HĐQT FPT vừa ban hành nghị quyết thông qua phương án chia cổ tức còn lại năm 2019. Cụ thể, mức chi trả cổ tức tiền mặt là 10% (tức 1.000 đồng/cổ phiếu). Ngày chốt danh sách cổ đông là 14/5 và 5/6 là ngày dự kiến chi trả cổ tức. Trước đó, 10% đã trả trong năm 2019.
Cùng với đó, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu được thông qua với tỷ lệ 15%. Cổ đông sở hữu 20 cổ phần hiện hữu được chia 3 cổ phần mới. Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 14/5. Thời gian dự kiến thực hiện là tháng 6/2020.
Chủ tịch Trương Gia Bình tại ĐHĐCĐ thường niên FPT ngày 8/4. Ảnh: Trần Huấn |
Số lượng cổ phần mới phát hành để thực hiện việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu mà mỗi cổ đông nhận được sẽ được làm tròn đến hàng đơn vị theo nguyên tắc làm tròn xuống. Phần lẻ thập phân phát sinh nếu có sẽ hủy bỏ. Số lương cổ phiếu dự kiến phát hành là khoảng 102,25 triệu. Số cổ phần phát hành thêm để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được niêm yết ngay sau khi thự hiện.
Đây là năm thứ 7 liên tiếp FPT duy trì mức chi cổ tức trên 30%/năm kể từ năm 2013 đến nay với tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt thường cân bằng hoặc cao hơn tỷ lệ chia bằng cổ phiếu.
Về chính sách trả cổ tức năm 2020, ĐHĐCĐ tổ chức ngày 8/4 biểu quyết tỷ lệ cổ tức là 20% bằng tiền, 2.000 đồng/cổ phiếu - căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Mức chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2020 sẽ do ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 quyết định.
Đại hội cũng phê duyệt chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho người lao động và lãnh đạo. Đối với người lao động, công ty sẽ phát hành không vượt quá 0,5% tổng số cổ phần lưu hành của công ty. Việc phát hành sẽ chia làm 3 đợt 2021, 2022 và 2023, số lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.
Đối với việc phát hành ESOP cho ban lãnh đạo giai đoạn 2020-2025, tối đa không quá 0,25% lượng cổ phiếu lưu hành. Giá phát hành theo mệnh giá, hạn chế chuyển nhượng 10 năm và nếu ban lãnh đạo.
ĐHĐCĐ thường niên FPT ngày 8/4 đã thông qua kế hoạch năm 2020 tăng trưởng doanh thu 17% và lợi nhuận 18% so với năm 2019 như đã đưa ra đầu tháng 1, và uỷ quyền cho HĐQT thực hiện các kịch bản kinh doanh khác nhau tuỳ theo diễn biễn thực tế. Tại đại hội, Chủ tịch Trương Gia Bình nhận định: "Dịch bệnh COVID là cú hích thúc đẩy tiến trình của cách mạng 4.0. Đây là một cuộc chiến mới, thử thách mới. Trong nguy có cơ và FPT đã sẵn sàng đương đầu để vượt qua thách thức này. FPT sẽ chuyển sang chế độ thời chiến với tinh thần làm việc bằng hai." Qua đó ban lãnh đạo FPT tiếp tục theo đuổi mục tiêu Top 50 Công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới vào năm 2030, tăng 40 -50% doanh thu chuyển đổi số trong giai đoạn 2020 – 2022. Nhu cầu chuyển đổi số những năm gần đây đã tăng trưởng nhanh và sẽ ngày càng cao sau khi kết thúc dịch bệnh, và đây là cơ hội tốt cho FPT. Trước đó, năm 2019, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 27.717 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 4.665 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2018. Doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, đạt tương ứng 11.452 tỷ đồng, tăng 25,7% và 1.896 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. FPT là một trong những cổ phiếu tăng giá tốt nhất năm 2019, còn là một trong những bluechip giữ giá tốt nhất trong đợt giảm giá vừa qua. Với tầm nhìn dài hạn, nhiều quỹ đầu tư lớn tranh thủ cơ hội giảm giá gần đây để mua vào khi giá cổ phiếu về mức hấp dẫn. |
>> Chủ tịch FPT: ‘Cú hích Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chưa từng có’
Thủy Minh
Ý kiến
()