Thị trường vốn Việt Nam đã có một năm thăng hoa, trong đó nhiều thương vụ bán vốn "khủng" gây tiếng vang trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thương trường quốc tế, tờ NDH viết.
Theo số liệu của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, luỹ kế 11 tháng đầu năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1 tỷ 770 triệu USD (750 triệu USD trái phiếu, 1 tỷ 20 triệu USD cổ phiếu), tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Kể từ ngày 18/12, FPT Retail và FPT Trading trở thành công ty liên kết của FPT, khi tỷ lệ sở hữu của tập đoàn tại hai đơn vị này lần lượt giảm còn 47% và 48%. Ảnh ngày 12/9, FPT ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex - tập đoàn lớn thứ ba thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử. Synnex sẽ đầu tư 47% vốn điều lệ tại FPT Trading. |
NDH điểm lại các thương vụ bán vốn kỷ lục trong năm 2017 góp phần mang lại thặng dư vốn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có FPT giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail còn 47% và FPT Trading xuống 48%.
Đối tác mua lại phần vốn của FPT tại FPT Trading là Tập đoàn Synnex. Ở thương vụ này, Synnex phải trả cho FPT 932 tỷ đồng. Đối với mảng bán lẻ, FPT cũng bán 30% cổ phần tại FPT Retail cho Vina Capital và Dragon Capital với định giá trên 130 triệu USD, tương ứng 2.951 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) ước tính, nếu FPT giảm tỷ lệ sở hữu là 35% tại FPT Retail, thu nhập trên mỗi cổ phần FPT (EPS) năm nay sẽ tăng thêm 1.131 đồng/cổ phiếu.
“Thoái vốn thành công, lợi ích trước mắt của FPT là thu được tiền, hạch toán lợi nhuận, nhưng về dài hạn, các mảng còn lại sẽ phải tăng trưởng nhanh hơn, trước tiên là bù đắp sự sụt giảm từ mảng bán lẻ, sau đó là phân phối do không còn được hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất của FPT”, tờ Đầu tư Chứng khoán nhận định.
Đây cũng không phải là điều bất khả thi khi khối Viễn thông của FPT vẫn tăng trưởng đều đặn, khối Công nghệ cũng có sự tăng trưởng vượt bậc từ nước ngoài.
Ngoài thương vụ nổi bật của FPT, tờ NDH còn liệt kê loạt sự kiện khác gồm: Chào bán 53,59% vốn Sabeco, thương vụ kỷ lục gần 5 tỷ USD; Thoái vốn Vinamilk; Chào bán cổ phần thứ cấp kỉ lục của Vincom Retail; Bộ Xây dựng bán vốn tại DIG, phiên khớp lệnh kỷ lục 128 triệu cổ phiếu; Bán cổ phiếu Vietjet; Bán đấu giá Viglacera; VPBank tạo kỷ lục về khối lượng đặt mua 1,2 tỷ USD; Thương vụ chào bán cổ phần của HDBank và “Bom xịt” Becamex IDC.
>> Soi chiến lược FPT Telecom 2018
Chi Vy
Ý kiến
()