Nằm trong hội thảo Ngày CNTT Nhật Bản - Japan ICT Day 2016, TP Đà Nẵng tái khẳng định CNTT là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, do đó chính quyền thành phố đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và đầu tư nguồn lực đáng kể để hình thành, phát triển. Hiện thành phố có gần 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mong muốn doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Đà Nẵng kết nối được nhu cầu, tìm kiếm những cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực CNTT. Chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, hợp tác cũng như giúp các doanh nhân Nhật Bản đến sống, làm việc tại thành phố.
Năm 2015, giá trị xuất khẩu phần mềm của FPT Softwave Đà Nẵng đạt khoảng 26 triệu USD, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng trên 70% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 35%. Để hợp tác lâu dài với các đối tác Nhật, FPT Softwave Đà Nẵng luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là đào tạo đội ngũ kỹ sư cầu nối biết tiếng Nhật. |
Nhật Bản là quốc gia có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Đông Nam Á, điển hình là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Đây là những lĩnh vực phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển của Đà Nẵng. Thành phố cũng xác định Nhật Bản là một trong những đối tác trọng điểm cần tập trung thu hút đầu tư. Nhật Bản là quốc gia có số dự án đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 112 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 397 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư trên toàn thành phố. Doanh nghiệp nước này đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận.
Phó Chủ tịch VINASA Nguyễn Đoàn Hùng nhận định, hơn 10 năm hình thành và phát triển, ngành phần mềm Đà Nẵng đạt được con số tăng trưởng ấn tượng, từ vài trăm nghìn USD vào năm 2000 đến cuối năm 2015 đã đạt gần 50 triệu USD. Hiện có rất nhiều công ty Nhật Bản tìm đến Đà Nẵng để hợp tác làm ăn. Nhờ nguồn lao động cần cù, giá nhân công rẻ, môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Đà Nẵng trở thành điểm đến nổi bật trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
"Hiện nguồn nhân lực CNTT, nhất là kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật tại thị trường Đà Nẵng vẫn khan hiếm. Vì vậy, thành phố nên đưa chương trình đào tạo tiếng Nhật vào giảng dạy trong khoa CNTT tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn”, ông Hùng đề nghị.
Thành phố cũng giới thiệu một số doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực CNTT đóng trên địa bàn để trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp Nhật Bản. Điển hình là FPT Software Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố đạt tổng doanh thu toàn ngành CNTT năm 2015 tăng 15,9% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 49,3 triệu USD, tăng trưởng gần 50% so với năm 2014. Thành phố tiếp tục dẫn đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT Index), đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu về chỉ số này trong khối 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đoàn Nhật Bản tham quan môi trường làm việc FPT Complex. Phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến các chính sách ưu đãi của Đà Nẵng đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như chính sách về thuế, ưu đãi về hạ tầng, nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật…. Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên để đầu tư, hợp tác trong thời gian tới. |
Hiện có trên 30 công ty lớn trên thế giới đã chọn FPT Software Đà Nẵng để ủy thác dịch vụ phần mềm, trong đó phần lớn là các đối tác Nhật Bản. Trong 3 năm gần đây, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng trung bình 50-60% mỗi năm, đội ngũ kỹ sư CNTT cũng tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 400 người trong năm 2011 lên gần 2.000 người năm 2016. Nhiều dự án trị giá triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới đã được triển khai tại FPT Đà Nẵng, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới điện toán đám mây.
Để nắm rõ về lĩnh vực đầu tư và mối quan hệ, hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã đến thăm và làm việc ở FPT Complex. GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương có những chia sẻ về lộ trình phát triển và mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và FPT. Cụ thể, FPT Software cần tuyển khoảng 4.500 CBNV, trong đó gần 50% là cho các dự án với khách hàng Nhật Bản. FPT cũng đang triển khai mạnh mẽ chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối trong giai đoạn 2015-2020. Riêng FPT Japan hiện có hơn 700 CBNV với tổng cộng 4 văn phòng tại các thành phố lớn, gồm: Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka, cùng hai khu ký túc xá với gần 200 phòng. Trong năm 2015, doanh thu từ thị trường Nhật Bản chiếm hơn 50% tổng doanh thu của FPT Software, tương đương gần 90 triệu USD.
Japan ICT Day 2016 diễn ra trong 3 ngày (26-28/10) tại Hà Nội và Đà Nẵng, thu hút hơn 60 doanh nghiệp CNTT đến từ Nhật Bản tham gia và tìm kiếm đối tác, đồng thời có sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam. Tại Đà Nẵng, chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản tổ chức trong hai ngày 27-28/10. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện 10 năm hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản. Hội thảo tại Đà Nẵng nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác CNTT giữa các doanh nghiệp tại địa phương và doanh nghiệp CNTT Nhật Bản, giới thiệu ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại thành phố. Trong 10 năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt Nam -Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT đã có bước phát triển đột phá. Chỉ sau 3 năm, Việt Nam được đánh giá là đối tác được ưu thích nhất của doanh nghiệp Nhật Bản. Đến năm 2015, Việt Nam vươn lên thành đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản. Các doanh nghiệp làm dịch vụ gia công xuất khẩu cho thị trường Nhật luôn có sự phát triển ổn định 20-40% ngay cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn nhất. Đây cũng là tiền đề cho việc hình thành và phát triển của một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong 5 năm gần đây. |
>> Hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản 'mục sở thị' FPT Complex
Việt Nguyễn
Ý kiến
()