Chúng ta

‘Cách mạng’ công nghệ đưa dịch vụ hành chính đến tận nhà dân

Thứ năm, 20/9/2018 | 15:20 GMT+7

Tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục hành chính công ngay tại nhà và ngăn chặn nạn hối lộ là mục tiêu của dự án mang tính cách mạng vừa được chính quyền New Delhi (Ấn Độ) triển khai, tờ The Guardian đưa tin.

Suốt nhiều tuần, ông Sudesh Kumar lo lắng vì giấy phép lái xe sắp hết hạn. Chỉ nghĩ đến việc phải đến cơ quan công quyền làm thủ tục đã khiến ông thấy mệt bởi sẽ phải ngừng công việc kinh doanh bất động sản của mình để xếp hàng nhiều giờ đồng hồ trong cái nóng oi bức ở văn phòng hành chính đông đặc người. Nhưng lần này, hóa ra ông Sudesh Kumar lại thực hiện dễ dàng như đặt bánh pizza.

5616.jpg

Ảnh người dân New Delhi xếp hàng làm thủ tục cấp giấy phép lái xe, giờ họ có thể làm tại nhà với mức phí chỉ 50 rupee.

Cuộc cách mạng trong quản trị

Hôm đó, ông Kumar gọi số 1076 và hẹn một công chức chính quyền New Delhi đến nhà riêng. Nhân viên này tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Kumar ở Chattarpur, ghi nhận thông tin chi tiết của ông Kumar vào một chiếc máy tính bảng, điền vào một mẫu đơn, tải lên thẻ ID (Indentity Card - Thẻ căn cước) của ông, chụp ảnh và lấy dữ liệu sinh trắc học. Ông Kumar trả lệ phí bằng thẻ tín dụng cá nhân. “Mọi thứ chỉ mất khoảng 15 phút. Tôi không thể tin rằng nó dễ dàng như vậy. Trong vài ngày, giấy phép lái xe mới của tôi được gửi về qua đường bưu điện. Thủ tục hành chính công từ địa ngục đã trở thành thiên đường”, ông Kumar nói.

Không chỉ ông Kumar, nhiều người dân ở thủ đô Ấn Độ đều cảm thấy sửng sốt khi trải nghiệm dịch vụ mới này. Chính quyền New Delhi, do đảng Aam Aadmi cầm quyền, đang thực hiện một kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính chưa từng có, với chi phí 150 triệu rupee (khoảng 2 triệu USD) để 1,8 triệu cư dân thành phố không phải đến cơ quan công quyền và cũng để giảm bớt tham nhũng.

Theo đó, 40 dịch vụ công như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kết hôn, lương hưu và thủ tục cung cấp nước sạch hiện được thực hiện tận nhà người dân. Các công chức nam nữ trẻ tuổi được trang bị máy tính bảng và máy ảnh, theo lịch hẹn tìm đến nhà khách hàng trên những chiếc xe tay ga. Lệ phí ở mức rất thấp, chỉ 50 rupee (khoảng 17.000 đồng) và dịch vụ mở từ 9h sáng đến 9h tối, 7 ngày/tuần. 

Trong thời gian 3 tháng, danh mục các dịch vụ sẽ mở rộng đến con số 100. VFS Global, một công ty tư nhân chuyên xử lý thị thực và dịch vụ hộ chiếu, đã được thuê để điều hành dự án.

Ông Arvind Kejriwal, thủ hiến Delhi, gọi dự án là “cuộc cách mạng trong quản trị”, mục đích khiến cuộc sống của người dân dễ chịu hơn. “Thông thường người dân phải tìm đến chính quyền làm thủ tục. Chúng tôi muốn đảo ngược điều này, đưa dịch vụ công về tận nhà. Mọi người đang lãng phí quá nhiều thời gian để làm các thủ tục đơn giản”, người đứng đầu cơ quan cải cách hành chính Kailash Gahlot nói.

Người dân hào hứng

Vào ngày đầu tiên, đường dây nóng về thủ tục hành chính nhận được 21.000 cuộc gọi. Trong số này, chỉ có 2.728 cuộc kết nối được và khoảng 370 người dân được làm giấy tờ tại nhà. Trước hiệu ứng quá lớn của chương trình, chính quyền đã tăng số lượng nhân viên tổng đài từ 40 lên 150 người chỉ trong 2 ngày.

Tuy vậy, một số hạn chế cũng đã bắt đầu bộc lộ. Một số người lo ngại khoản phí 50 rupee đơn giản là quá thấp để duy trì đề án, nhất là với đối tác VFS Global. Hay như Trilok Sharma, một nhân viên tiếp thị ở Janakpuri, người muốn đăng ký một hợp đồng cung cấp nước sạch mới cho hay: “Các nhân viên cần được đào tạo tốt hơn, thành thạo phần mềm hơn, như thế sẽ nhanh hơn. Nếu được như vậy, đó là một điều tuyệt vời đối với thành phố”.

Sự cố về đường truyền Internet cũng khá phổ biến, nhiều trường hợp kết nối quá kém khiến các nhân viên phải mất thời gian để tải thông tin lên ứng dụng Gauba và nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Đối với Sanjeev Oberoi, quản lý kỹ thuật tại một công ty đa quốc gia Mỹ có văn phòng tại New Delhi, tới công sở làm thủ tục hành chính đồng nghĩa với sự tra tấn. Trước đây, ông Sanjeev Oberoi thường phải chờ hàng tiếng đồng hồ, nhưng tới lượt đã hết giờ hoặc viên chức đi ăn trưa. Nhưng khi nộp đơn xin giấy phép lái xe ngay tại nhà ở Greater Kailash trong tuần vừa rồi, cảm giác của ông “như là một giấc mơ”. 

Oberoi là một trong những người lo ngại mức phí thấp sẽ làm cho dự án hoạt động không bền vững. “Họ nên tăng phí để có thể duy trì lâu dài. Đó là một cuộc cách mạng lớn trong cuộc sống của chúng ta và cần được bảo vệ”, ông Sanjeev Oberoi nói với The Guardian.

>> Chính quyền điện tử do FPT triển khai thành công ở Quảng Ninh

Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử do FPT triển khai, Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Hiện có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm một năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 nghìn hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình một năm trên 70 tỷ đồng.

Tân Phong

Ý kiến

()