Chúng ta

FPT quan tâm đến thanh toán điện tử

Thứ sáu, 18/12/2015 | 09:45 GMT+7

Ba trong số 8 công ty thành viên của FPT là FPT IS, FPT Retail và Sendo đều quan tâm đặc biệt đến thanh toán điện tử, bởi đây được xác định là mục tiêu đẩy mạnh của Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn Thanh toán điện tử 2015 (VEPF) được diễn ra vào sáng ngày 16/12 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Đây là diễn đàn quy mô lớn về thanh toán điện tử lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Là người đồng đưa ra ý tưởng của VEPF 2015 và điều phối phần thảo luận về chủ đề "Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công và doanh nghiệp", Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đặt kỳ vọng, sau chương trình này, Nhà nước sẽ có những chính sách mới về chuẩn hóa hệ thống thanh toán điện tử, tiền điện tử. "Cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích cho việc thanh toán trực tuyến. Các bộ cũng cần có sự kết hợp với nhau để tạo ra hạ tầng thống nhất, giúp triển khai thanh toán điện tử dễ dàng", anh nói.

Anh Bình cho rằng, các bên liên quan cần có những động thái cụ thể để đẩy mạnh xu hướng thanh toán điện tử cần phải được xã h

Anh Bình cho rằng, các bên liên quan cần có những động thái cụ thể để đẩy mạnh xu hướng thanh toán điện tử.

Đứng trước thực trạng thanh toán điện từ chỉ chiếm tới 5% các giao dịch online, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao chương trình do VnExpress và Ngân hàng Nhà nước tổ chức lần này. 

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam phát triển nhanh chóng và được xem là thị trường tiềm năng, nhưng các giao dịch qua mạng và thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán. Đặc biệt, nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân đã có từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện thanh toán tiền mặt. Bởi vậy, vấn đề là thanh toán điện tử có thực sự ích lợi.

Phó Thủ tướng cho hay, tại nhiều nước phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán trở lên thì không cần làm gì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng tăng khoảng 1%. Việt Nam đã có các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu. Nhưng chính thói quen của người tiêu dùng chuộng tiền mặt đã cản trở tiến trình này. 

"Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi, nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn, chống tham nhũng. Đó còn là thước đo để thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh", ông Đam chia sẻ. 

Theo anh Bình, giải bài toán này cần có sự chung tay truyền thông rộng rãi để thay đổi nhận thức và thói quen chi tiêu của người dân. Còn với FPT, tập đoàn cũng đang tập trung vào dự án thanh toán điện tử và xây dựng platform. 

PTGĐ FPT IS Bank Bùi Hải Thanh chia sẻ, FPT IS Bank là đơn vị xây dựng và triển khai giải pháp chuyên ngành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Với thanh toán không dùng tiền mặt, hiện FPT IS cung cấp nhiều bộ giải pháp cho các khách hàng lớn tại Việt Nam như: Core Banking, Card Management System, ATM Switch, Payment Hub/Gateway, eBanking, Digital Banking, ATM/VTM/POS, các giải pháp cho thị trường vốn, giải pháp thu ngân sách qua ngân hàng, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, eVoucher, Mobile payment.... 

Ở Việt Nam, hiện có một số doanh nghiệp có giấy phép triển khai nhưng đều chưa thành công do mô hình kinh doanh chưa đúng.

Liên quan đến thanh toán điện tử, Chủ tịch Sendo Nguyễn Đắc Việt Dũng khẳng định, dù thanh toán điện tử rất tiện lợi với mọi người, tuy nhiên đây vẫn là lĩnh vực còn mới với đa số người dân trong nước, tâm lý người mua hàng vẫn lựa chọn giải pháp trả tiền mặt. Một khó khăn nữa trong việc thanh toán điện tử là chi phí kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp khá cao, từ 1,5-3% cho một giao dịch.

"Tại Sendo, khách hàng chủ yếu thanh toán bằng tiền. Phần đông người dùng muốn xem hàng trước khi mua. Bản thân giá trị món hàng cũng thấp nên họ sẵn sàng trả tiền mặt. Nhưng khi thanh toán điện tử phát triển và niềm tin tiêu dùng cao hơn, hy vọng bối cảnh sẽ khác", anh nói. 

Hiện nay, Sendo có hơn 10.000 shop kinh doanh với hàng triệu sản phẩm khác nhau. Năm ngoái, theo Báo cáo thương mại điện tử của Chính phủ, Sendo được xếp thứ 2 về giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam với 14,4%. Tuy nhiên, thanh toán điện tử trên Sendo vẫn còn khiêm tốn ở mức gần 5%. Sắp tới đây, khi mở rộng mặt hàng, đặc biệt các mặt hàng giá trị, anh Dũng cũng kỳ vọng con số này sẽ tăng lên. "Qua giai đoạn đầu, niềm tin của khách hàng sẽ tăng lên. Bản thân người bán cũng thích thanh toán điện tử vì giảm thiểu rủi ro từ chối đơn hàng".

Trong thời gian tới, Sendo sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm thanh toán trực tuyến. Đơn vị dự kiến đưa ra dịch vụ "One Click", giảm bớt các bước check out. Ngoài ra, thuận lợi nữa cho sàn thương mại điện tử của FPT là tâm lý người bán hàng cũng ủng hộ việc này, họ sẵn sàng giảm 5-10% giá trị đơn hàng cho các thanh toán trực tuyến.

Từ 2014, FPT Retail cũng bắt đầu đẩy mạnh mảng thương mại điện tử theo xu hướng chung của thị trường. Phó Giám đốc Kinh doanh Ecom của FPT Retail Chu Quang Huy cho biết, đơn vị đã triển khai thanh toán online, tuy nhiên, chi phí dịch vụ cho ngân hàng đang ở mức cao. Đơn vị cũng đánh giá, hình thức mPOS của TienPhong Bank có thể là giải pháp tối ưu trong việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến và giao hàng tận nhà cho khách.

Với thông điệp "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh hơn, VEPF 2015 đã tập trung bàn luận hai nội dung chính, gồm Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công, doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới. Diễn đàn cũng đã thực hiện hai cuộc đối thoại với chủ đề thúc đẩy thanh toán điện tử và thanh toán điện tử trong xu hướng tiêu dùng mới.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đóng vai trò điều phối nội dung thảo luận.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đóng vai trò điều phối nội dung thảo luận.

Dựa trên những chia sẻ của các diễn giả, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chốt lại nội dung đối thoại với 10 kiến nghị, trong đó, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và cải cách chính sách hỗ trợ cho thanh toán điện tử. Ở đối thoại tiếp theo, các diễn giả tiếp tục nhấn mạnh vai trò của thanh toán điện tử trong việc giải quyết các bất cập, giúp phát triển kinh tế. Từ đây hướng tới hành động là các ngân hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ cũng như Nhà nước cần củng cố, hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận ghi nhớ liên bộ Tài chính, Công Thương và và Ngân hàng Nhà nước - Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ. Với thỏa thuận này, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác nhiều hơn nữa của các bộ ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử ngày càng phát triển. 

Anh Minh Chánh, thành viên sáng lập Pasoto HCM, đánh giá, thông tin mà chương trình đem đến đã phản ánh đúng thực trạng thanh toán điện tử của Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, điều anh quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng là thông qua việc ký kết, các bên liên quan có quyết tâm thực hiện cam kết hay không.

Tiểu Thanh

Ảnh: Giang Huy

Ý kiến

()