Cuối tuần qua, FPT Polytechnic đã tổ chức khóa “Tập huấn xây dựng và triển khai học liệu thiết kế theo CDIO” tại khách sạn Seven Sea, TP Đà Nẵng. Hoạt động nhằm giúp đội ngũ giảng viên hiểu rõ hơn về triết lý, phương pháp và cách thức xây dựng bài giảng tiếp cận tiêu chuẩn CDIO. Từ đó nâng cao năng lực và chất lượng giảng dạy của toàn thể giảng viên khối đào tạo FPT.
CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) là phương pháp đào tạo gồm: Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Chương trình còn hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) và có ý thức trách nhiệm với xã hội.
FPT Polytechnic triển khai khóa tập huấn “Xây dựng và triển khai học liệu thiết kế theo CDIO” |
Thầy Huỳnh Văn Bảy, Trưởng ban Đào tạo ĐH FPT Cần Thơ, cho biết, CDIO đã được xây dựng và phát triển bởi Ban phát triển chương trình nhưng để triển khai thì phải cần đến vai trò của người giảng viên. Thông qua khóa tập huấn, giảng viên sẽ nắm bắt được bản chất của mô hình đào tạo theo CDIO. "Đây là một bộ công cụ để chúng ta áp dụng thiết kế một chương trình đào tạo, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo được cải tiến liên tục”, thầy nhấn mạnh.
Nằm trong khuôn khổ chương trình, các thành viên của Ban dự án CDIO cũng đã trình bày về việc xây dựng và triển khai đề cương môn học theo CDIO. Nội dung bao gồm: Tầm nhìn và mục tiêu của Đề xướng CDIO, 12 tiêu chuẩn CDIO, Đề cương CDIO 2.0; Quy trình thiết kế chương trình tích hợp theo CDIO; Vận dụng thang đo Bloom; Khảo sát ITU (I: Introduce, T: Teach và U: Utilize); Thiết kế hoạt động dạy và học, đánh giá học tập đáp ứng chuẩn đầu ra; Thiết kế học liệu (bài online, bài giảng và kịch bản giảng dạy); Thiết kế dự án (Assignment)…
Buổi tập huấn không chỉ chú trọng về khái niệm và cách áp dụng CDIO mà còn là dịp để các giảng viên thảo luận, thiết kế bài giảng vận dụng kết hợp các phương pháp giảng dạy, cách thức tương tác giữa giảng viên - sinh viên…
“Xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đề cương môn học theo mô hình CDIO sẽ giúp tạo ra sản phẩm là một kỹ sư đúng nghĩa theo các khía cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ với nghề nghiệp. Chương trình đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng mềm mà còn chú trọng đến rèn luyện thái độ của sinh viên. Mỗi giảng viên của từng bộ môn cần có phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp sinh viên học tập sáng tạo và trải nghiệm thực tế, đáp ứng được yêu cầu từ phía doanh nghiệp”, chị Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Dự án CDIO, nhìn nhận.
FPT Polytechnic là đơn vị tiên phong trong hệ thống giáo dục FPT về áp dụng những phương pháp giảng dạy mới như Blended Learning (học tập tích hợp), Project Based Learning (học qua dự án). Tháng 5 vừa qua, ĐH FPT đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức CDIO toàn cầu. Trong đó khối đào tạo cao đẳng tham gia dự án bằng việc xây dựng chương trình học và học liệu theo Đề xướng CDIO (Conceiving - Designing - Implementing - Operating) cho hai ngành là Quan hệ công chúng - PR & tổ chức sự kiện và Digital Marketing, tiến tới mở rộng phạm vi triển khai sang các ngành nghề khác.
ĐH FPT cũng là trường đại học thứ 5 của Việt Nam sau ĐH Quốc gia HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Duy Tân và ĐH Thủ Dầu Một trở thành thành viên của CDIO. Từ khi ra đời vào năm 2000, đến nay, Hiệp hội CDIO chính thức kết nạp hơn 120 thành viên. Để tham gia Hiệp hội, các trường phải trải qua nhiều vòng thi, nộp hồ sơ bản mềm kèm các minh chứng cần thiết, sau đó là vòng thi trình bày và thuyết trình.
>> Giảng viên FPT trang bị kỹ năng đào tạo CDIO
Việt Nguyễn
Ý kiến
()