 2017; sáp nhập GSC và ESS thành đơn vị mới GES trong khi BSI được đổi tên thành FSG.

>> FPT Software xếp số 1 Top công ty tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Nguyên Văn

Ảnh: FPT Germany

Ý kiến

()