Chúng ta

FPT lọt Top 300 châu Á

Chủ nhật, 29/11/2015 | 15:30 GMT+7

Tạp chí Nikkei vừa công bố danh sách 300 công ty năng động nhất châu Á (Asia 300), trong đó có sự góp mặt của 5 doanh nghiệp đến từ Việt Nam.

Những thương hiệu của Việt Nam được vinh danh trong danh sách này gồm: FPT, Vietcombank, PVGas, Vinamilk và Vingroup.

“Trung tâm của kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển về phía Đông (nguyên văn: The center of gravity of the global economy is shifting eastward). Không khó để hiểu vì sao nhiều học giả và chuyên gia phân tích đưa ra nhận định đây là 'Thế kỷ của châu Á - Asian Century'", ông Akio Fujii, Tổng biên tập Tạp chí Nikkei Asian Review, mở đầu lời tựa cho danh sách Asia 300.

1-DSC-0553-1818-1448784245.jpg

Hình ảnh tại FPT Slovakia, đơn vị toàn cầu hoá của FPT. Sau 10 tháng, mảng kinh doanh quốc tế của tập đoàn tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 3.833 tỷ đồng, tương đương 175 triệu USD. Ảnh: FSK.

Theo Nikkei, đây là những công ty không chỉ có quy mô lớn, nền tảng vững chắc như các ngân hàng thương mại hay tập đoàn kinh tế, mà còn có nhiều lĩnh vực kinh doanh trẻ đang phát triển với những lợi thế chuyên biệt như công nghệ hay mô hình kinh doanh tập trung vào những thị trường đặc biệt. "Những công ty này có thể không có vốn hóa lớn như các công ty đối thủ, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng lợi tuyệt vời và đang tìm được chỗ đứng ở nhiều quốc gia".

Trong danh sách, FPT là đại diện duy nhất của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin với vốn hóa: 864,5 triệu USD (tính đến ngày 27/11/2015); doanh thu hơn 1,5 tỷ USD (năm 2014); lợi nhuận ròng (năm 2014): 76,98 triệu USD và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) (2014): 21,58% và tổng tài sản (cuối 2014): 1.059,41 triệu USD.

Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) đang đứng đầu danh sách này với vốn hóa thị trường hơn 250 tỷ USD. Tiếp theo là 3 cái tên cũng đến từ Trung Quốc: China Mobile với 245 tỷ USD, PetroChina - 241 tỷ USD - và Alibaba, một đại diện từ ngành thương mại điện tử - 211 tỷ USD. Samsung Electronics của Hàn Quốc đứng thứ 5 với vốn hóa thị trường 201 tỷ USD. Các thương hiệu từ Trung Quốc tiếp nối danh sách như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB - 183 tỷ USD), công ty công nghệ Tencent (178 tỷ USD), Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (114 tỷ USD)…

Với 5 doanh nghiệp, Việt Nam là nước đóng góp ít nhất trong số các quốc gia có mặt trong danh sách Asia 300.

Riêng Đông Nam Á còn có 5 quốc gia khác, với số doanh nghiệp nhiều vượt trội so với Việt Nam, trong đó Singapore, Thái Lan và Indonesia đều có 25 doanh nghiệp, Malaysia có 22 doanh nghiệp, Philippines có 20 doanh nghiệp. Tổng khu vực Đông Nam Á có 122 doanh nghiệp góp tên.

Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) đóng góp nhiều nhất với 83 doanh nghiệp, vùng lãnh thổ Đài Loan có 40, Hàn Quốc có 42 và Ấn Độ là 44.

Mới đây, ngày 11/11, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đã tham gia diễn đàn được tổ chức thường niên Nikkei Global Management lần thứ 17 tại Tokyo (Nhật Bản) với vai trò diễn giả. Anh Bình cũng là diễn giả duy nhất đến từ Việt Nam và giới công nghệ Đông Nam Á.

“FPT kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh thu nhờ áp dụng SMAC vào hoạt động kinh doanh đạt 70% mỗi năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu từ cung cấp các dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ SMAC cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu đạt 100% một năm; chuyển đổi tối đa hệ thống thông tin của FPT lên nền tảng SMAC”, Chủ tịch FPT kỳ vọng. “Mục tiêu của FPT là tiếp tục duy trì vị trí công ty CNTT hàng đầu ở Đông Nam Á, cũng như hướng tới mức tăng tưởng 30% trong 15 năm tới”.

>> Năm 2015 FPT sẽ tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số

Nguyên Văn

Ý kiến

()