Thị trường cổ phiếu Việt Nam tuần qua ghi nhận mức tăng vượt trội trong nhóm các thị trường cận biên. Chỉ số VN-Index tăng 1,58% trong tuần, trong khi VN30-Index tăng 1,4%. “Chúng tôi nhìn thấy sự dịch chuyển dòng vốn từ các kênh đầu tư khác sang cổ phiếu. Đây có thể là nguyên nhân chính giúp cổ phiếu tăng giá tốt như vậy”, Chứng khoán VnDirect nhận định.
Mã FPT vừa trải qua đợt tăng ấn tượng. |
Trong tuần, mã FPT tăng từ 44.700 đồng (phiên ngày 12/6) lên 45.700 đồng (phiên 16/6).
Đây là sự nối tiếp của sóng tăng rõ nét của mã FPT được hình thành kể từ ngày 25/4, với đáy của một đợt điều chỉnh ngắn hạn của thị trường chung. Theo giá đã điều chỉnh sau khi pha loãng cổ tức, mức giá ngày 25/4 của FPT là 38.890 đồng.
Trải qua 36 phiên, chứng khoán nhà F có 21 phiên tăng, 11 phiên giảm và 4 phiên đứng giá. Từ mức gần 39.000 đồng, FPT chốt phiên ngày 16/6 ở mức 45.700 đồng, tăng 6.700 đồng.
Khoảng thời gian này, FPT có khối lượng giao dịch trung bình hằng ngày xoay quanh mốc 1-1,2 triệu cổ phiếu/phiên và với biên độ tăng giảm giá trong phiên không quá lớn, đa phần chỉ khoảng dưới 2%/phiên. Chính vì thế, trong thời gian ngắn, cổ phiếu FPT không tạo ra một sự nổi bật đối với những nhà đầu tư trên thị trường.
Tuy nhiên, xét khoảng thời gian gần 2 tháng và so sánh cùng giai đoạn so với chỉ số chung VN-Index, kể từ ngày tạo đáy ngắn hạn (ngày 25/4) đến nay, VN-Index tăng khoảng 7,58% trong khi FPT tăng tới 17,8%. Trong lĩnh vực chứng khoán, đây là một mức chênh lệch khá lớn. Tuần gần nhất (12-16/6), cổ phiếu FPT cũng mang lại 1,2% cho những nhà đầu tư nắm giữ.
Theo nghiên cứu mới nhất của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), triển vọng tăng trưởng dài hạn của FPT đang được hỗ trợ bởi sự tăng tốc của mảng viễn thông và phần mềm.
Cụ thể, mảng xuất khẩu phần mềm sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong các quý tới nhờ các hợp đồng mới ký tại Mỹ trong quý 2. Dự báo thị trường Nhật (54% doanh thu mảng này năm 2016) sẽ tiếp tục dẫn đầu với doanh thu tăng 30% so với năm 2016. Trong khi đó, các hợp đồng mới tại thị trường Mỹ sẽ bắt đầu mang lại doanh thu từ quý 2, bù đắp cho việc mất một khách hàng lớn trong năm 2016, giúp doanh thu thị trường này tăng 20% so với năm 2016.
“Năng lực ngày một cải thiện của FPT trong các công nghệ mới như SMAC và Internet of Things (IoT), cùng khả năng cạnh tranh về chi phí, cho thấy mảng này sẽ có triển vọng tích cực trong dài hạn”, VCSC nhận định.
Trong khi đó, theo Chứng khoán Bản Việt, với mảng dịch vụ viễn thông, khi không còn các chi phí đầu cuối lớn, sẽ hỗ trợ lợi nhuận hơn nữa. Dự báo lượng đăng ký thuê bao băng thông rộng tăng 16% so với năm 2017, bù lại doanh thu từ mỗi thuê bao giảm 3% do FPT thâm nhập sâu hơn vào các thành phố loại 2 và loại 3.
“Tuy nhiên, biên lợi nhuận dự kiến sẽ tăng nhờ không còn chi phí đầu cuối tại Hà Nội và TP HCM cho cả năm. Điều này được phản ánh rõ nét trong quý 1 thông qua việc lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu tăng 13%. Có khả năng mảng dịch vụ viễn thông có thể duy trì tốc độ tăng trưởng thuê bao 10-15% nhờ chất lượng dịch vụ tốt hơn và giá cả cạnh tranh”, báo cáo nêu.
Báo cáo mới nhất cho hay, kết thúc 4 tháng đầu năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 12.975 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 104% kế hoạch lũy kế 4 tháng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 904 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, tương đương 108% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 759 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Sau 4 tháng, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận 1.963 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% và 284 tỷ đồng LNTT, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, ngày 15/6, Nikkei Asian Review, tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản, đã công bố danh sách Asia 300 - nhóm doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có giá trị nhất châu Á. Việt Nam tiếp tục có 5 đại diện lọt danh sách là FPT, Vinamilk, GAS, Vietcombank và Vingroup. FPT là thương hiệu duy nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin (Information Technology) của ASEAN trong danh sách này. Đây là năm thứ 4 liên tiếp FPT được Nikkei vinh danh.
>> Chủ tịch Trương Gia Bình: ‘FPT là sư tử’
Nguyên Văn
Ý kiến
()