FPT Polytechnic vừa kết hợp với Báo điện tử Dân trí tổ chức tọa đàm “Học gì để không thất nghiệp” với sự tham gia của anh Vũ Chí Thành, GĐ FPT Polytechnic; Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp; anh Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI.
Ba khách mời lần lượt giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin hữu ích cho phụ huynh và thí sinh về xu hướng ngành nghề, cách chọn trường, chọn ngành phù hợp nhằm đáp ứng xu thế thời đại để được đào tạo bài bản, sát với thực tế và quan trọng nhất là “không thất nghiệp”.
Khách mời tham gia buổi tọa đàm do FPT Polytechnic phối hợp với Báo điện tử Dân trí tổ chức. |
Anh Thành cho biết, FPT Polytechnic đã ký kết hợp tác với 371 doanh nghiệp đối tác với các thỏa thuận đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, học thực hành, và lựa chọn tuyển dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện 97,7% sinh viên nhà trường đã có việc làm trong một năm sau tốt nghiệp.
Theo người đứng đầu Cao đẳng thực hành FPT, "chọn ngành học rất quan trọng, không phải cứ học giỏi là có được việc làm mà cần phải chọn đúng ngành học xã hội đang cần, phù hợp với đam mê và năng lực của bản thân".
Liên quan đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cho biết, nguyên nhân thất nghiệp không phải do chất lượng đào tạo trình độ đại học thấp mà do cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, năm 1979, cứ một người học đại học thì có 2 người trình độ trung cấp, 7 người trình độ công nhân kỹ thuật, nhưng đến năm 2012 thì một người học đại học, chỉ có 0,46 người trình độ trung cấp và 0,58 người lao động kỹ thuật. Năm 2016, cứ một người học đại học trở lên chỉ có 0,35 người trình độ cao đẳng, 0,65 người trình độ trung cấp và 0,4 người trình độ sơ cấp.
Tiến sĩ Hùng cũng nêu thực trạng ở Việt Nam phần lớn các trường thỏa mãn mục tiêu đào tạo, chính vì vậy mới có hiện tượng người học tốt nghiệp khá giỏi chiếm tỷ lệ cao, nhưng không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Do vậy, phải điều chỉnh lại mục tiêu, để mục tiêu đó phải trùng với yêu cầu của thị trường lao động. Từ đó, dẫn tới việc phải thay đổi chương trình, thay đổi lại cách thức tổ chức đào tạo, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường lao động.
"Doanh nghiệp phải tham gia cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, xây dựng chuẩn năng lực, xây dựng chương trình, tham gia tổ chức đào tạo, đánh giá; người học được thực hành, thực tập ngay tại doanh nghiệp. Tốt nghiệp của người học là việc tuyển dụng của doanh nghiệp", ông nói.
Nói về khởi nghiệp trên ghế nhà trường, anh Vũ Duy Linh, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI, nhìn nhận phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ nhưng có rất ít ý tưởng mang đến sự thành công. Theo anh, sinh viên trước hết hãy làm việc cho các doanh nghiệp, các tổ chức, từ đó sẽ có thêm kiến thức, định hướng và mối quan hệ để nâng cao yếu tố thành công khi khởi nghiệp.
Anh Vũ Chí Thành, GĐ FPT Polytechnic, trả lời phỏng vấn trực tuyến. |
Song song với khởi nghiệp là từ khóa cuộc Cách mạng 4.0. Bối cảnh mà cả thế giới đều nói về yếu tố cốt lõi như ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối Internet of things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) vào cuộc sống. "Hãy chọn chuyên ngành hoặc công việc mà bản thân yêu thích. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ứng dụng công nghệ vào tất cả lĩnh vực, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất nên ngành nào, công việc gì cũng có thể ứng dụng được, nông nghiệp, thủy sản, sản xuất, dịch vụ...", anh Linh, bày tỏ.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến quý 3/2017 cả nước có hơn 1,07 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp. Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II năm 2017.
Một số liệu thống kê khác, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường thì có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vậy nên, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.
Hiện FPT Polytechnic là một trong số ít trường xuất phát từ nền tảng doanh nghiệp với mong muốn đem đến cho người học những giá trị đào tạo thực tế đúng với triết lý đào tạo "Thực học - Thực nghiệp", sử dụng phương pháp đào tạo qua dự án với mục tiêu lớn nhất là đào tạo ra những thế hệ sinh viên "Tốt nghiệp - Tốt nghề".
Nhà trường đã có mặt ở 4 khu vực: Bắc - Trung - Nam và Tây Nguyên, đã cho ra trường nhiều thế hệ sinh viên vững về năng lực chuyên môn và kỹ năng làm việc, sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
>> Tân cử nhân FPT nhận học bổng lập nghiệp
Việt Nguyễn
Ý kiến
()