VNPT muốn “bao sân” dịch vụ y tế
VNPT vừa tổ chức hội nghị báo cáo và giới thiệu các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ ngành y tế tại Tiền Giang.
Một năm trước, Bệnh viện Đa khoa Gò Công Đông (Tiền Giang) đã ứng dụng phần mềm Quản lý bệnh viện qua mạng (HIS) của VNPT. Thay vì phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị, chi phí bảo trì, nhân viên vận hành hệ thống, Bệnh viện Đa khoa Gò Công Đông chỉ phải trả 10 triệu đồng/tháng để nhận dịch vụ trọn gói. Theo đó, toàn bộ quá trình khám chữa bệnh, tiểu sử bệnh nhân, quản lý khám chữa bệnh, đơn thuốc… của bệnh nhân được theo dõi và thực hiện trên phần mềm.
Việc áp dụng công nghệ giúp lưu trữ dài lâu, chính xác và thuận tiện khi tra cứu để đảm bảo công tác thống kê, báo cáo chuyên môn cũng như minh bạch thông tin tài chính trong khám và điều trị…
Ông Lê Duy Hải, Giám đốc Bệnh viện Gò Công Đông đánh giá, HIS đã giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí, thời gian khám bệnh, quản lý hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, tránh thất thoát.
Đại din VNPT Tiền Giang cho biết, phần mềm này đã được triển khai tại các bệnh viện đa khoa Cái Bè, Gò Công Đông, Mỹ Phước Tây, Bệnh viên Tâm thần Tiền Giang, 5 trung tâm y tế và 72 trạm y tế phường/xã và dự kiến hết quý II sẽ triển khai tại tất cả 173/173 trạm y tế của tỉnh.
VNPT kỳ vọng, HIS đây sẽ là “hàng mẫu chất lượng cao” để tiếp cận thị trường màu mỡ này trên toàn quốc.
FPT âm thầm vào sân chơi
Cuối tháng 3, Công ty Hệ thống thông tin GMC FPT (FPT IS GMC) đã hợp tác triển khai phần mềm FPT.eHospital tại Sở Y tế tỉnh Trà Vinh và các bệnh viện cấp tỉnh, huyện. Dự án được FPT IS GMC thực hiện trong 360 ngày và dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2016.
Cũng trong tháng 3, ba gói thầu thuộc Dự án “Bệnh án điện tử và Quản lý hệ thống khám, chữa bệnh giai đoạn 2011-2014” của Bộ Y tế được FPT IS GMC triển khai tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa...
Ngày 31/3, TGĐ FPT đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND Cần Thơ để trao đổi về hai dự án là chính quyền điện tử và Y tế điện tử mà FPT IS đề xuất cho thành phố. |
FPT.eHospital là hệ thống phần mềm giúp các bệnh viện quản lý tổ chức cán bộ, nhân sự ngành y tế; quản lý trang thiết bị y tế; quản lý tiếp nhận - khám bệnh, ngoại chẩn; quản lý khoa lâm sàng/người bệnh nội trú; quản lý kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm; quản lý thanh toán viện phí và bảo hiểm y tế; quản lý dược bệnh viện...
FPT.eHospital được triển khai tại gần 100 bệnh viện trên cả nước, trong đó có những bệnh viện lớn, đầu ngành như Bạch Mai, Chợ Rẫy...
Viettel vào vạch khởi động
Mới đây, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Y tế về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - viễn thông trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2015 - 2020.
Trong lĩnh vực này, tháng 12/2014, Viettel đã hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để xây dựng hệ thống phục vụ công tác giám định và thanh toán bảo hiểm y tế. Theo kế hoạch, Viettel phát triển, hoàn thiện phần mềm giám định bảo hiểm y tế để đưa vào ứng dụng rộng rãi trong phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7.
Ông Đồng Đình Giang, Giám đốc Trung tâm Giải pháp y tế Viettel, cho biết, Viettel nhìn ra cơ hội thật sự khác biệt trong lĩnh vực y tế, đó là hợp tác trong các khâu như liên thông giữa khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, quản lý cộng đồng và ứng dụng công nghệ trong quản lý khám chữa bệnh ở các tuyến phường/xã, quận/huyện.
“Thay vì tập trung vào các bệnh viện lớn như các đối thủ khác, Viettel lại tiếp cận, lựa chọn tuyến phường/xã, quận/huyện - một thị trường rất lớn, nhưng đang bỏ ngỏ vì trình độ công nghệ thông tin hạn chế”, ông Giang cho biết.
Cơ hội chia đều
Theo Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Kim Tiến, việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế thời gian qua cho thấy hiệu quả cao, do vậy, thời gian tới, cách nhanh nhất, hiệu quả nhất là thuê dịch vụ, thay vì tự xây dựng.
Có thể thấy, cuộc đua cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trong ngành y tế đang nóng lên từng ngày và cơ hội cho các nhà cung cấp đang rất lớn, bởi như lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế lần thứ VII mới đây thì Viettel, VNPT hay thậm chí là tất cả các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cũng không đủ sức đáp ứng được thị trường cung cấp dịch vụ công nghệ cho ngành y tế, mà vẫn phải hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.
Vấn đề là, trong sân chơi mới này, ai có công nghệ, dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn, tiện ích hơn sẽ là người vượt lên trước.
Đầu tư
Ý kiến
()