Chúng ta

‘Chuyên án 349’ của Viễn thông FPT

Thứ hai, 16/3/2015 | 18:35 GMT+7

Kế hoạch tác chiến bí mật FPT Telecom vạch ra khiến tất thảy những người có liên quan đều bất ngờ. Hơn một năm âm thầm ‘đánh án’, đơn vị đã thu được kết quả khả quan, sẵn sàng cho cuộc chơi lớn hơn mà quang hóa mang lại.

Khi quốc lộ 1A trở nên quá tải, Việt Nam xây thêm các đường cao tốc để đáp ứng nhu cầu phát triển. Cách làm ấy cũng đúng với hạ tầng của FPT Telecom, cụ thể là quang hóa (chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang) - dự án mang bí số 349 với các tiêu chí: Bí mật, bất ngờ, nhanh và hiệu quả.

Năm 2013, Cisco thực hiện một nghiên cứu về viễn cảnh "Internet của vạn vật" (Internet of Everything), kết quả chỉ ra thế giới hiện có 11 tỷ thiết bị kết nối Internet và đang tăng trung bình 80 thiết bị mới mỗi giây. Đến năm 2020, hơn 50 tỷ đồ vật sẽ kết nối Internet. "Internet của vạn vật có tiềm năng thay đổi đáng kể bộ mặt nền kinh tế và chuyển đổi những ngành công nghiệp chủ chốt", Rob Loyd, chuyên gia Cisco, nhận định. "Câu hỏi đặt ra ai sẽ là người dẫn đầu và chiến thắng trong nền kinh tế mới này. Thành công không phụ thuộc vào vị trí địa lý hay quy mô của công ty mà phụ thuộc vào yếu tố: Ai là người có thể thích ứng nhanh nhất?".

quanghoa-1-1-2367-1426493585.jpg

Nhân công của đối tác đi cáp ngầm cho đơn vị. PTGĐ FPT Telecom Hoàng Trung Kiên kể, trong lần công tác gần đây tại TP HCM, anh đã đi trải nghiệm thực tế kinh doanh tại một khu vực trên đường Trần Hưng Đạo. “Đến chỗ nào cũng có, xa nhất trong vòng 100 m là có cáp quang của FPT”.

“Câu trả lời của FPT Telecom là quang hóa”, GĐ Công nghệ (CTO) Vũ Anh Tú nhấn mạnh. Khi nắm bắt những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, Ban lãnh đạo FPT Telecom đã âm thầm sang các khu vực phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… để nghiên cứu thị trường. “Quang hóa là nền tảng hạ tầng cốt lõi để thực hiện mọi dịch vụ trên một kết nối”, CTO FPT Telecom khẳng định và cho biết sự lựa chọn này khá tốn kém nhưng đảm bảo kinh doanh lâu dài với xu hướng ổn định.

Quyết định “đánh án” được đưa ra cuối năm 2013. Khi đó, nghe đến kế hoạch quang hóa cho toàn bộ khách hàng tại Hà Nội và TP HCM, tất thảy những người có liên quan đều cảm thấy áp lực. “Dự án rất tham vọng. Tôi nhớ y nguyên cảm xúc khi lần đầu được biết trong hai từ “khủng khiếp”. Việc này giống như chúng ta phải làm lại từ đầu cho toàn bộ khách hàng đã có từ hơn 10 năm nay: Đầu tư lại toàn bộ hạ tầng cáp quang trên hạ tầng cáp đồng hiện tại và chuyển đổi dây thuê bao cáp quang cho từng khách hàng một”, Phó GĐ Trung tâm quản lý đối tác phía Nam Hà Thanh Phước mô tả.

“Chuyên án 349” (3 nhiệm vụ, 4 mục tiêu và 9 bộ phận phối hợp) là dự án chưa từng có tiền lệ ở FPT Telecom khi việc tiến hành trên quy mô lớn và nhanh, nhưng thời gian đầu các thành viên tham gia phải đảm bảo bí mật. “Thậm chí là tuyệt mật. Ban Đảm bảo Chất lượng chỉ được thông báo tham gia sau khi dự án triển khai thực tế ngoài hiện trường hơn một tháng”, Phó ban Đảm bảo Chất lượng FPT Telecom Đinh Quang Tuấn cho hay. 

Khi ấy, toàn bộ hạ tầng quang mới được triển khai song song cùng với chuyển đổi khách hàng cũ sang nên nhóm dự án phải dự phòng rất nhiều yếu tố trong khi tiến độ vẫn đẩy ở mức “cực nhanh, chất lượng, đặc biệt là tối thiểu hóa sự ảnh hưởng dịch vụ và tối ưu hóa chi phí”. Trong hai tháng đầu tiên, chỉ những thành viên chủ chốt của dự án mới được phổ biến cụ thể. Đội đặc nhiệm được thành lập vào tháng 12/2013 gồm những nhân sự tinh nhuệ nhất thí điểm triển khai POP (point of presence - nơi kết nối Internet vào hệ thống) quang đầu tiên tại Lạng Sơn, sau đó POP demo swap 2.000 port (cổng kết nối) với toàn bộ lực lượng tại Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) mất 20 ngày. 

quanghoa-2-JPG-7315-1426493585.jpg

Quang hóa là chủ đề lớn nhất của FPT Telecom trong hiện tại và thời gian tới. Dự án dành được sự quan tâm, chuẩn bị từ các lãnh đạo tập đoàn cho đến các quản lý cao cấp nhất công ty khi sức nóng cạnh tranh và đón đầu cơ hội song hành mạnh mẽ. Ở Việt Nam, nhịp độ tăng trưởng của dịch vụ cáp quang có tốc độ nhanh, mạnh trong 2-3 năm gần đây. Tốc độ ấy thể hiện ở việc dịch vụ ngày càng lan rộng và được đón nhận tích cực. 

Phó GĐ Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng (INF) Mai Trọng Hiếu nhớ lại, khi được thông báo kế hoạch về chiến dịch triển khai 130.000 port, gần như toàn bộ đội hình đều xì xào phía sau là “không thể”, là “chém gió”. Thậm chí, trong dịp sơ kết giữa năm, một lãnh đạo cao cấp đã hỏi riêng rằng: “Liệu có hoàn thành không?”. 

INF là bộ phận chính thực hiện nhiệm vụ to lớn nhưng rất đỗi tự hào này. Ngay đầu năm 2014, các cuộc họp bàn phương án, cách thức thực hiện, việc thí điểm diễn ra ở quy mô nhỏ để rút kinh nghiệm, sau đó tổng hợp thành cách làm chung và xây dựng kế hoạch tổng thể, tiếp theo lại chia nhỏ nhiệm vụ tới từng bộ phận và mỗi cá nhân một cách chi tiết, rõ ràng. FTI, FPT Campuchia cũng cùng chung sức với “trận đánh” lịch sử này của Viễn thông FPT.

“Nổ phát súng” đầu tiên tại miền Bắc, “Chuyên án 349” vấp phải hàng loạt khó khăn khi thời tiết ba tháng đầu năm liên tục mưa phùn gió bấc, các hướng triển khai gần như tê liệt… Đỉnh điểm,  khi mở đợt cao điểm “tấn công” tại quận Hoàn Kiếm - địa bàn trọng yếu - toàn bộ hạ tầng ngầm gần như sập tắc, không lần ra manh mối. Ngay lập tức, cách thức, thời điểm cùng phương án tác chiến mới được đưa ra để bù đắp trước khi tìm ra hướng triển khai

Việc “phá án” đang vào guồng thì xuất hiện tình tiết mới: Một nhà mạng khác cũng quang hóa, chậm hơn FPT Telecom 6 tháng. Với lợi thế riêng có cộng thêm “vài chiêu độc”, đối thủ đã khiến sức chiến đấu của quân “nhà Cáo” giảm đi trông thấy. “Hoặc chúng ta đứng lên đánh nhanh thắng nhanh, hoặc tất cả cùng rời INF”, Giám đốc INF phía Nam Vũ Đức Huy hạ quyết tâm trong buổi xốc lại tinh thần toàn đội triển khai. Chiến lược thần tốc thu được những kết quả đột biến và Ban điều hành phải nâng mục tiêu kế hoạch đến 2 lần.

DSC-0493-1-1-7153-1426493585.jpg

Chúng ta đang trong giai đoạn khởi đầu của một cuộc cách mạng thứ hai trong ngành công nghệ thông tin sau làn sóng công nghệ cách đây 30 năm. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị kết nối di động trong khi dân số không mấy thay đổi, chỉ khoảng 8 tỷ người. Các thiết bị không dây sẽ phát triển theo cấp số nhân về vận hành, dung lượng, lưu trữ... “Quang hóa có thể gây khó khăn cho công việc kinh doanh hiện tại nhưng tôi tin tưởng vào sức mạnh tiềm ẩn, đầy thu hút của cáp quang. Ngoài dịch vụ cốt lõi, chúng ta sẽ bán nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên đó. Đấy là cơ hội của mỗi nhân viên và chính công ty”, PTGĐ FPT Telecom Chu Hùng Thắng hào hứng.

Theo thống kê, chỉ riêng INF đã thực hiện 615 báo cáo các loại, hàng nghìn bản thiết kế, bộ hồ sơ được tiến hành, hàng trăm cuộc họp triển khai, rút kinh nghiệm... Lúc cao điểm có hàng nghìn nhân sự, bao gồm các đối tác và 9 bộ phận tham gia “chuyên án”. 

Phăng phăng về đích, những ngày cuối năm 2014, chiến dịch quang hóa ghi nhận những bước tiến vượt bậc. Đầu năm, kế hoạch quang hóa tại khu vực Hà Nội, Sài Gòn giao mức phủ “40% địa bàn”. Chốt năm, con số đạt trên 70% hạ tầng. 

Thành công này không chỉ khiến FPT Telecom vui mừng mà khách hàng cũng thấy hào hứng. Anh Phan Quang Trung, ấp 1, xã Phước Kiển, Nhà Bè, vừa nhoay nhoáy bật TV qua các kênh khác nhau vừa khoe từ khi FPT Telecom thông báo chuyển sang cáp quang anh có trò tiêu khiển mới là xem phim HD. “Chờ mãi tôi cũng được xem TV HD tại nhà. Trước giờ khu nhà tôi toàn cáp đồng nên phải mua ổ cứng rồi mang lên công ty tranh thủ tải phim tối về coi. Giờ thì nhẹ nhàng rồi”, anh Trung cười tươi.

“Chuyên án 349” vẫn đang được FPT Telecom ráo riết triển khai, bởi đơn vị biết rằng với xu hướng các thiết bị không dây sẽ phát triển theo cấp số nhân về vận hành, dung lượng, lưu trữ..., “chuyên án” sẽ giúp họ có “đường cao tốc” để bán hàng.

Nguyên Văn

Ý kiến

()