Những thành viên của FPT Myanmar. |
Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT và FPT Myanmar là đơn vị triển khai dự án này. Theo đó sẽ cung cấp thiết bị, cài đặt và triển khai các Trung tâm dữ liệu cho Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar tại thủ đô Nay Pyi Taw và Yangon.
Anh Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT Myanmar, nhận định: “Chiến lược của FPT tại các quốc gia đang phát triển là dùng chính những kinh nghiệm triển khai thành công các dự án CNTT tại Việt Nam. Thực tế, từ năng lực và kinh nghiệm tại Việt Nam, FPT đã triển khai thành công nhiều dự án hàng chục triệu USD tại Bangladesh, Myanmar… Việc FPT được Myanmar tin tưởng lựa chọn thực hiện dự án hiện đại hóa quản lý tài chính công đã tiếp tục khẳng định cho chiến lược toàn cầu hóa mà FPT đang thực hiện tại quốc gia đang phát triển là đúng đắn".
Riêng tại Myanmar, FPT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có sự hiện diện của các công ty thành viên tại Myanmar để đem tất cả giải pháp, sản phẩm, dịch vụ của FPT ở Việt Nam sang triển khai ở quốc gia này. FPT IS đã và đang làm một trong những FPTx giành được những hợp đồng đầu tiên và trị giá lớn nhất tại đây.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar mở thầu vào ngày 9/9/2016 với sự tham gia của 13 nhà thầu quốc tế và trong nước. Hồ sơ dự thầu của FPT được mở cuối cùng, thứ tự trùng với con số may mắn của FPT. Gói thầu thuộc dự án Hiện đại hóa quản lý Tài chính công cho Chính phủ Myanmar.
Theo sát gói thầu từ đầu, TGĐ FPT Myanmar Đoàn Nhật Minh đánh giá cao tinh thần làm thầu không quản vất vả ngày đêm của anh chị em, tác phong chuyên nghiệp của đội ngũ kỹ thuật FPT IS, FPT cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các đối tác. Để giành được gói thầu này, FPT đã phải vượt qua 12 nhà thầu tên tuổi đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Myanmar. Mặc dù được nhận định có nhiều tiềm năng nhưng Myanmar cũng được biết đến là một thị trường có tính cạnh tranh cao. Việc FPT tiếp tục thắng những gói thầu lớn tại quốc gia này không chỉ mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực tài chính công mà còn khẳng định được vị thế của công ty công nghệ Việt Nam với các đối tác bản địa và quốc tế. Đối với Myanmar, dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ giúp quốc gia này hiện đại hóa hệ thống tài chính, ngân hàng.
Trước đó, FPT đã triển khai nhiều dự án CNTT quan trọng cho Myanmar như Hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Myanmar, Cổng thông tin điện tử quốc gia, Hệ thống ERP cho UPG - công ty Sơn lớn nhất Myanmar… FPT cũng là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép dịch vụ viễn thông tại Myanmar. Việc tiếp tục thắng thầu trị giá 11,3 triệu USD đã khẳng định được vị trí vững chắc của FPT Myanmar trong hàng ngũ các công ty CNTT hàng đầu tại thị trường Myanmar.
Với số dân lên đến 54 triệu người, cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Myanmar đã trở thành một thị trường quan trọng thứ hai của FPT trong khối các nước đang phát triển, sau Bangladesh.
Myanmar là một trong những thị trường mới nổi nằm trong trọng tâm chiến lược toàn cầu hóa của FPT. Thành lập vào năm 2013, FPT Myanmar tập trung kinh doanh các lĩnh vực Tích hợp hệ thống, Viễn thông, Đào tạo CNTT, Dịch vụ quản trị doanh nghiệp (ERP). Ngoài ra, FPT cũng tiếp tục mở rộng việc tư vấn tin học hóa hoạt động điều hành các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp hàng đầu tại Myanmar, thiết lập hợp tác cùng các cơ quan chính phủ và hiệp hội máy tính Myanmar phát triển ngành công nghiệp phần mềm và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đất nước này. Là một trong công ty hàng đầu về CNTT ở Việt Nam, với kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam trong quá trình phát triển hơn 20 năm qua, FPT mong muốn đầu tư và phát triển kinh doanh mạnh mẽ và lâu dài ở Myanmar. FPT hiện có mặt ở 21 quốc gia trên thế giới với hơn 28.000 nhân viên. Doanh thu năm 2016 đạt 40.545 tỷ đồng. Trong đó doanh thu toàn cầu hóa đạt 6.121 tỷ đồng, tăng 26% so với 2015. FPT hiện là đối tác cấp cao về Iot, Cloud của nhiều hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Myanmar sẽ là một trong những mắt xích của FPT để đạt mục tiêu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020. |
Huyền Linh - Lưu Vân
Ý kiến
()