Chúng ta

FPT IS và ngành đường sắt cảnh báo website ‘nhái’ bán vé tàu giá cao

Thứ bảy, 12/1/2019 | 14:32 GMT+7

Đại diện FPT IS - đối tác vận hành hệ thống bán vé tàu và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng lên tiếng cảnh báo người dân về tình trạng các website giả mạo đăng bán vé tàu với giá cao hơn rất nhiều so với giá gốc.

Gần đây, trên mạng Internet xuất hiện một số trang web bán vé tàu hỏa với giá đắt hơn nhiều so với giá vé của ngành đường sắt. Các trang này có tên miền gần giống với website của ngành đường sắt (như vietnam-railxxx.om; www.vietnam-railxxx.net…) nên một số hành khách, đặc biệt là người nước ngoài đã hiểu nhầm và mua vé với giá rất cao. 

Phóng viên Chúng ta thử với vé tàu chiều đi Sài Gòn - Hà Nội ngày 17/1, website www.vietnam-railxxx.com cho biết vẫn còn vé ở nhiều giờ chạy và mã tàu khác nhau, nhưng giá của mã tàu SE4 là 89 USD, chưa kể phí dịch vụ. Nếu nhân với tỷ giá khoảng 23.300 đồng/1USD, giá vé  trên website này là khoảng 2.073.700 đồng. Trong khi đó, giá vé của đường sắt Việt Nam chỉ 1.240.000 đồng. Như vậy, mức giá của website bên ngoài cao hơn khoảng 833.000 đồng, tương đương khoảng 40%. 

ve-tau-nhai-1-2492-1547277730.jpg

Cùng thời điểm giờ tàu chạy nhưng vé ở website nhái (bên trên) có giá cao hơn 40% so với trang chính thức của ngành đường sắt.

Chưa hết, khách hàng còn phải trả thêm các loại phí cho những website này như phí dịch vụ, phí chuyển đổi ngoại tệ, và thậm chí là khoản thu phụ trội Tết.

Không chỉ ‘săn’ khách du lịch nước ngoài, nhiều trang web tương tự bán vé cho khách nội địa. Chỉ cần tìm kiếm trên Google với từ khóa “vé tàu”, lập tức ghi nhận hàng chục website bán vé tàu trực tuyến như: vetaugiare24h.com; vetautructuyen.vn; vetau247.com... 

Đáng nói, đây không phải là các website bán vé trực tuyến của ngành Đường sắt, nhưng lại “lập lờ đánh lận con đen”, sử dụng logo, hình ảnh, form đặt vé tương tự các website bán vé chính thức khiến khách hàng lầm tưởng đây là website của đường sắt.

Theo PTGĐ Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn – ông Lê Quốc Trung, có nhiều trường hợp khách hàng đến ga đổi, trả vé mới biết mình bị mua giá cao mà không được các website này thông báo có gồm phí dịch vụ mua vé hay không. Trên thẻ lên tàu in ra và cấp cho hành khách vẫn đúng thông tin người đi tàu, hành trình, chỉ có giá vé là cao hơn.

“Có thể sau khi người mua đăng ký thông tin đặt vé, nhân viên của các website sử dụng thông tin này để mua vé trên website của ngành đường sắt. Khi in thẻ lên tàu xong, sẽ sửa lại giá tiền và photo lại, rồi cấp bản photo cho người mua để đi tàu”, ông Trung nói và cho biết, công ty đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng, các cơ quan công an, đề nghị theo dõi và có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, chưa nhận được phản hồi hay kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

“Nếu là đại lý của ngành đường sắt vi phạm, chúng tôi sẽ cắt hợp đồng vì theo quy định, đại lý phải bán đúng giá vé đã niêm yết trên hệ thống bán vé điện tử và chỉ hưởng hoa hồng. Còn tiền dịch vụ phải thông báo và thỏa thuận với khách hàng”, ông Trung khẳng định và cho biết, hiện công ty có 120 đại lý ở các tỉnh và đều đăng công khai địa chỉ, số điện thoại.

Trong khi đó, anh Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ đường sắt FPT IS, đối tác vận hành hệ thống vé tàu điện tử của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng, việc các wesite này sử dụng các hình ảnh như trên thực chất là hành vi “nhái” website thật. 

“Việc này là vi phạm bản quyền, vì các thiết kế layout trên website, hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt là định vị, quảng bá hình ảnh ngành đường sắt. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn toàn có thể kiện các website này”, anh Bình khẳng định.

Theo anh Bình, để tránh thiệt hại khi mua vé trực tuyến từ các website “nhái” với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé gốc, hành khách nên truy cập vào trang web chính thức hoặc qua các kênh phân phối của ngành đường sắt để tra tìm, mua vé. Website bán vé tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là: www.dsvn.vn. Ngoài ra, còn có website bán vé của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn: vetau.com.vn; giare.vetau.com.vn; giare.vetau.vn; và trang của Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội: vetauonline.vn.

>> FPT IS thêm trang web mua vé tàu Tết giá rẻ

Từ năm 2014, để khắc phục những bất tiện và khó khăn của hình thức mua vé tại ga, tại đại lý hoặc tổng đài, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kết hợp với FPT IS xây dựng hệ thống bán vé điện tử, triển khai được chia làm 3 giai đoạn trong vòng 7 năm.

Trang web cũng cung cấp thông tin tổng quan nhất đối với từng mác tàu như: Thông tin cụ thể về thời gian tàu di chuyển từ ga đi - ga đến để người đi tàu chủ động sắp xếp thời gian; số chỗ còn và giá vé của tất cả loại chỗ; các chương trình khuyến mãi...

Bước hợp tác giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và FPT IS đã mang lại nhiều tiện ích cho người mua vé khi FPT IS lần lượt tích hợp các mô hình công nghệ hiện đại vào quản lý vé phát hành và đăng ký mua vé trực tuyến trên website dsvn.vn và vetau.com.vn.

Tính đến nay, hành khách đi tàu hỏa hoàn toàn có thể tự in vé mà không cần phải ra ga lấy vé như trước, có thể thanh toán qua kênh Payoo hoặc ví điện tử Momo. Các hình thức này giúp hành khách mua và thanh toán vé tàu một cách dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn chỉ với điện thoại thông minh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giải pháp Dịch vụ vận tải hành khách FPT, trong năm ngoái, Đường sắt Việt Nam đã bán ra tổng số hơn 9,7 triệu vé; Trong đó có gần 1,4 triệu vé mua qua mạng, tăng 3,5 triệu vé so với năm ngoái.

Tân Phong

Ý kiến

()