Những người xung quanh không lạ lẫm với sự bận rộn của bà Điệp. Suốt hơn 20 năm làm việc tại tập đoàn FPT, khởi đầu tư một nhân viên bán hàng, trải qua nhiều vị trí quản lý tại các công ty con của tập đoàn, cho tới điểm dừng chân hiện tại là chủ tịch FPT Retail, bà Điệp luôn là con người như vậy.
Thức dậy hằng ngày vào lúc 5h sáng, không thích uống trà hay cà phê, vì mỗi lần uống là “tim lại đập rất nhanh”, bà Điệp vẫn luôn duy trì sự tỉnh táo của mình bất chấp cường độ làm việc "hiếm người theo kịp" - như cách mà những nhân viên của bà thường nhận xét.
“Tôi thích làm việc, đề cao tính kỷ luật, cầu toàn và cũng rất nóng tính”, bà Điệp tự nói về mình. Bản thân bà cũng biết mình "thường xuyên" quá nghiêm khắc với nhân viên, nhưng bà cũng tin rằng, tính cách của mình phù hợp hoàn hảo với ngành bán lẻ, vốn luôn phải trong tâm thế phục vụ khách hàng.
Như dịp Tết nguyên đán vừa rồi, lịch nghỉ của toàn hệ thống FPT Shop bắt đầu từ mùng 1 và kết thúc vào mùng 3 âm lịch. Dù thị trường bán lẻ sau Tết ít khi nào nhộn nhịp nhưng tất cả các thành viên của FPT Retail, từ sếp đến nhân viên, chỉ thực sự được nghỉ khi tất cả các cửa hàng đóng cửa và khách hàng ngừng mua sắm.
Với riêng bà Điệp, công việc thậm chí còn kéo dài hơn. Kể cả trong 3 ngày nghi lễ hiếm hoi, bà vẫn thích thú với công việc. Điện thoại, mail, viber, zalo của bà vẫn luôn bật thường trực để chuẩn bị khi cần thiết. “Mệt đấy nhưng tôi không bao giờ để mình rơi vào trạng thái tâm lý phải – làm – việc”, bà Điệp chia sẻ.
Đối với bà Điệp, công việc không phải là gánh nặng, mà gần như là một thứ sở thích. Và sở thích đó đã mang lại thành công lớn cho FPT Retail.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail. |
Được thành lập năm 2011 với số vốn vỏn vẹn chỉ 100 tỷ đồng, FPT Retail (khi ấy mới có duy nhất FPT Shop) chỉ là “một bộ phận rất nhỏ” trực thuộc mảng phân phối của tập đoàn FPT. Tham gia vào FPT Shop sau khi dự án liên doanh giữa tập đoàn FPT và chuỗi siêu thị Alphamart của Indonesia thất bại, bà Điệp tiếp tục vướng vào một thử thách lớn trên thị trường bán lẻ di động.
Ngày đó, thị trường bán lẻ di động đã có nhiều tên tuổi lớn. FPT Shop là thương hiệu đi sau, nguồn lực hạn chế, lại bị xem như “sân sau” của đơn vị phân phối là FPT Trading, bài toán đặt ra cho bà Điệp và các cộng sự là phải làm sao để vừa duy trì được hệ thống, vừa phải tạo được chỗ đứng trên thị trường. Thách thức càng khó khăn hơn, khi FPT Shop phải đặt ra kế hoạch thua lỗ trong 3 năm liền.
Với một người 20 năm làm kinh doanh chưa bao giờ chịu thua lỗ như bà Điệp, kế hoạch của FPT Shop quả là khó khăn. Nó cũng vấp phải sự phản đối của các cổ đông, bởi bản thân tập đoàn FPT đã từng thất bại trong lĩnh vực bán lẻ.
Trước áp lực lớn từ phía tập đoàn và nghi ngờ từ phía các cổ đông, bà Điệp đặt ra chiến lược: phải phát triển FPT Shop càng nhanh càng tốt, bao gồm đội ngũ nhân viên, hệ thống quản lý và độ nhận diện thương hiệu. Từng có 1 năm làm việc với Alphamart, bà Điệp hiểu rõ, yếu tố quan trọng nhất trong ngành bán lẻ chính là địa điểm. Vì thế, tất cả các địa điểm ban đầu của FPT Shop đều do chính tay bà Điệp và phó tổng giám đốc Trịnh Hoa Giang lựa chọn.
Một chiến lược rất hay được bà Điệp áp dụng triệt để khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn mặt bằng bán lẻ, đó là “đi theo dấu chân người khổng lồ”.
“Chúng tôi quan sát đối thủ, chọn ra tất cả các shop của đối thủ có lượng khách đông, doanh thu tốt để đặt cạnh. Làm như vậy, nếu doanh thu của đối thủ là 3 tỷ đồng/tháng thì FPT Shop cũng sẽ đạt hơn 2 tỷ đồng/tháng”, bà Điệp chia sẻ.
Tìm được mặt bằng tốt, vấn đề tiếp theo là làm sao duy trì được hệ thống quản trị, chất lượng dịch vụ đồng đều giữa các điểm. Ngày nay, tại Việt Nam đã có nhiều DN quản lý tốt hệ thống hàng trăm điểm bán, nhưng thời điểm cách đây 7 năm, đó thực sự là một bài toán nan giải.
Một lần nữa, bà Điệp lại tiếp tục học hỏi từ những người tiên phong. Quan sát, học hỏi, thử nghiệm liên tục cho đến khi đạt kết quả mong muốn. Bà Điệp tâm sự, khi gặp khó khăn, bà không ngại nhấc máy lên gọi hỏi thẳng cho ông Đinh Anh Huân – nhà đồng sáng lập khi ấy vừa rời khỏi Thế Giới Di Động. “Huân không ngần ngại trả lời những thắc mắc của tôi, nhưng hiểu cách làm là một chuyện, để làm được như vậy, bản thân chúng tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều”, bà Điệp nhớ lại.
Bên trong cửa hàng FPT Shop. |
Bản thân FPT Shop cũng phải có những thay đổi để phù hợp với quy mô của mình. Chẳng hạn, Thế Giới Di Động có hệ thống bảng giá điện tử có thể cập nhật giá sản phẩm tức thời, nhưng khi tính toán, FPT Shop sẽ cần khoảng 20 tỷ đồng để có một hệ thống tương tự.
“Thời điểm đó, 20 tỷ đồng với chúng tôi là khoản tiền lớn. Trong khi đó, chúng tôi cũng tìm được các phương án, quy trình thay bảng giá trong vòng 10 phút. Dù không nhanh bằng Thế Giới Di Động nhưng tôi cho rằng không cần thiết phải bỏ ra mấy chục tỷ đồng chỉ cho một tính năng bảng giá”, bà Điệp cho biết.
Cẩn trọng trong đầu tư, không ngừng học hỏi kết hợp với "chăm cày", bà Điệp cùng các cộng sự đã đưa chuỗi cửa hàng FPT Shop gặt hái thành công sớm hơn mong đợi. Kế hoạch ban đầu của công ty là lỗ trong 3 năm đầu tiên, nhưng công ty chỉ lỗ trong 2 năm đầu. Tới năm thứ 3, FPT Shop đã đạt doanh thu 5.200 tỷ đồng, báo lãi hơn 40 tỷ đồng. FPT Shop trở thành thế lực bán lẻ di động xếp thứ 2 thị trường.
Hạt nhân dẫn dắt FPT Retail trong sự phát triển nhanh chóng đó, không ai khác ngoài bà Điệp. Luôn định hướng nhân viên phải xử lý mọi việc thật nhanh chóng, triển khai ngay chứ không bao giờ để kéo dài lằng nhằng hay cứ tranh luận mãi. "Tuy nhiên, cũng có vài lần mình suy nghĩ kỹ lại thấy nhân viên mới đúng, hôm sau mình lại điều chỉnh ngay", bà Điệp nhớ lại.
Quá trình phát triển nhanh và nóng của FPT Shop tiếp tục kéo dài thêm 4 năm tiếp theo. Thời điểm hiện tại, FPT Retail (bao gồm FPT Shop và chuỗi F.Studio) có 490 cửa hàng, doanh thu 2017 của công ty đạt 13.180 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 363 tỷ đồng. Dù không phải chuỗi có quy mô lớn nhất, nhưng FPT Shop là chuỗi có hiệu suất doanh thu trên mỗi mét vuông mặt bằng tốt nhất.
Thời điểm tập đoàn FPT thoái vốn khỏi mảng bán lẻ, FPT Retail trở thành một khoản đầu tư sáng giá khi mang về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận đột biến cho tập đoàn chỉ sau chưa đầy 10 năm phát triển.
Hướng đi mới
“Đương nhiên, ai cũng kỳ vọng những điều tốt đẹp hơn, nhưng công việc chính của tôi vẫn là tập trung phát triển cho FPT Retail”, bà Điệp trả lời khi được hỏi về việc FPT Retail sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 4 năm nay.
Việc FPT Retail lên sàn, nhiều khả năng sẽ mang về một khoản thu nhập đáng kể cho nhân viên của công ty, những người luôn được chị Điệp đặt cho yêu cầu cao, thử thách để cố gắng, đổi lại "những ai cùng làm với mình, cùng đi theo mình, thì mình phải đảm bảo quyền lợi cho họ".
Phía nhóm các nhà đầu tư đã mua 30% cổ phần của FPT Retail hồi cuối năm ngoái cũng mong đợi, FPT Retail sẽ gặt hái nhiều thành công như những gì Thế Giới Di Động đã làm được.
Thời điểm FPT Retail, một cách tình cờ, cũng đánh dấu chấm hết cho sự cạnh tranh trong ngành bán lẻ di động. Với tốc độ tăng trưởng đạt ngưỡng bão hòa, không còn nhiều động lực cho những doanh nghiệp đứng đầu như FPT Retail hay Thế Giới Di Động tập trung nguồn lực vào đây. Bà Điệp cho biết, sau năm 2019, FPT Retail không dự tính mở thêm cửa hàng FPT Shop mới, và ngay trong thời điểm hiện tại, tốc độ mở rộng cũng đã chậm đi nhiều.
Những báo cáo của công ty chứng khoán đánh giá, hầu hết các mặt bằng đẹp, có lưu lượng khách hàng lớn đều đã được các nhà bán lẻ di động tận dụng triệt để. Để tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, FPT Retail không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng sang những thị trường mới, kết hợp với việc tối ưu hóa các nguồn thu cũ.
Bất chấp những khó khăn, FPT Retail vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trung bình 25% trong năm 2018 này. Từ một chuỗi cửa hàng bán lẻ di động, FPT Shop nay được nhóm lại thành FPT Retail – với hàm ý sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới liên quan tới bán lẻ trong tương lai. Chưa công bố chính thức, nhưng FPT Retail hiện đang gấp rút chuẩn bị cho chuỗi bán lẻ dược phẩm mới với mặt hàng chủ lực là thực phẩm chức năng, dụng cụ y khoa, sữa dinh dưỡng, mỹ phẩm.
Đội ngũ FPT Retail nhìn nhận, bán lẻ dược phẩm là thị trường rất tiềm năng, quy mô hơn 3 tỷ USD và chưa có doanh nghiệp lớn nào khai phá. Một thị trường rất giống với bán lẻ di động trước đây, chỉ có điều lần này FPT Retail không còn là kẻ đi sau nữa.
Việc phát triển sang mảng dược của FPT Retail đã được bà Điệp chuẩn bị từ đầu năm ngoái, nhưng đúng theo tính cách của “người đàn bà thép”, thông tin chỉ nên được công bố khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng.
Hiện tại, con đường phát triển cho chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng đã được định hình khá rõ ràng. Chuỗi nhà thuốc này sẽ tập trung mạnh vào mảng thực phẩm chức năng, thuốc bổ thay vì bán thuốc truyền thống. Ngách đi này, được bà Điệp đánh giá là rất lạc quan.
FPT tái ngộ đối thủ Thế Giới Di Động trong lĩnh vực phân phối dược phẩm. |
Từ chối đuổi theo Thế Giới Di Động khi không nhảy vào thị trường điện máy hay bách hóa, nhưng FPT Retail lại tái ngộ đối thủ trong lĩnh vực dược phẩm. Một lần nữa phải đối trực tiếp với "người dẫn dắt" thị trường, song bà Điệp không tỏ ra lo lắng.
“Mình không tham vọng ghê gớm đâu. Chỉ đơn giản là thấy còn nhiều thứ phải học. Tại sao họ làm tốt hơn mình, những chỗ này có gì học hỏi không? Luôn có những thứ cần phải học hỏi từ người dẫn đầu", bà Điệp chia sẻ.
>> Bán lẻ FPT vinh danh những người cống hiến không mệt mỏi
Nhà Quản trị
Ý kiến
()