Ngày 24/5, Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo "Quan hệ Nhà trường và Doanh nghiệp Công nghệ thông tin 2018” nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT và nhà trường. Hoạt động nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận của các doanh nghiệp, các sở ban ngành để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành CNTT.
Khuôn khổ hội thảo, GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương đã ký kết hợp tác với Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhằm tăng chất lượng và số lượng kỹ sư lĩnh vực công nghệ thông tin tốt nghiệp trình độ đại học. Theo đó, FPT tạo điều kiện cho các chuyên gia giảng dạy và tổ chức các hoạt động cho sinh viên. Phối hợp và hỗ trợ chuyên gia trong việc đánh giá học tập của sinh viên. Thanh toán giảng dạy cho chuyên gia theo quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường.
Hội thảo "Quan hệ nhà trường và doanh nghiệp Công nghệ thông tin 2018” nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT và nhà trường. |
Phía nhà trường có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, quản lý kết quả đào tạo; tổ chức quảng bá chương trình đào tạo và tuyển sinh hàng năm; cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Xây dựng nội dung và kế hoạch triển khai các học phần; cùng với đại diện đoanh nghiệp triển khai đào tạo và giám sát công tác đào tạo.
Hai bên cùng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, đề cương chi tiết học phần... Từ thực tế giảng dạy có đánh giá, trao đổi thảo luận để có những cải tiến, sửa đổi. Doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ cơ sở vật chất, tài nguyên phục vụ đào tạo cho nhà trường và tiếp nhận các sinh viên đạt yêu cầu tuyển dụng.
TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, nhìn nhận nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo một mô hình mới sẽ đóng góp vào nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói chung, đặc biệt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho phát triển sự nghiệp của chính doanh nghiệp.
Ông cho rằng, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT cần phải có sự hỗ trợ, gắn kết lẫn nhau giữa "3 nhà”: "Nhà trường, Nhà doanh nghiệp và Nhà nước". Hội thảo tạo điều kiện thuận lợi để các bên thảo luận, góp ý và thống nhất với nhau về các vấn đề liên quan đến đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong thời gian đến.
Theo số liệu vừa được Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng công bố, trong số hơn 700 doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNTT tại thành phố, có khoảng 43% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phần mềm, thu hút 9.500 nhân sự. Hiện Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo nghề…) trong lĩnh vực CNTT với hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.
Phần lớn các nhà tuyển dụng đánh giá Đà Nẵng có nguồn nhân lực CNTT trẻ, trình độ chuyên môn khá, cần cù và chịu khó, bên cạnh chi phí nguồn nhân lực rẻ. Nhưng theo theo khảo sát của Sở TT&TT, thành phố hiện thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất ứng dụng di động, ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, an toàn - an ninh thông tin… Nguyên nhân chủ yếu là do sinh viên CNTT ra trường chưa đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp về khả năng sáng tạo, kỹ năng mềm, ngoại ngữ...
GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương đồng hành cùng Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin. Năm 2017, FPT Software cũng đã trao tặng 30 bộ máy tính, server, máy chiếu và một số trang thiết bị khác nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tổng giá trị 650 triệu đồng. Hoạt động nhằm đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hợp tác giữa hai bên về tuyển dụng, đào tạo cũng như hướng nghiệp dành cho sinh viên nhà trường. |
Riêng FPT Software Đà Nẵng đặt mục tiêu nhân sự trên 5.000 người vào năm 2020, nên đang trong cơn khát nguồn nhân lực. Đơn vị cần những nhân viên đáp ứng được về chuyên môn CNTT; ngoại ngữ tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Nhật cùng kỹ năng mềm.
GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương nhìn nhận, cản trở lớn nhất của đơn vị là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. 5 đến 10 năm nữa vẫn còn thiếu nguồn nhân lực CNTT, và sẽ không có chuyện dư thừa. Để giải quyết bài toán, từ năm 2015, FPT Software cam kết hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng về chuyển giao nội dung chương trình đào tạo tiếng Nhật; tuyển thẳng vào thực tập cũng như làm việc tại công ty đối với những sinh viên năm 3 là học viên của các lớp CNTT Nhật ngữ. Mục tiêu là tạo điều kiện cho sinh viên ngành CNTT có cơ hội việc làm trong kế hoạch tuyển dụng của FPT Software cũng như mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn với doanh nghiệp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, FPT Software Đà Nẵng cũng tích cực hợp tác định hướng cho sinh viên nắm bắt được những gì doanh nghiệp cần để tự tin học tập và trau dồi kỹ năng. Đơn vị đã chuyển giao chương trình đào tạo để sinh viên tiếp cận nhanh với nhu cầu nhà tuyển dụng sau khi ra trường.
Trước đó, hồi tháng 4, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2020. Một số lĩnh vực được hai bên ưu tiên phát triển là Giao thông thông minh, Nông nghiệp thông minh, Đào tạo phổ cập tiếng Anh, Y tế và Quản lý du lịch.
Giai đoạn 2018-2019, FPT bố trí nhân lực và kinh phí để xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án, ứng dụng liên quan đến thành phố thông minh trong phạm vi hợp tác như trên. Giai đoạn 2019-2020, hai bên sẽ cùng đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân rộng các ứng dụng thành phố thông minh phù hợp với yêu cầu của TP Đà Nẵng.
>> FPT dạy tiếng Anh, tin học cho các trường tại Đà Nẵng
Việt Nguyễn
Ý kiến
()