Chúng ta

CEO Hoàng Việt Anh tiết lộ bí kíp thu nghìn tỷ từ thị trường Nhật

Thứ sáu, 20/10/2017 | 16:30 GMT+7

Người điều hành đơn vị xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam - CEO Hoàng Việt Anh - đã chia sẻ kinh nghiệm để thành công ở thị trường khó tính bậc nhất thế giới, tại sự kiện VNITO 2017, diễn ra ngày 19/10, quy tụ tất cả những ông lớn trong ngành.

CEO nhà Phần mềm FPT kể, cách đây hơn 15 năm, dù quyết tâm lớn nhưng FPT lại đứng trước thách thức, khó khăn, bởi công ty đã liên tiếp thất bại tại các thị trường như Mỹ, Ấn Độ hay Singapore. Cuối cùng, FPT quyết định chọn Nhật Bản làm thị trường “tiến quân”.

fsoft-1-1545-1508479460.jpg

CEO FPT Software Hoàng Việt Anh chia sẻ kinh nghiệm phát triển ở thị trường Nhật tại VNITO 2017. Ảnh: VNITO.

Đang loay hoay tìm lời giải, FPT may mắn có được “sự giúp đỡ vô giá”. Ông Nishida, khi đó là CEO Sumitomo, đã làm cầu nối đưa FPT đến Nhật. Sau nhiều cuộc gặp, NTT IT bày tỏ họ có một hợp đồng cần thực hiện gấp trong hai tuần. “Buồn ngủ gặp chiếu manh”, lãnh đạo FPT nhận ngay và hoàn thành đúng hạn.

Ngày nay, Nhật Bản đang là thị trường góp nhiều doanh thu và lợi nhuận nhất FPT Software. Hiện có hơn 800 người FPT làm việc tại Nhật và khoảng 5.000 kỹ sư ở Việt Nam phát triển sản phẩm cho thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. Dự kiến năm 2017, doanh số của đơn vị đạt 170 triệu USD, và vươn tới 500 triệu USD vào năm 2020.

“Năm 2002 là thời điểm đầy khó khăn khi chúng tôi chưa từng làm việc với đối tác Nhật. Mãi đến 3 năm sau đó, chúng tôi mới thực sự tin rằng FPT có thể tồn tại và phát triển tại xứ sở hoa anh đào”, CEO Hoàng Việt Anh chia sẻ trong Hội nghị Xuất khẩu Dịch vụ CNTT 2017 (Vietnam ITO Conference 2017) tổ chức chiều 19/10 tại TP HCM.

Theo TGĐ FPT Software, từ những ngày đầu, đơn vị đã đánh giá đúng về vai trò quan trọng của kỹ sư cầu nối (Bridge Software Engineer - BrSE). Vị trí BrSE giúp kết nối đối tác với đồng nghiệp làm kỹ thuật/công nghệ.

Khoảng thời gian tiếp theo được CEO FPT Software gọi là “giai đoạn trưởng thành”. Thị trường tốt, năng lực đáp ứng nhu cầu, có thời điểm Phần mềm FPT đạt mức tăng trưởng đến 70%/năm. Từ những nền tảng vững chắc, FPT Japan chiếm phần quan trọng trong việc dẫn đầu mảng dịch vụ ủy thác phần mềm (outsourcing).

Từ năm 2012-2016 là giai đoạn mang tên “mở rộng quy mô”. Đây là thời điểm FPT Japan phát triển thêm chi nhánh ở các khu vực khác của Nhật Bản, từ Tokyo vươn ra Osaka, Nagoya và Fukuoka. Sau gần 12 năm hiện diện tại thị trường sôi động hàng đầu thế giới, FPT Japan đã trở thành công ty CNTT nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản. Năm 2016, doanh thu FPT Nhật Bản đạt 128 triệu USD, tăng trưởng 49% so với cùng kỳ. Đơn vị cũng vừa khai trương Okinawa R&D - chuyên trách nghiên cứu và phát triển.

fsoft-2-5831-1508479460.jpg

Sau phần chia sẻ, CEO FPT Software và các lãnh đạo trong ngành cùng tham gia thảo luận bàn tròn về chủ đề “Nguồn lực CNTT”.

VNITO 2017 là sự kiện thường niên được đồng tổ chức bởi VNITO, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cùng sự hỗ trợ của Hội tin học TP HCM (HCA) và Tổ chức phát triển CNTT Việt Nam tại Mỹ (VIDG). VNITO năm nay sẽ tập trung vào việc chia sẻ bức tranh tổng quan về thị trường gia công phần mềm, dịch vụ CNTT; kinh nghiệm cung cấp dịch vụ; kết nối giao thương, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: VNITO.

“Gần đây nhất, trong chiến lược 5 năm của FPT Japan, chúng tôi muốn đẩy mạnh quy mô công ty ra các khu vực khác đồng thời sẽ là một trong 50 công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản”, anh Việt Anh nhấn mạnh. “Đến thời điểm ấy, FPT Japan hy vọng doanh thu sẽ cán mốc 500 triệu USD, đạt khoảng 3.000 thành viên làm việc tại Nhật và hơn 15.000 kỹ sư làm việc ở Việt Nam phát triển sản phẩm cho thị trường Nhật Bản”.

Để thực hiện hóa chiến lược này, FPT Software đưa ra 3 yếu tố cốt lõi: Cung cấp cả 2 dịch vụ: CNTT và chuyển đổi số; Liên tục đẩy nhanh việc mở rộng chi nhánh trên khắp nước Nhật. "Hiện tại, chúng tôi đã có 5 chi nhánh hoạt động và trong vòng 5 năm tới tối thiểu sẽ xây dựng thêm 5 cơ sở khác; tập trung xây dựng lực lượng BrSE hùng hậu", CEO Việt Anh nói.

Anh cho rằng, ngay từ những ngày đầu, FPT Software luôn dành nhiều sự quan tâm vào giá trị con người (human resource business). Các từ khóa lần lượt là: Đầu tư chuyên sâu vào đào tạo: tất cả nhân viên đều phải được huấn luyện, từ nhân viên mới đến những người đã có kinh nghiệm. Hơn 15 năm qua, FPT Software nói chung và FPT Japan nói riêng áp dụng 3 chương trình.

"Campus link” là chương trình đối ngoại, kết nối với các trường đại học. Điểm quan trọng là FPT Software đưa các khóa đào tạo vào chương trình của các trường đại học và cao đẳng. “Vì thế, khi học viên hoàn thành tất cả các học phần, FPT Software có thể tuyển dụng tân cử nhân vào làm việc ngay thay vì mất thời gian đào tạo thêm”, anh Việt Anh tiết lộ.

Với nội bộ là “Học viện tân binh” (Fresher Academy) và “Tập huấn nâng cao” (Continous training). Chương trình “Học viên tân binh” không chỉ dạy CNTT, kỹ năng mềm mà còn là các ngôn ngữ lập trình và các công nghệ mới trên thế giới, như Amazon Web Services, Siemens, GE... Sau 9 tháng đầu năm 2017, chương trình “Học viện tân binh” đã đào tạo được 2.000 nhân viên.

“Tập huấn nâng cao” là chương trình đào tạo cho nhân sự đã có kinh nghiệm tại FPT Software. “Chúng tôi có một nguyên tắc cơ bản: Không quan trọng bạn đã có kinh nghiệm hay chưa, bạn bắt buộc phải tham gia đợt huấn luyện trực tuyến của công ty”, anh Việt Anh nói và chia sẻ, sau 9 tháng đã có hàng nghìn nhân viên tham gia vào chương trình huấn luyện trực tuyến này.

BrSE - yếu tố cốt lõi mang đến thành công cho bất kỳ doanh nghiệp nào ở Nhật Bản. Vì thế, FPT Software đã thực hiện ngay từ những ngày đầu bước chân vào thị trường này. Hiện đơn vị đang tiến hành chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối.

“Cuối cùng, chúng tôi tin rằng những người muốn làm việc, cống hiến lâu dài cho FPT không chỉ vì hoạt động kinh doanh mà còn là Văn hóa công ty”, TGĐ FPT Software đúc kết. “Do đó, chúng tôi luôn xây dựng, củng cố và lan toản hình ảnh đẹp về FPT Japan để thu hút nhiều tài năng về làm việc”.

Vietnam ITO Conference 2017 là hội nghị lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam 2 năm một lần về xuất khẩu dịch vụ CNTT với mục tiêu giới thiệu năng lực phát triển phần mềm, khả năng cung cấp dịch vụ CNTT và mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Sự kiện thu hút gần 500 đại biểu, trong đó có 150 đại diện quốc tế đến từ 20 quốc gia, 250 lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, hơn 100 khách tham gia từ các thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, trường học.

Theo công bố mới đây của hãng tư vấn AT Kearney, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 55 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm năm 2017.

Trước đó, trong báo cáo "Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016" của tập đoàn Nghiên cứu và tư vấn Gartner, Việt Nam cũng được xếp là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực. Những chỉ số này cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng mới về gia công phần mềm tại châu Á.

Theo ước tính của Liên minh các doanh nghiệp gia công công nghệ thông tin Việt Nam (VNITO), hiện doanh số xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam đã xấp xỉ 1 tỷ USD/năm.

>> FSOFT số hoá giàn khoan cho Tập đoàn Dầu khí

Đình An

Ý kiến

()