Chúng ta giới thiệu bài nhận định của anh Bùi Vĩnh Thắng, chuyên gia phụ trách chương trình điện toán đám mây tại FPT Software.
FPT Software đã gia nhập cuộc chơi điện toán đám mây từ năm 2009-2010 bằng một số dự án chuyển đổi hệ thống của khách hàng “lên mây”. Các dự án này đang chạy độc lập và thiếu liên kết.
FPT Software mong muốn xây dựng các dịch vụ outsourcing trên điện toán đám mây thành năng lực sâu rộng và chính thức chào bán tới các khách hàng. Để làm được việc này, FPT Software xác định tận dụng thế mạnh nguồn lực gia công phần mềm sẵn có, phát triển mạnh mạng lưới đối tác trong và ngoài FPT để nối dài năng lực, và trước mắt tập trung vào cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển đổi hệ thống “lên mây” dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, công ty cũng muốn chuyển đổi sản phẩm phần mềm thành dịch vụ phần mềm “trên mây” (Software-as-a-service, hay SaaS) cho các doanh nghiệp cung cấp phần mềm độc lập (ISV).
Đầu tháng 4, TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm đã mời giáo sư Akio Yajima, nguyên Phó Chủ tịch Hitachi Systems, phụ trách cấp cao các vấn đề về công nghệ điện toán đám mây, về làm cố vấn của FPT Software, đặc biệt trong mảng công nghệ này.
Ông Akio Yajima, nguyên Phó Chủ tịch Hitachi Systems, sẽ là cố vấn cho FPT Software về điện toán đám mây. Ảnh: CCB. |
Ông Yajima có ấn tượng và tình cảm rất tốt đẹp đối với người Việt cũng như tin tưởng vào tiềm năng của FPT, đây cũng là lý do ông nhận lời làm cố vấn cho FPT Software. “Tôi mong muốn hỗ trợ FPT Software trong mảng công nghệ điện toán đám mây và góp phần tạo ra sự dịch chuyển mới trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ”, ông chia sẻ.
Sau quá trình khảo sát hiện trạng tại FPT Software, ông Yajima đã đánh giá định hướng và các dịch vụ FPT Software cung cấp đều rõ ràng và có khả năng hấp dẫn với thị trường. Tuy nhiên, cần xác định tập trung hơn vào các công nghệ liên quan như Windows Azure, Office 365, Force.com hay Salesforce.
Về mảng dịch vụ chuyển đổi hệ thống “lên mây”, ông Yajima cho rằng, FPT Software cần hướng tới các doanh nghiệp lớn, nơi có nhu cầu thực. Hiện nay, có nhiều công ty IT lớn trên thế giới đang cung cấp “chợ SaaS” (marketplace, app store) như Fujitsu, Hitachi, Microsoft… Các “chợ” này đòi hỏi có nhiều ứng dụng SaaS.
Như vậy, nếu kết hợp với dịch vụ chuyển đổi phần mềm thành dịch vụ “trên mây” của FPT Software sẽ tạo ra một mô hình ba bên cùng có lợi: “Chợ” có thêm hàng để cung cấp cho khách hàng, các công ty cung cấp phần mềm độc lập (ISV) có thể “vào chợ” với chi phí chuyển đổi hợp lý, còn FPT Software có thể cung cấp được dịch vụ chuyển đổi. Đây có thể là một mô hình kết hợp tốt để đơn vị có thể thúc đẩy bán dịch vụ chuyển đổi loại này.
Ông Yajima đã chia sẻ đánh giá của hãng nghiên cứu Forrester Research về kích cỡ của 5 thị trường lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và ASEAN (trong đó có Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Năm thị trường này sử dụng và mua sắm điện toán đám mây tới 85% của tổng châu Á - Thái Bình Dương. Forrester dự đoán tổng kích cỡ về điện toán đám mây của 5 thị trường này sẽ phát triển từ 2,9 tỷ USD năm 2011 thành 32 tỷ USD năm 2020, chiếm hơn 15% tổng chi tiêu cho Cloud Computing trên thế giới.
Nhật Bản, thị trường trọng yếu của FPT Software, sẽ phát triển điện toán đám mây công cộng từ 833 triệu USD năm 2011 tới 11,4 tỷ USD năm 2020. Điện toán đám mây riêng ảo sẽ phát triển từ 263 triệu USD năm 2011 tới 4,3 tỷ USD vào năm 2020.
Các con số này cho thấy, cơ hội để FPT Software tăng tỷ trọng doanh thu từ Cloud Computing đang hết sức rộng mở. Theo nhận định của Gartner, vào năm 2013, xấp xỉ 25% tổng dịch vụ IT sẽ được cung cấp dưới dạng điện toán đám mây; outsourcing cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Những nỗ lực từ ngày hôm nay sẽ giúp FPT Software bắt kịp với xu hướng này.
Hiện nay, các gói giải pháp và gói sản phẩm chào bán cho khách hàng đang được chuẩn hóa và dự tính sẵn sàng để chuyển giao sang các đơn vị bán hàng trong quý II.
Bùi Vĩnh Thắng
Ý kiến
()