Theo Chủ tịch KMS Technology, chi phí cho lĩnh vực outsourcing của Trung Quốc và Ấn Độ đang có chiều hướng gia tăng và tỷ lệ nghỉ việc ở mức cao. Và Việt Nam đang nổi lên như là “miền đất hứa”, Tech Crunch dẫn lời. Trang chuyên về công nghệ này cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi và được coi là điểm đến lý tưởng cho các công ty cần thuê ngoài. Tuy nhiên, điểm yếu là quy mô chưa đủ lớn để các công ty đa quốc gia xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm.
Josh Lieberman, Chủ tịch KMS. |
Năm 2010, Việt Nam lần đầu nhận được đánh giá "tốt" từ hãng nghiên cứu Gartner khi được chọn vào Top 30 quốc gia cho dịch vụ tại nước ngoài. Đánh giá này đang cải thiện khi ngành công nghiệp tại đây dần phát triển, sinh viên mới ra trường tăng, đầu tư nước ngoài và hãng khởi nghiệp cũng nhiều lên. Mới nhất, trong báo cáo của Gartner phát hành tháng 1 đã xem Việt Nam là điểm đến top đầu trong nhóm quốc gia mới nổi, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.
Bằng trải nghiệm thực tế tại Ấn Độ, Lieberman nhận thấy kỹ năng CNTT hiện đại của lao động Việt Nam đã bằng, và trong một số trường hợp còn vượt quốc gia Nam Á. Khả năng ngoại ngữ của Việt Nam cũng được Chủ tịch KMS đánh giá là “xuất sắc”. “Các trường học đang chú trọng dạy tiếng Anh và hiểu rõ rằng việc thành thạo ngôn ngữ này sẽ cho phép tiến xa trong lĩnh vực CNTT”, Lieberman nhận định.
Đã làm việc tại Việt Nam hơn 20 năm, Lieberman nhận thấy sự cam kết, tính tập trung và lòng trung thành tại đây ngày càng mạnh. Tỷ lệ nghỉ việc cũng chỉ khoảng 6-8%. Trong khi đó, con số này tại Ấn Độ là 20%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu hụt nhiều kỹ năng. Chẳng hạn, chỉ số Nhân tài Toàn cầu (Global Talent Index) năm 2015 cho thấy Việt Nam đã tụt một bậc, từ 52 năm 2011 xuống 53 năm nay. Những hoạt động sản xuất cần quy mô thực sự lớn vẫn chưa xuất hiện. Có lẽ phải cần 5-10 năm nữa, việc này mới trở thành hiện thực khi nhân lực có đủ, như cho một trung tâm outsourcing 5.000 người chẳng hạn.
Chủ tịch KMS đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam trong việc đưa CNTT Việt Nam lên tầm cao mới. |
Lieberman chia sẻ, việc lập doanh nghiệp ở Việt Nam giá khá phức tạp. Ông kể, KMS có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm trong việc tạo dựng mối quan hệ với các trường đại học và chính quyền địa phương. Việc này giúp họ có lợi thế về tuyển dụng, hiểu rõ chính sách thuế và các quy định về kinh doanh tại đây. “Nếu hiểu được thị trường tuyển dụng trong nước và đủ khả năng chi trả cho các biện pháp sàng lọc nhân tài, đây chính là địa điểm lý tưởng”, Chủ tịch KMS hào hứng. “Thế hệ nhân tài mới dần tiến vào thị trường và các trường học cũng đang tập trung vào khoa học máy tính. Đầu tư vào đây sẽ cho thành quả khi lĩnh vực công nghệ chín muồi và ngày càng nhiều công ty đổ xô vào Việt Nam”, Lieberman kỳ vọng sẽ nhìn thấy nhiều kết quả tuyệt vời trong thập kỷ tới.
Cuối tháng 2, Hiệp hội Các chuyên gia outsourcing chuyên nghiệp quốc tế (International Association of Outsourcing Professional - IAOP) chính thức công bố FPT Software tiếp tục lọt vào Danh sách 100 nhà cung cấp dịch vụ outsourcing toàn cầu (The Global Outsourcing 100 Providers).
Đây là năm thứ 10 IAOP công bố danh sách này. FPT Software là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh cùng các công ty tên tuổi khác trên thế giới như: Accenture, Capgemini, Unisys, Towers Watson, Transcosmos, Neusoft…
Năm thứ hai liên tiếp FPT Software được trao vinh dự này cho hiệu suất cao trong các tiêu chí đánh giá: Quy mô và tốc độ tăng trưởng, độ hài lòng của khách hàng, khả năng đổi mới và trách nhiệm xã hội (CSR).
FPT Software hiện có khoảng 100 khách hàng trên toàn cầu, trong đó có gần 40 khách hàng thuộc danh sách Fortune 500 trong các lĩnh vực sản xuất, bán dẫn, y tế, dầu khí, dịch vụ tài chính, truyền hình vệ tinh. Kết thúc năm 2014, FPT Software lập mốc tăng trưởng doanh thu ấn tượng, đạt 135 triệu USD, tăng 36% với quân số 7.377 người. Đặc biệt, doanh số từ SMAC cũng vượt kế hoạch, tăng 200%. Với thành tích này, FPT Software lập thành tích 12 quý liên tiếp hoàn thành kế hoạch. FPT Software đang hướng tới những bài toán lớn hơn trong tương lai, đó là con số 1 tỷ USD về doanh thu và 30.000 nhân sự vào năm 2020.
Nguyên Văn
Ý kiến
()