Chúng ta

Chủ tịch Trương Gia Bình: ‘Năm 2024, FPT lại có một giấc mơ còn lớn hơn nữa, kỳ vĩ hơn nữa’

Thứ ba, 2/4/2024 | 17:00 GMT+7

Để không bỏ lỡ làn sóng lớn về chíp bán dẫn, người đứng đầu FPT cho biết đã thực hiện những bước đi bài bản để tìm hướng đưa Việt Nam tham gia toàn trình vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.

Trong 'Báo cáo thường niên năm 2023' của Tập đoàn FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình cho hay, FPT đã chào đón tuổi 35 với nhiều thành tựu. Là doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, FPT đã vượt qua một năm khó khăn chung khi khách hàng cắt giảm chi tiêu cho CNTT. Toàn Tập đoàn đạt doanh thu 52.618 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ.

-3548-1712124924.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Năm 2023, lần đầu tiên FPT đạt doanh thu dịch vụ CNTT từ nước ngoài 1 tỷ USD, thể hiện đẳng cấp doanh nghiệp Việt sánh vai các công ty công nghệ toàn cầu. Nhờ chiến lược đúng đắn, giá trị cổ phiếu của FPT tăng trưởng ổn định. Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) đạt 4.661 đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Anh Bình nhận định, thế giới bước qua năm 2023 nhiều thách thức: Tăng trưởng GDP, thương mại và đầu tư sụt giảm; Nợ xấu tăng; Lạm phát vẫn duy trì ở mức cao; Xung đột địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng, thời tiết cực đoan và dịch bệnh diện rộng. Theo báo cáo của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,5-3,0%, thấp hơn mức dự báo 3,3-3,5% của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trong bức tranh ảm đạm đó, ngành công nghệ đã vượt qua khó khăn để xây dựng kỳ vọng về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI). Giá trị thị trường ước tính 1,04 nghìn tỷ USD.

Tại Việt Nam, thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và sản phẩm cũng chịu ảnh hưởng kém tích cực. Tuy nhiên, ngành CNTT vẫn vươn lên: Doanh thu ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với 2022; Đóng góp vào GDP đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.

Việt Nam ghi dấu ấn trong chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh vươn ra thế giới.

NĂM 2024 FPT LẠI CÓ MỘT GIẤC MƠ CÒN LỚN HƠN NỮA, KỲ VĨ HƠN NỮA

Người đứng đầu FPT nhắc lại 25 năm trước, chúng ta có ước mơ gần như bất khả thi nhưng đã thành hiện thực: Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai thế giới. Và nay Việt Nam đứng vị trí số 2 xuất khẩu phần mềm chỉ sau Ấn Độ.

“Giờ đây, FPT lại có một giấc mơ còn lớn hơn nữa, kỳ vĩ hơn nữa: Việt Nam tham gia toàn trình vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi sẽ hợp tác với các trường đại học, các viện, các tổ chức giáo dục hàng đầu và các công ty bán dẫn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng cho Việt Nam và cả hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi sẽ thiết lập liên doanh thiết kế và kiểm thử vi mạch. Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn”, anh Bình khẳng định.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, mặc dù thế giới đang biến động hàng ngày, chiến tranh, suy thoái kinh tế… nhưng FPT luôn giữ tinh thần lạc quan. “Chúng tôi nhìn thấy vị thế địa chính trị, cơ hội trong lĩnh vực công nghệ số, bán dẫn, vi mạch điện tử của Việt Nam chưa bao giờ rõ như lúc này”.

CEO FPT cho rằng, về dài hạn, thế giới sẽ thiếu trầm trọng nguồn lực kỹ sư CNTT và chíp bán dẫn, Việt Nam phải nắm bắt được cơ hội và trở thành nước cung ứng nguồn lực này cho toàn cầu.

“FPT sẽ tiên phong và đầu tư mạnh mẽ để cung ứng ra thị trường toàn cầu hàng trăm đến hàng triệu kỹ sư. Chúng tôi sẽ nắm bắt và hiện thực hóa những cơ hội vô cùng lớn trong cuộc chiến về chíp bán dẫn, AI, công nghệ ô tô để tạo ra giá trị, lợi ích đẳng cấp lâu dài, bền vững cho các bên liên quan và vì sự trường tồn của Tập đoàn”, anh Khoa nhấn mạnh.

Đọc và trải nghiệm Báo cáo thường niên FPT 2023 bản digital TẠI ĐÂY.

Ý kiến

()