Ngày 6/7, FPT được Bộ truyền thông và CNTT Myanmar cấp giấy phép kinh doanh Viễn thông tại đất nước Chùa Vàng. Thời hạn giấy phép là 15 năm, sau đó sẽ gia hạn tiếp.
Theo quy định của Myanmar, NFSI là giấy phép cao nhất, trong đó quan trọng nhất là quyền triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia và cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông như: Truyền hình qua Internet (IPTV), trò chơi trực tuyến (Game Online), báo điện tử (e-News), thương mại điện tử (e-Commerce), Domain, Hosting.... Đại diện FPT cho biết, các dịch vụ được cung cấp gần như đầy đủ so với giấy phép mà tập đoàn đã có tại Việt Nam.
Anh Đoàn Nhật Minh (thứ hai từ trái qua), CEO FPT Myanmar, cùng các đồng nghiệp khi nhận giấy phép NFSI. Ảnh: FMM. |
"Hiện 6 doanh nghiệp của Myanmar cũng có NFSI. FPT là công ty nước ngoài duy nhất được cấp giấy phép cho đến nay”, CEO FPT Myanmar Đoàn Nhật Minh tiết lộ.
Theo anh Dương Dũng Triều, PTGĐ phụ trách Toàn cầu hoá của FPT, năng lực và kinh nghiệm thực tế trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông tại thị trường các nước đang phát triển như Campuchia, Việt Nam được Manmar đánh giá cao. "Cùng với đó, cam kết đầu tư nghiêm túc, lâu dài chính là yếu tố then chốt giúp FPT thuyết phục được Bộ Truyền thông và CNTT Myamar trong quyết định cấp phép này".
Sau khi nhận giấy phép, FPT sẽ triển khai các dịch vụ trong phạm vi của giấy phép như kết nối hạ tầng các công ty, nhà máy từ những khu vực khác nhau - xu hướng mới tại Myanmar - đồng thời chuẩn bị cho việc xây dựng hạ tầng viễn thông để sớm có thể khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Thống kê của các tổ chức phi chính phủ cũng chỉ ra, nếu như 3 năm trước chỉ có khoảng 1% người dân tại Myanmar được tiếp cận Internet, giờ đây, con số này đã tăng lên tới 25%. “Myanmar là thị trường rất tiềm năng với dân số gần 56 triệu người. Chất lượng đường truyền Internet hiện ở mức rất thấp. Đây là cơ hội cho FPT khai phá”, anh Minh tin tưởng.
Viễn thông mang thương hiệu FPT sẽ sớm hiện diện tại đất nước Chùa Vàng. Ảnh: MBT. |
Sự phát triển của thị trường viễn thông Myanmar trong những năm gần đây được đánh giá là “đáng kinh ngạc” bởi chỉ có ba năm trước, tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động chỉ là 1%. Từ năm 2011, Chính phủ Myanmar đã có những nỗ lực để cải cách ngành viễn thông. “Việc bãi bỏ nhiều quy định nghiêm ngặt và mở cửa thị trường viễn thông của Myanmar để thu hút đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ là nhân tố quan trọng trong sự phát triển về cơ sở hạ tầng cùng các dự án chiến lược”, tờ Forbes nhận định.
Các chuyên gia công nghệ cũng dự báo, thị trường viễn thông và di động tại Myanmar sẽ là mảnh đất đầy tiềm năng khi nhu cầu sử dụng các trang mạng xã hội tại đây đang ngày càng tăng. Việc tiếp cận Internet một cách dễ dàng hơn chắc chắn sẽ giúp Myanmar mở toang cảnh cửa đối với các nhà đầu tư thế giới. Các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là một "con hổ" mới của kinh tế châu Á trong một vài thập kỷ tới.
"Dịch vụ viễn thông vốn là thế mạnh của FPT. Mang thế mạnh này sang Myanmar, FPT không chỉ giúp phát triển hạ tầng viễn thông cho đất nước Chùa Vàng mà còn phát triển các mảng kinh doanh khác của FPT cần đến hạ tầng viễn thông mạnh", anh Minh kỳ vọng. "Sau viễn thông, các dịch vụ về phần mềm, tích hợp hệ thống, giáo dục đào tạo, chính phủ điện tử... của FPT cũng có cơ hội cạnh tranh tốt hơn khi rào cản trước đây về băng thông, chất lượng và chi phí thuê đường truyền Internet tại Myanmar được cải thiện đáng kể".
Trước Myanmar, FPT cũng giành được giấy phép kinh doanh Viễn thông tại Campuchia. Hiện đại diện của Tập đoàn tại đất nước Chùa Tháp là doanh nghiệp số một trong lĩnh vực Internet cố định.
FPT xác định Myanmar là một trong những thị trường trọng điểm của chiến lược toàn cầu hóa. Tháng 2/2013, HĐQT FPT đã thông qua phương án mở Văn phòng đại diện tại Myanmar và đến tháng 7 cùng năm, công ty FPT Myanmar được thành lập. FPT Myanmar đại diện tập đoàn thiết lập quan hệ với chính phủ, bộ ngành và các hiệp hội ICT, khách hàng có nhu cầu ứng dụng CNTT tại quốc gia này. Hiện diện tại đất nước Chùa Vàng hiện có các công ty thành viên là FPT IS, FPT Trading, ĐH FPT, FPT Software và FPT Telecom... FPT mong muốn có cơ hội được trải nghiệm thêm một lần nữa giai đoạn tăng trưởng thần kỳ ở đất nước này giống Việt Nam giai đoạn 2003-2007.
Hiện tại, FPT Myanmar có 60 nhân viên, trong đó 35 nhân viên là người bản địa. Năm 2014, FPT Myanmar đóng góp 13,5 triệu USD vào doanh thu của tập đoàn.
>> ‘Năm 2015, FPT Campuchia tăng trưởng bằng 3 năm trước cộng lại’
Nguyên Văn
Ý kiến
()