Chúng ta

FPT hiện thực hóa giấc mơ Nông nghiệp số

Thứ tư, 24/2/2016 | 15:51 GMT+7

Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu chính thức khai trương hôm nay (ngày 24/2) tại Hà Nội, đã khẳng định cam kết cao nhất của hai bên trong việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, chung tay thúc đẩy sự phát triển của mô hình Nông nghiệp thông minh quốc gia.

Chương trình được tổ chức tại Viện Nông nghiệp Việt Nam, Gia Lâm, Hà Nội, với sự tham gia của nhiều quan khách chính phủ hai nước, gồm có: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh; Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Yanagi Jun; Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam... cùng đại diện lãnh đạo FPT, Fujitsu và các doanh nghiệp của hai nước.

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, cuộc cách mạng thứ 4 còn gọi là cuộc cách mạng số, được dẫn dắt bởi SMAC và IoT đang thay đổi diện mạo của thế giới một cách vũ bão. Tất cả lĩnh vực quen thuộc với đời sống đều trở thành các lĩnh vực mới, như giao thông thông minh, chính phủ thông minh, giáo dục thông minh và cả nông nghiệp thông minh. "Với sứ mệnh là doanh nghiệp tiên phong, FPT có trách nhiệm sẽ triển khai nông nghiệp thông minh tại Việt Nam", anh Bình khẳng định.

Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu chính thức khai trương vào hôm nay (ngày 24/2), tại Hà Nội đã khẳng định cam kết cao nhất của FPT và Fujitsu trong việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu chính thức khai trương, khẳng định cam kết cao nhất của FPT và Fujitsu trong việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Thực hiện cam kết này, FPT và Fujitsu chính thức khai trương Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây - Akisai. Đây là kết quả bước đầu trong khuôn khổ dự án hợp tác nông nghiệp thông minh đã được hai bên giới thiệu vào cuối năm 2014. Trong đó, FPT phối hợp với Fujitsu trong việc triển khai thử nghiệm công nghệ nông nghiệp thông minh và tiến tới chuyển giao công nghệ này tại Việt Nam. 

Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu đang áp dụng hai mô hình sản xuất “Nhà kính - Green house” và “Nhà máy rau - Vegetable factory” trên hai loại rau có giá trị gia tăng cao là cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali. Điểm khác biệt của hai mô hình này là cây trồng được điều khiển từ xa và hoàn toàn tự động trong môi trường khép kín, tránh được sâu bệnh, nhờ vậy giảm công sức cho người trồng và cho sản phẩm chất lượng vượt trội.

Mô hình nhà máy rau - Vegetable factory.

Mô hình nhà máy rau - Vegetable factory.

Cụ thể, cây xà lách giòn, ngọt, hàm lượng kali chỉ bằng 1/5 xà lách thông thường, rất phù hợp với người bị bệnh thận và người ăn kiêng - hai đối tượng cần chú ý đến hàm lượng kali đưa vào cơ thể. Đặc biệt, vì không sử dụng chất hóa học nông nghiệp nên rau xà lách có thể ăn ngay mà không cần rửa.

Vườn trồng cà chua được điều khiển từ xa.

Vườn trồng cà chua được điều khiển từ xa.

Cà chua có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng rất cao, với lượng đường và lycopene (thành phần chống oxy hóa) cao hơn khoảng ba lần so với sản phẩm thông thường. Đặc biệt, cà chua được áp dụng kỹ thuật IMEC (phương pháp trồng trên tấm phim Hydrogel) cho phép chất dinh dưỡng và nước thấm qua, giúp ngăn chặn toàn bộ vi khuẩn. Với kỹ thuật này, cà chua được trồng với mật độ cao - trung bình 4.000-6.000 cây/1.000 m2, thu hoạch được quanh năm, thay vì trồng luân canh như kỹ thuật thông thường tại Việt Nam.

Dự kiến, sau giai đoạn thử nghiệm, FPT và Fujitsu sẽ thống nhất mô hình phù hợp để các doanh nghiệp, tổ chức có thể cùng hợp tác triển khai rộng rãi tại Việt Nam.

Các đại biểu nghe quy trình sản xuất rau sạch theo công nghệ Akisai.

Các đại biểu nghe quy trình sản xuất rau sạch theo công nghệ Akisai.

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đánh giá cao sự kiện này. "Tôi hoan nghênh việc FPT phối hợp với Fujitsu xây dựng mô hình ứng dụng CNTT và công nghệ sinh học để tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Đây là kết quả không chỉ về khoa học kỹ thuật về chuyển giao mà còn thể hiện mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước". 

Theo Bộ trưởng, những dự án như này rất cần thiết để mở đường cho quá trình thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong nông nghiệp. "Để làm được, cần sự tham gia tích cực cùa các doanh nghiệp như FPT. Từ đó, đưa ra các mô hình phù hợp cho hộ nông dân để họ áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất", ông nói.

Ngoài ra, việc ra mắt Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu cũng góp phần hiện thực hóa ba mong ước của Bộ trưởng, gồm: Phát triển toàn diện mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, có sức cạnh tranh cao với thế giới và ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào sân chơi nông nghiệp. 

Cà chua có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng rất cao, với lượng đường và lycopene (thành phần chống oxy hóa) cao hơn khoảng ba lần so với sản phẩm thông thường

Cà chua có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng rất cao, với lượng đường và lycopene (thành phần chống oxy hóa) cao hơn khoảng ba lần so với sản phẩm thông thường.

Chủ tịch FPT chia sẻ, FPT và Fujitsu mong muốn giới thiệu một khái niệm mới tượng trưng cho nông nghiệp tương lai của Việt Nam, Nhật Bản và của cả thế giới, đó chính là Nông nghiệp số. Thời gian tới, FPT sẽ tìm kiếm mô hình nông nghiệp số hiện đại, và phù hợp với Việt Nam để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể triển khai được ở Việt Nam. 

"Những năm 2000, FPT từng "cô đơn" khi mơ về Việt Nam xuất khẩu phần mềm trong muôn vàn khó khăn thì năm vừa qua, Việt Nam trở thành quốc gia mới nổi hấp dẫn nhất thế giới về xuất khẩu phần mềm. Ở Nhật Bản, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để đứng vị trí thứ 2 về gia công phần mềm. Lần này, FPT có ước mơ mới, ước mơ về Nông nghiệp số. Với sự chỉ đạo và ủng hộ của Bộ trưởng Cao Đức Phát, của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia khác, tôi tin tưởng giấc mơ này sẽ thành hiện thực", anh Bình nói.

Mô hình Nông nghiệp thông minh Akisai là một trong những công nghệ hiện đại và thông minh nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, được Fujitsu giới thiệu tại Nhật Bản vào năm 2012 và đã giúp tối ưu hóa mô hình sản xuất nông nghiệp từ khâu cung cấp vật tư, đến canh tác, sơ chế, vận chuyển, phân phối sản phẩm nhờ áp dụng công nghệ thông tin. 

Việt Nam đang tìm kiếm những giải pháp hiện đại nhằm giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm mà tiêu biểu là cải cách kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Hiện nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản như Fujitsu, Toshiba, Panasonic cũng như các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như FPT đang có xu hướng đưa ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nhằm chung tay thúc đẩy sự phát triển của mô hình Nông nghiệp thông minh quốc gia.

Thanh Nga

Ý kiến

()