TGĐ FPT Telecom vừa phê duyệt việc giải thể các phòng kinh doanh, văn phòng giao dịch thuộc chi nhánh Bình Dương. Cụ thể là các đơn vị: phòng Kinh doanh số 1, 2, 4; Văn phòng Giao dịch Thuận An và Dĩ An; phòng Kỹ thuật và phòng Dịch vụ khách hàng.
Ngay sau đó là quyết định thành lập mới 3 Trung tâm Kinh doanh và 14 phòng thuộc chi nhánh Bình Dương, gồm: Trung tâm Kinh doanh số 1 (5 phòng phụ trách địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và huyện Tân Uyên; Trung tâm Kinh doanh số 2 (4 phòng phụ trách địa bàn huyện Dĩ An) và Trung tâm Kinh doanh số 3 (5 phòng phụ trách địa bàn huyện Thuận An). Cùng với các phòng kinh doanh, FPT Telecom cũng thành lập các phòng Kỹ thuật, Dịch vụ khách hàng trực thuộc các Trung tâm Kinh doanh.
Ngày 23/12, Ban giám đốc chi nhánh Bình Dương tổ chức hội thảo chiến lược kinh doanh của chi nhánh trong năm 2018 tại khu sinh thái Làng Tre, xã Phú An, Bến Cát, Bình Dương. Đối tượng tham gia chương trình gồm hơn 30 nhân sự là Trưởng phòng, phó phòng cùng các nhân tố chủ chốt của chi nhánh. |
Cơ cấu Ban lãnh đạo chi nhánh gồm: Anh Phạm Hoàng Long là Giám đốc FPT Telecom Bình Dương kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Kinh doanh số 1. Trong khi đó, anh Lê Thành Trung và Nguyễn Đức Tân lần lượt đảm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm Kinh doanh số 2 và số 3.
Bình Dương là chi nhánh tỉnh đầu tiên lập các Trung tâm Kinh doanh, sau Hà Nội và TP HCM. Theo Giám đốc Phạm Hoàng Long, hiện đơn vị là một trong những chi nhánh tỉnh có số phát triển thuê bao lớn nhất toàn quốc nên động thái mới nhằm tạo cơ chế để tăng cường nguồn lực (kinh doanh) phát triển mạnh hơn tại các khu vực chia tách hướng đến thúc đẩy phát triển các khu vực tiềm năng chưa được phát triển.
“Quy hoạch và đưa nguồn lực các khối Hạ tầng, Dịch vụ khách hàng phân bổ sát hơn tới các địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật, thu cước và giữ khách hàng”, anh Long nhấn mạnh.
Theo Giám đốc FPT Telecom Bình Dương, cách làm mới sẽ có thuận lợi là chăm sóc khách hàng nhanh nhất và phát triển khách hàng mới tốt nhất có thể. “Điểm khó khăn là sự thay đổi mô hình sẽ làm cho các bộ phận còn bỡ ngỡ chưa bắt nhịp kịp, phải dành một thời gian để theo guồng”, anh Long chia sẻ.
'Thuyền trưởng' Phạm Hoàng Long đang điều hành con tàu Bình Dương với hơn 500 nhân sự. |
Năm 2017, tổng phát triển thuê bao của chi nhánh tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016, một con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh sản phẩm/dịch vụ bị cạnh tranh gay gắt. Trong đó, riêng tháng 4/2017, Bình Dương là chi nhánh đứng đầu toàn quốc về phát triển thuê bao, cả Internet và Truyền hình. Cũng trong tháng này, FPT Telecom đất Thủ có 9 nhân viên kinh doanh đạt mức lương tối đa với 100 hợp đồng/tháng.
Nhờ số phát triển thuê bao tăng vọt từ tháng 4 đã đẩy doanh thu chi nhánh năm tăng 25% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận đạt 102% so với kế hoạch Ban điều hành đề ra. “Với phương châm “khách hàng là trọng tâm”, năm 2017 FPT Telecom Bình Dương luôn là chi nhánh có điểm CSAT (khách hàng đánh giá) cao nhất toàn quốc, do đó mức thu nhập của hai khối kỹ thuật và kinh doanh cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ”, Giám đốc Phạm Hoàng Long hào hứng.
Anh Long cho hay, năm 2018, mục tiêu vận hành mạch lạc và thành công mô hình kinh doanh mới là một trong những thách thức lớn nhất của tập thể hơn 500 CBNV FPT Telecom Bình Dương. “Chúng tôi hướng đến mốc tăng trưởng 130% so với năm 2017”, anh Long khẳng định và thông tin, từ khóa “More” của công ty sẽ được chi nhánh áp dụng triệt để: không chỉ nhanh hơn mà còn phải hiệu quả hơn, tạo cơ chế để tăng cường nguồn lực kinh doanh nhằm phát triển mạnh hơn tại các khu vực chia tách.
“Với mô hình mới, nhân lực và phòng ban tăng rất nhiều so với trước đây, các vị trí quản lý cũng được bổ nhiệm do đó áp lực lớn nhất là phải làm sao để phát triển tốt nhất”, anh Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh số 3, chia sẻ. “Thách thức nhất là hoàn thành chỉ tiêu phát triển thuê bao”.
>> Vừa có CEO mới, FPT Telecom đại hội cổ đông sớm
Nguyên Văn
Ý kiến
()