Hội thảo có sự góp mặt của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Giáo sư Ngô Tự Lập - Hiệu trưởng Viện Quốc tế Pháp Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Phó Chủ tịch Công ty HCL Technologies Việt Nam Sanjay Gupta.
Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, những triển vọng mới về đầu tư giáo dục đại học giữa Việt Nam và Nam Á cũng như giải đáp những thắc mắc khi tiến hành các hoạt động hợp tác, giáo dục và đầu tư tại thị trường này. Từ đó, nhấn mạnh đến Việt Nam như một điểm đến giáo dục đầy tiềm năng, nhất là trong bối cảnh cơ hội thực tập - việc làm tại các công ty nước ngoài/công ty đa quốc gia tại Việt Nam ngày một phát triển.
Hội thảo trực tuyến “Triển vọng mới về đầu tư nước ngoài và phát triển giáo dục đại học giữa Việt Nam và Nam Á” do FPT Education Global tổ chức. |
Giáo sư Ngô Tự Lập đánh giá hội thảo là cơ hội quý báu để hợp tác giáo dục của Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung và khu vực Nam Á nói riêng. Giáo sư cũng nhấn mạnh Việt Nam là nước thành công trong việc quốc tế hoá giáo dục từ lịch sử sơ khai cũng như hiện tại, thể hiện ở số lượng và chất lượng của các trường quốc tế tại Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu mong muốn cải thiện thực trạng số lượng sinh viên từ Nam Á tới Việt Nam và khẳng định Việt Nam xứng đáng là một điểm đến đầu tư - du học bởi sự ổn định chính trị cũng như tốc độ phát triển kinh tế được giữ vững. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong bối cảnh đại dịch, khi Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng dương và đang cải thiện vị trí, trở thành một trong những nền kinh tế dẫn đầu khu vực ASEAN.
Về sức hút giáo dục đại học Việt Nam, Đại sứ cũng phân tích Việt Nam có số lượng cơ sở đào tạo, chương trình giảng dạy đa dạng, chất lượng đào tạo ngày càng được cải thiện. Trải nghiệm Việt Nam với bề dày lịch sử và mô hình chính trị - kinh tế khác biệt là một điều nên có với sinh viên, đặc biệt là ở bậc sau đại học. Với sinh viên từ Nam Á, sức hút còn nằm ở nền tảng quan hệ chính trị song phương tốt đẹp, giá cả sinh hoạt phải chăng và sự tương đồng trong văn hóa, nhất là các giá trị gia đình và cộng đồng.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu. |
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đang triển khai đẩy mạnh những khía cạnh mới trong hợp tác giáo dục như đào tạo y khoa cho sinh viên Ấn Độ tại Việt Nam hay mô hình đầu tư hợp tác đào tạo của tập đoàn HCL trong lĩnh vực công nghệ thông tin vừa qua.
Đây là lần đầu tiên FPT Edu Global tổ chức hội thảo giáo dục trực tuyến thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nam Á. Trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, FPT Edu Global kỳ vọng các hội thảo giáo dục chuyên sâu được tổ chức trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy quá trình hợp tác giáo dục liên quốc gia, đồng thời góp phần hình thành cách thức hợp tác giáo dục trong bối cảnh bình thường mới.
Phụ trách tuyển sinh sinh viên quốc tế đến học tại FPT Education, FPT Edu Global đã mang cơ hội du học tại Việt Nam đến với hàng trăm sinh viên tại các quốc gia như Nigeria, Lào, Ghana, Cameroon, Nhật bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, FPT Edu Global còn là đơn vị phụ trách phát triển các chương trình trao đổi sinh viên, tuyển sinh và tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn cho sinh viên quốc tế tới Việt Nam. Hiện nay, FPT Edu Global đang duy trì quan hệ hợp tác với 180 đối tác tại 40 quốc gia trên thế giới, tiếp nhận hơn 1.000 lượt sinh viên nước ngoài sang học tập, thực tập ngắn hạn tại Việt Nam mỗi năm.
Hà My
Ảnh: ĐVCC
Ý kiến
()