Trong hai ngày 22 và 23/2, Ban lãnh đạo FPT Japan do Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hoà dẫn đầu đã có chuyến tham quan, tìm hiểu về nguồn lực và tiềm năng đầu tư tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây, đoàn FPT họp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng và Kế hoạch đầu tư cũng như tham quan Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành của GS. Trần Thanh Vân - Tiến sĩ Vật lý người Pháp gốc Việt. Năm 2012, ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ. Đoàn cũng đã làm việc với 4 trường gồm: Đại học Quy Nhơn, Cao đẳng Bình Định, Cao đẳng kỹ thuật Quy Nhơn và Đại học Quang Trung, cũng như giao lưu với sinh viên Đại học FUNiX tại đây.
Chuyến tham quan, tìm hiểu về nguồn lực và tiềm năng đầu tư tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trong hai ngày 22 và 23/2, đã mang lại những ấn tượng tốt đẹp cho Ban lãnh đạo FJP do Phó TGĐ FPT Software kiêm CEO FJP Trần Đăng Hoà dẫn đầu. |
Tiến sĩ Võ Gia Nghĩa, PGĐ Sở TT&TT Bình Định, cho biết, tỉnh đang định hướng đầu tư và phát triển vào các ngành công nghệ cao, R&D, giáo dục và khoa học công nghệ, nên khuyến khích các nhà đầu tư. Quý 2/2018, tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu đô thị xanh dành cho Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, bao gồm: Tổ hợp không gian khoa học; Công viên khoa học - nhà trình chiếu vũ trụ; TMA Campus; Khách sạn 5 sao để phục vụ cho các nhà khoa học đến Việt Nam dự hội thảo, nghiên cứu… Tỉnh cũng quan tâm đến các công việc BPO, Testing, tạo việc làm cho sinh viên các trường cao đẳng và người khuyết tật...
Năm 2017, tỉnh cũng đã tiếp xúc 70 đoàn đến từ Nhật bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore và thu hút được 8 dự án FDI với tổng đầu tư nước ngoài đạt 923 triệu USD. Trong nước thu hút được 39 dự án đạt 934 tỷ đồng. Các dự án Nhật Bản đầu tư tại khu vực này tập trung vào mảng dịch vụ, may mặc, năng lượng điện mặt trời, tổng mức đầu tư là 101 triệu USD. Hiện tỉnh Bình Định tập trung thu hút các dự án bảo vệ môi trường, công nghệ xanh và đầu tư về du lịch, giáo dục. Tỉnh cũng ưu đãi về đào tạo nguồn lực cho doanh nghiệp phần mềm với thuế suất rất thấp.
"Đại học Quy Nhơn là trường công lập hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, ông Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn, nhìn nhận. Trường cam kết hỗ trợ phát triển ngành CNTT và trung tâm Việt - Nhật để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp CNTT đầu tư vào Bình Định. “Tôi hoàn toàn ủng hộ hướng OJT (On Job Training) và đưa chương trình của công ty vào áp dụng trong đào tạo ở khoa CNTT và khoa Toán tại các trường đại học và cao đẳng", ông nói.
CEO FPT Nhật Bản, cho biết, FPT Software đã có hơn 13.000 kỹ sư cùng 4 trụ sở chính tại Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ). Hiện Phần mềm FPT mỗi năm tăng trưởng 30-40% phục vụ thị trường Nhật Bản. FPT Japan với quân số gần 1.000 người, mỗi năm tuyển 500 kỹ sư sang Nhật làm việc cũng như đào tạo 300 kỹ sư học tiếng Nhật để đưa sang Nhật làm việc.
“FPT Japan tìm kiếm địa điểm mới với quy mô khoảng 1.000 người để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ trí thức cao. Với FPT Japan, tài sản quan trọng nhất là nguồn lực con người. FPT Japan cũng đánh giá cao các nhân tài đến từ thành phố Quy Nhơn đang rất thành công ở môi trường FPT Software như anh Nguyễn Quốc Hưng hiện làm Giám đốc FPT Korea; anh Lê Thanh Nhàn, Giám đốc CME; anh Hồ Đắc Nhân Tâm, Giám đốc FSG.INS2; anh Nguyễn Thành Vương, Giám đốc FSG.SS2…”, anh Hòa nói.
Thông qua việc tìm hiểu về con người, cơ sở hạ tầng, văn phòng, chế độ chính sách, CEO FPT Japan cho rằng Quy Nhơn là nơi đầu tư tiềm năng của FPT Japan trong tương lai gần: “Ngay trong quý 1/2018, FPT Japan sẽ tiếp tục khảo sát các địa điểm để mở một Trung tâm phát triển với 100 người”.
Quy Nhơn là thành phố ven biển miền Trung Việt Nam và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Hạ tầng giao thông khá tốt với Sân bay quốc tế Phù Cát là một trong những sân bay lớn và có các tiêu chí kỹ thuật tốt nhất của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên và có khả năng tiếp nhận các máy bay loại lớn như Airbus A330, Boeing 737, Boeing 777. Mục tiêu phát triển của thành phố theo đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phấn đấu đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những thành phố trung tâm vùng duyên hải miền trung. Đến năm 2035 là trung tâm kinh tế biển quốc gia, đến năm 2050 là một trong những thành phố quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và Đông Nam Á. |
>> Lãnh đạo Đà Nẵng ưu tiên cùng FPT giải bài toán nhân lực
Hoàng Sơn
Ý kiến
()